* Khởi động Dự án hợp tác công - tư giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia với Grow Asia và Công ty Bayer Việt Nam
Trước tác động lớn của xâm nhập mặn, hạn hán và dịch Covid-19 ảnh hưởng tới nông hộ sản xuất nhỏ, Tập đoàn Bayer dự kiến sẽ triển khai dự án hỗ trợ toàn cầu với tên gọi “Better Farms, Better Lives” (Canh tác thuận lợi và Cuộc sống tốt đẹp hơn).
Dự án sẽ hỗ trợ 2 triệu nông hộ sản xuất nhỏ gói giải pháp toàn diện bao gồm hạt giống, thuốc BVTV, giải pháp tiếp cận thị trường và an toàn sức khỏe người dân. Nhằm góp phần đảm bảo cuộc khủng hoảng về sức khỏe và kinh tế hiện tại không biến thành cuộc khủng hoảng về đói nghèo.
Tại Việt Nam, Tập đoàn Bayer phối hợp cùng tổ chức Tăng trưởng Châu Á (Grow Asia) và Bộ Nông nghiệp và PTNT [Ban thư ký Đối tác Phát triển Nông nghiệp Bền vững (PSAV)/Vụ Hợp tác quốc tế và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xác định các khu vực mà nông dân bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi hạn hán, nhiễm mặn và đại dịch Covid-19 để triển khai Dự án: “Hỗ trợ nông hộ sản xuất nhỏ ứng phó với đại dịch Covid-19 và hạn mặn tại khu vực ĐBSCL”, giúp các hộ sản xuất nhỏ phục hồi hoạt động sản xuất, ứng phó hiệu quả với tình hình thiên tai, dịch bệnh hiện tại.
Dự án sẽ hỗ trợ 80.000 nông hộ nhỏ tại khu vực ĐBSCL gói giải pháp toàn diện, hỗ trợ giải quyết khâu nguyên liệu đầu vào (bao gồm hạt giống, sản phẩm bảo vệ cây trồng giúp bảo vệ năng suất), chuyển giao kiến thức - thực hành nông nghiệp tốt (GAP), giúp các nông hộ sản xuất nhỏ có thể duy trì, phục hồi, tái tổ chức hoạt động sản xuất, tăng năng suất, ứng phó hiệu quả với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh Covid-19, đảm bảo các sản phẩm thu hoạch đáp ứng yêu cầu ATVSTP và tiêu chuẩn quốc tế.
Dự án sẽ được triển khai tại 5 tỉnh miền Tây (Kiên Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Cà Mau) và 2 tỉnh miền Đông Nam Bộ (Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu).
Cụ thể, chương trình sẽ cấp phát miễn phí 60 tấn hạt giống ngô cho 20.000 nông hộ trồng ngô tại 2 tỉnh vùng Đông Nam Bộ; 60 tấn sản phẩm bảo vệ thực vật giúp bảo vệ năng suất trước tình hình hạn hán, nhiễm mặn cho 60.000 nông hộ trồng lúa tại 5 tỉnh vùng ĐBSCL.
Dự án giúp nâng cao năng lực cho giảng viên khuyến nông và nông dân trong canh tác lúa và ngô bền vững thông qua hỗ trợ đào tạo, tập huấn, chuyển giao kiến thức - thực hành nông nghiệp tốt (GAP), từ đó giúp tăng hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập và sinh kế của các nông hộ nhỏ tại khu vực ĐBSCL và Đông Nam Bộ.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đồng hành cùng nhà nông trong quá trình sản xuất từ khi gieo hạt tới lúc thu hoạch thông qua các tư vấn về quản lý cây trồng, dịch hại cũng như các chương trình đào tạo để nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ hiện đại trong canh tác.
Xuyên suốt Dự án, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tổ chức đào tạo ToT cho 700 giảng viên khuyến nông và đào tạo ToF cho 24.800 nông dân sản xuất nhỏ thuộc 7 tỉnh tham gia dự án.
Bên cạnh đó, Dự án giúp tăng cường năng lực phòng chống dịch Covid-19 và kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho nữ nông dân.
Ông Weraphon Charoenpanit, Giám đốc Kinh doanh, nhánh Khoa học Cây trồng, Bayer Việt Nam, chia sẻ: “Nông nghiệp quy mô nhỏ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực tại Việt Nam. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đang xảy ra song song với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cung cấp lương thực cho chính người nông dân và cho cộng đồng.
Dự án “Canh tác thuận lợi hơn, Cuộc sống tốt đẹp hơn” sẽ nhanh chóng hỗ trợ nông hộ quy mô nhỏ tiếp cận được các yếu tố đầu vào trong sản xuất nông nghiệp và các chương trình tập huấn xuyên suốt vụ hè thu năm nay và tiếp đó. Chúng tôi hy vọng rằng dự án này, với sự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, cùng với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Vụ Hợp tác Quốc tế cũng như tổ chức Grow Asia sẽ không chỉ góp phần mang lại khả năng phục hồi cho các nông hộ sản xuất nhỏ mà còn đảm bảo tính ổn định, bền vững của ngành nông nghiệp Việt nam".
Khởi động cho Dự án, hôm nay (22/9) tại TP Biên Hòa, Đồng Nai, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với các bên liên quan tổ chức hội thảo, thảo luận phương án triển khai các hoạt động của Dự án này.
Hội thảo khởi động Triển khai thực hiện Dự án: Hỗ trợ nông hộ sản xuất nhỏ ứng phó với đại dịch Covid-19 và hạn mặn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, thảo luận để thống nhất cách thức triển khai Dự án một cách hiệu quả, đảm bảo tiến độ và đúng mục tiêu của Dự án nhằm góp phần chia sẻ, giúp đỡ các hộ nông dân sản xuất nhỏ trên địa bàn 7 tỉnh khắc phục hậu quả của hạn hán, xâm ngập mặn và đại dịch Covid-19.
Tôi mong muốn hệ thống khuyến nông các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ nói chung và hệ thống khuyến nông 7 tỉnh/TP trong địa bàn triển khai Dự án nói riêng phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, chính quyền địa phương để triển khai dự án thuận lợi và đạt được hiệu quả cao nhất đồng thời hướng dẫn nông dân chủ động triển khai các biện pháp phòng chống hạn, mặn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng vật tư nông nghiệp an toàn và có trách nhiệm, góp phần nâng cao sức khỏe của người dân, cộng đồng và bảo vệ môi trường.
Hệ thống khuyến nông Việt Nam với gần 30 năm đồng hành cùng nông dân sẽ tiếp tục phát huy và làm tốt vai trò của mình giúp cộng đồng nông thôn Việt Nam trở nên mạnh mẽ, sản xuất thông minh hơn và ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng tốt hơn.
(PGS.TS Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia)