Ngày 19/7/2022, tại Lễ phát động "Bệ phóng thương mại điện tử Tây Nguyên", ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương) cho biết, hiện thương mại điện tử tại Tây Nguyên mới tương đối phát triển tại Gia Lai, Kon Tum. Những địa phương khác, nguồn lực, nhận thức cũng như cơ sở hạ tầng còn hạn chế.
Để giải quyết vấn đề một cách căn cơ, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số mà trực tiếp là Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử khoanh vùng đối tượng đào tạo chuyên sâu về thương mại điện tử.
Mục tiêu, là tổ chức đào tạo, tập huấn cho khoảng 1.500 doanh nghiệp, hộ kinh doanh vừa và nhỏ trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên theo hình thức trực tuyến, trong thời gian từ trung tuần tháng 7 tới cuối tháng 8/2022
"Chương trình sẽ là điểm khởi đầu cho những hoạt động hỗ trợ chuyên sâu khác, từ phát triển nguồn nhân lực, đào tạo kiến thức tới tư vấn, triển khai các hoạt động phát triển thương mại điện tử", ông Thành nói.
Với diễn giả là các giảng viên, chuyên gia từng hợp tác và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn với những tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu thế giới, chương trình "Bệ phóng thương mại điện tử Tây Nguyên" chủ trương đi sâu vào đào tạo thực chiến cũng như những bài học thực tế từ sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam và quốc tế.
Bên cạnh các buổi dào tạo, tập huấn, Ban Tổ chức còn triển khai một số tọa đàm về xây dựng doanh nghiệp trên môi trường thương mại điện tử; nền tảng truyền thông trên mạng xã hội... Ngoài ra là các buổi triển lãm, giới thiệu giải pháp, nền tảng, dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử giúp kết nối nhà cung cấp trực tiếp tới doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn 5 tỉnh Tây nguyên.
"Chúng tôi kỳ vọng, đây sẽ là sự kiện kết nối hiệu quả giữa doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng hóa khu vực Tây Nguyên với các đơn vị cung cấp các dịch vụ, giải pháp về thương mại điện tử uy tín trên cả nước”, Giám đốc Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ chương trình, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đồng hành cùng 5 Sở Công thương các tỉnh Tây Nguyên và 5 đối tác có kinh nghiệm trong triển khai đào tạo trực tuyến thương mại điện tử.
Tỷ lệ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam, đặc biệt ngành Home Decor đã tăng gần 500% trong giai đoạn từ 2020 - 2021. Các sản phẩm được xuất khẩu từ Việt Nam thông qua nền tảng thương mại điện tử chủ yếu là thủ công mỹ nghệ, hoặc nông sản chủ lực tại địa phương.
Tại một số sàn thương mại điện tử nội địa lớn, giá trị giao dịch trong 2 năm 2021 và 2022 lần lượt tăng trưởng 15 và 20%. Những con số minh chứng cho sự phát triển và quan tâm của nhiều doanh nghiệp, cá nhân đối với hình thức thương mại này.