| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi nông hộ lao đao vì dịch bệnh

Thiếu trầm trọng nhân lực tiêm phòng

Thứ Ba 03/10/2023 , 08:45 (GMT+7)

Bình Định đang triển khai tiêm phòng vacxin lở mồm long móng cho trâu bò đợt 2/2023, do tỉnh này đã xóa lực lượng thú y thôn nên ngành chức năng thiếu nhân lực…

Từ 1/9/2023, hệ thống thú y thôn ở Bình Định bị xóa, thú y xã phải mướt mồ hôi mới hoàn thành nhiệm vụ tiêm phòng cho gia súc, gia cầm. Ảnh: V.Đ.T.

Từ 1/9/2023, hệ thống thú y thôn ở Bình Định bị xóa, thú y xã phải mướt mồ hôi mới hoàn thành nhiệm vụ tiêm phòng cho gia súc, gia cầm. Ảnh: V.Đ.T.

Vắng thú y thôn, ngành chức năng lúng túng

Theo ông Ngô Văn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn (Bình Định), từ 15/9-15/10/2023, ngành chức năng thị xã An Nhơn tổ chức tiêm phòng vacxin lở mồm long móng đợt 2/2023 cho tổng đàn trâu bò 35.000 con.

Trước đây, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn đã xây dựng lực lượng thú y cấp thôn khá kín, An Nhơn có 108 thôn có gần 80 thôn có lực lượng thú y.

Lực lượng này là những người trực tiếp gần gũi với các hộ chăn nuôi tại các địa phương, nên nắm bắt tình hình chăn nuôi, dịch bệnh rất sâu sát. Họ có nhiệm vụ giám sát, báo cáo tình hình chăn nuôi và dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tại địa phương lên thú y cấp trên.

Nhờ đó, nếu có dịch bệnh xảy ra cũng được ngành chức năng kịp thời không chế, không để lây lan diện rộng. Lực lượng này còn là cánh tay đắc lực cho thú y xã trong những đợt tiêm phòng vacxin định kỳ, nhờ đó tỷ lệ tiêm phòng vacxin trên địa bàn được đảm bảo. Dù mức hỗ trợ cho thú y thôn không nhiều, chỉ 200.000đ/người/tháng, nhưng lực lượng này đã đóng góp không ít trong việc khống chế dịch bệnh, giúp ngành chăn nuôi phát triển ổn định.

Thế nhưng, trong đợt tiêm phòng vacxin lở mồm long móng đợt 2/2023 này, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã không còn lực lượng thú y thôn, thị xã An Nhơn cũng không ngoại lệ, nên ngành chức năng các địa phương lúng túng vì thiếu nhân lực phục vụ cho công tác tiêm phòng.

“Trong đợt tiêm phòng vacxin lở mồm long móng đợt 2/2023 này, ngành chức năng thị xã An Nhơn không còn lực lượng thú y thôn tham gia, vì sau ngày 1/9/2023 thì lực lượng thú y thôn đã bị xóa. Vì thế, chúng thôi đã tham mưu cho UBND thị xã An Nhơn ban hành văn bản hướng dẫn cho các UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn huy động lực lượng thú y tư nhân tham gia.

Lực lượng thú y tư nhân tại các thôn sẽ phối hợp với thú y xã thực hiện công tác tiêm phòng trên địa bàn mình hoạt động. Chúng tôi cũng tham mưu UBND thị xã bổ sung kinh phí hỗ trợ cho lực lượng thú y tham gia công tác tiêm phòng, để lực lượng này tích cực tham gia, nhằm thực hiện tốt công tác tiêm phòng đợt 2 này”, ông Ngô Văn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn, cho hay.

Lấp lỗ hổng thú y thôn

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, theo Thông tư 29/2016/TT-BNNPTNT ngày 5/8/2016 về quy định tiêu chuẩn đối với nhân viên thú y xã, phường, thị trấn của Bộ NN-PTNT; trên cơ sở đó, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 52/2023/QĐ-UBND ngày 21/8/2023 về kiện toàn, củng cố mạng lưới thú y cấp xã trên địa bàn tỉnh, theo đó, mỗi xã có 1 cán bộ thú y phụ trách địa bàn.

Theo Quyết định số 52, mức phụ cấp nhân viên thú y cấp xã tăng cao hơn so trước đây. Nếu như trước đây nhân viên thú y cấp xã chỉ được nhận phụ cấp hàng tháng ở hệ số 1 so với mức lương cơ sở hiện hành thì nay được hưởng hệ số 1.3 và được hưởng 100% bảo hiểm y tế theo quy định do ngân sách tỉnh hỗ trợ. Ngoài ra, nhân viên thú y xã còn được tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ.

Vắng thú y thôn, các địa phương ở Bình Định phải huy động lực lượng thú y tư nhân tham gia công tác tiêm phòng trên địa bàn. Ảnh: V.Đ.T.

Vắng thú y thôn, các địa phương ở Bình Định phải huy động lực lượng thú y tư nhân tham gia công tác tiêm phòng trên địa bàn. Ảnh: V.Đ.T.

Cũng theo ông Diệp, hiện nay, hệ thống thú y cấp thôn ở Bình Định không còn tồn tại như Quyết định số 26/2006/QĐ-UBND ngày 10/8/2006 của UBND tỉnh Bình Định về việc phê duyệt đề án kiện toàn tổ chức mạng lưới thú y cơ sở.

Tuy nhiên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tham mưu cho Sở NN-PTNT Bình Định ban hành văn bản hướng dẫn trong công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tại các địa phương trong điều kiện đã vắng thú y thôn. Theo đó, các địa phương gắn kết trách nhiệm phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm với hoạt động của thú y tư nhân.

Bởi, theo Luật Thú y, người hành nghề thú y tư nhân phải cung cấp thông tin và thực hiện theo sự điều động của cơ quan có thẩm quyền. Do đó, Sở NN-PTNT Bình Định đã hướng dẫn các địa phương trong thời gian tới đây sẽ hình thành các nhóm cộng tác viên, gắn trách nhiệm của đội ngũ này cùng với lực lượng thú y xã trong công tác quản lý chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn.

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Hỗ trợ vật tư cho vùng măng tây lớn nhất Ninh Thuận

NINH THUẬN 08 hộ dân thực hiện mô hình trồng thâm canh cây măng tây xanh theo hướng hữu cơ tại xã An Hải (huyện Ninh Phước) được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc BVTV...

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.