| Hotline: 0983.970.780

Hai cấp tòa tỉnh Phú Thọ cố tình lờ Bộ luật Dân sự?

Thứ Ba 03/11/2020 , 08:42 (GMT+7)

Mặc dù 2 bản án đã bị hủy, vụ kiện bị đình chỉ, nhưng bà Lý vẫn là người duy nhất phải chịu thiệt vì thì vẫn mất oan 534,7 m2 đất.

Quyết định sai của Tòa án tỉnh Phú Thọ đã khiến bà Lý không thể trở lại mảnh đất bà đã quản lý sử dụng trong 39 năm

Quyết định sai của Tòa án tỉnh Phú Thọ đã khiến bà Lý không thể trở lại mảnh đất bà đã quản lý sử dụng trong 39 năm

Theo lời khai của bà Đinh Thị Lý (khu 10, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) tại các phiên tòa, thì trước năm 1968, ba hộ Đinh Đức Thắng, Đinh Thị Hân và Đinh Thị Lý ở cạnh nhau. Bà Đinh Thị Hân ở giữa còn 2 hộ kia ở hai bên.

Năm 1968 bà Hân chuyển đi chỗ khác, có làm giấy viết tay chuyển nhượng đất ở cho bà Lý vào ngày 15/5/1968.

Tuy trong giấy không ghi rõ diện tích đất nhưng sau này đo được 500 m2, ngoài ra bà Lý còn khai thác thêm một số diện tích đất nữa.

Ngoài giấy chuyển nhượng đất của bà Hân, một số người biết rõ sự việc đó như các ông Đinh Văn Vạn; Đinh Văn Đình; Nguyễn Quang Sáng… đã xác nhận bằng văn bản về việc bà Lý đã ở trên đất của bà Hân từ năm 1968. Chữ ký của họ trong văn bản xác nhận đó được UBND xã Tất Thắng chứng thực là đúng.

Suốt 39 năm, từ năm 1968 đến năm 2007, gia đình anh Thắng không có bất cứ ý kiến gì về nguồn gốc đất của bà Lý, kể cả năm 1998 khi gia đình anh Thắng và gia đình bà Lý đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

Cho đến năm 2007, khi bà Lý đổ đất tôn cao khu đất nhà mình, thì anh Thắng bỗng nhẩy vào tranh chấp, và khởi kiện bà Lý ra TAND huyện Thanh Sơn, yêu cầu tòa tuyên buộc bà Lý phải trả cho anh 534,7 m2 đất.

Tại tòa, tuy anh Thắng không đưa ra được bất kỳ chứng cứ nào chứng minh chủ quyền của mình đối với mảnh đất, ngay cả  nguồn gốc đất đó từ đâu anh cũng không nói được. Ngoài lời khai rằng anh có đất đó từ năm 1978, nhưng năm 1990 anh cho bà Lý mượn để canh tác (chứ không phải để làm đất ở như thực tế). Nay anh đòi lại, do bà Lý không trả nên anh khởi kiện.

Tuy vậy, TAND huyện Thanh Sơn vẫn chấp nhận lời khai của anh Thắng. Bản án số 03/2008/DS-ST ngày 19/6/2008 của TAND huyện Thanh Sơn tuyên buộc bà Lý phải trả cho anh Thắng 534,7 m2 đất. Bà Lý chống án.

Bản án phúc thẩm số 62/2008/DS-PT ngày 9/9/2008 của TAND tỉnh Phú Thọ tuyên y án sơ thẩm. Sau bản án phúc thẩm, cơ quan thi hành án huyện Thanh Sơn đã cưỡng chế 534,7 m2 đất của bà Lý trả cho anh Thắng. Sau đó UBND huyện đã cấp sổ đỏ thửa đất trên cho anh Thắng.

Ngày 26/10/2011, tòa dân sự TANDTC xử giám đốc thẩm vụ kiện trên theo kháng nghị của Chánh án TANDTC, tuyên hủy hai bản án sơ, phúc thẩm nói trên, giao hồ sơ về cho TAND huyện Thanh Sơn xét xử lại theo quy định của pháp luật. Thế nhưng ngày 18/5/2012, TAND huyện Thanh Sơn lại ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ kiện.

Tuy 2 bản án đã bị hủy, vụ kiện bị đình chỉ, nhưng 534,7 m2 đất thì vẫn bị mất. Bà Lý khởi kiện anh Thắng ra TAND huyện Thanh Sơn, yêu cầu tòa tuyên buộc anh Thắng phải trả lại 534,7 m2 đất cho mình. Bản án dân sự sơ thẩm số 16/2019/DS-ST ngày 31/10/2019 của TAND huyện Thanh Sơn tuyên: bác đơn khởi kiện của bà Lý.

Không chấp nhận bản án sơ thẩm nói trên, bà Đinh Thị Lý kháng cáo. Ngày 29/9/2020, TAND tỉnh Phú Thọ đã phúc thẩm vụ án trên. Bản án dân sự phúc thẩm số 80/2020/DS-PT của TAND tỉnh Phú Thọ tuyên: hủy bản án số 16/2019/DS-ST của TAND huyện Thanh Sơn, giao hồ sơ lại để TAND huyện Thanh Sơn xét xử lại.

Theo chúng tôi, đây có thể nói là cách giải quyết một vụ kiện kỳ lạ có một không hai của hai cấp tòa tỉnh Phú Thọ. Bởi cách giải quyết vốn rất đơn giản. Năm 2007 là năm Bộ luật Dân sự năm 2005 đang có hiệu lực pháp luật. Điều 247 (xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu) của Bộ luật Dân sự 2005 ghi: 1/Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản và 30 năm đôi với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu của tài sản đó kể từ thời điểm chiếm hữu.

Bà Lý khai bà đã ở trên đất đó từ năm 1968 cùng với rất nhiều chứng cứ, đến năm anh Thắng khởi kiện là 39 năm.

Trong suốt 39 năm đó, gia đình anh Thắng không có bất cứ một ý kiến gì. Vì vậy, HĐXX chỉ việc thẩm tra lời khai của bà Lý và những căn cứ do bà xuất trình. Nếu đủ căn cứ, thì dù đất đó là của anh Thắng, anh Thắng cũng không đủ điều kiện khởi kiện bà Lý để đòi 534,7 m2 đất, vì đất đó đã thuộc quyền sử dụng của bà Lý theo quy định của điều luật trên. Và chỉ cần bác đơn khởi kiện của anh Thắng là xong.

Thế nhưng hai cấp tòa của tỉnh Phú Thọ đã coi như không có Bộ luật Dân sự năm 2005, vẽ ra rất nhiều điều nhiêu khê, để kéo dài 1 vụ kiện tới 12 năm, qua 5 bản án, vẫn không giải quyết xong. Và cứ đà này, thì không biết còn phải ra bao nhiêu bản án nữa, mới kết thúc vụ kiện?

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất