| Hotline: 0983.970.780

'Lá chắn xanh' bảo vệ hơn 9.000 dân

Chủ Nhật 20/11/2022 , 21:29 (GMT+7)

Rừng ngập mặn đã trở thành “lá chắn xanh” giúp bà con xã Đa Lộc yên tâm sản xuất, ổn định đời sống...

Xã có 500 ha rừng ngập mặn

Xã Đa Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) có 3 mặt tiếp giáp với biển và sông, là nơi quần cư của hơn 9.000 dân. Với vị trí địa lý và địa hình khá đặc biệt, nơi đây được xem là vùng “rốn” bão của huyện Hậu Lộc nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc cho biết, năm 2005, cơn bão số 7 đổ bộ, phá vỡ hầu hết hệ thống đê đất chạy dọc 4 thôn ven biển, gây thiệt hại lớn đến tài sản của người dân. Toàn xã có hơn 100 ha đất sản xuất và khoảng 200 ha đất nuôi trồng thủy sản bị nước mặn xâm nhập. Sau bão, tuyến đê dài hàng km còn sót lại vỏn vẹn hơn 100 mét vì được che chắn bởi thảm rừng ngập mặn.

Phía trên đê là rừng phi lao, phía dưới đê là ngập mặn. 'Lá chắn xanh' đang từng ngày bảo vệ người dân xã Đa Lộc trước biến đổi khí hậu. Ảnh: Quốc Toản.

Phía trên đê là rừng phi lao, phía dưới đê là ngập mặn. "Lá chắn xanh" đang từng ngày bảo vệ người dân xã Đa Lộc trước biến đổi khí hậu. Ảnh: Quốc Toản.

Từ năm 1989 đến nay, nhờ các chương trình, dự án đầu tư của một số tổ chức phi chính phủ, hơn 4 km bờ biển tại xã Đa Lộc đã được phủ xanh bằng 500 ha rừng ngập mặn. Những cánh rừng sú, vẹt, bần chua hàng chục năm tuổi chạy dài tít tắp dọc theo chân đê được xem là “lá chắn xanh” ngăn triều cường, chống sạt lở và nước biển xâm thực, giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Đánh giá về vai trò của rừng ngập mặn đối sự phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương, ông Vũ Văn Trung cho biết, việc trồng rừng ngập mặn ở Đa Lộc mang lại nhiều lợi ích, từ việc bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên ven biển góp phần giảm thiểu rủi ro thiên tai, đến việc tạo sinh kế cho người dân.

Rừng ngập mặn ven biển không chỉ giúp ứng phó với biến đổi khí hậu mà còn giúp bà con trong xã ổn định đời sống, yên tâm sản xuất.

Hiện nay, địa phương đang phát triển ngành du lịch sinh thái gắn với bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ, rừng ngập mặn, từng bước tăng thu nhập cho người dân.

Rừng ngập mặn đem lại nguồn lợi thủy sản lớn cho người dân xã Đa Lộc. Ảnh: Quốc Toản.

Rừng ngập mặn đem lại nguồn lợi thủy sản lớn cho người dân xã Đa Lộc. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Vũ Tân Sửu người dân xóm Đông Thành cho hay: “Dải rừng ngập mặn ven biển giúp bà con không phải lo lắng mỗi khi nghe tin báo bão. Vì có rừng che chắn nên cả chục năm nay địa phương rất ít khi bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng tiêu cực từ thiên nhiên. Ngoài ra, việc rừng ngập mặn được phục hồi tại địa phương đem lại không khí trong lành, góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường sống”.

Theo Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa, kết quả lũy kế đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh trồng được 9.400 ha rừng trồng tập trung; trồng 5,5 triệu cây phân tán. Diện tích rừng ngập mặn ven biển chiếm khoảng 1.000 ha đang phát huy hiệu quả trong việc ngăn nước biển xâm thực, ổn định đời sống người dân. 

Có rừng là có tất cả

Nguồn lợi từ dải rừng phòng hộ ven biển xã Đa Lộc đã và đang giúp nhiều người dân có nguồn thu nhập ổn định nhờ khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Mỗi khi thủy triều rút, rừng ngập mặn để lại các “sản vật” tự nhiên như cá còi, cua, cáy dưới những gốc cây sú, vẹt, bần.

Ông Vũ Tân Sửu cho biết: “Rừng ngập mặn là nơi sinh sống của nhiều loài thủy sản. Do đó, người dân địa phương coi khu rừng này là một phần không thể thiếu trong đời sống. Hằng ngày, người dân có thể kiếm được vài ký cá, cua, cáy... để cải thiện bữa ăn hoặc bán cho thương lái. Các loài thủy sản nơi đây có hàm lượng dinh dưỡng cao nên giá trị kinh tế cũng lớn. Nếu gặp may, người dân có thể kiếm được 500-700 nghìn/ngày nhờ nghề bắt cua, cáy…".

Nghề nuôi ong lấy mật rất phát triển tại xã Đa Lộc. Ảnh: Quốc Toản.

Nghề nuôi ong lấy mật rất phát triển tại xã Đa Lộc. Ảnh: Quốc Toản.

Đặc biệt, nhờ có dải rừng ngập mặn sú, vẹt, nên nghề nuôi ong mật tại xã Đa Lộc rất phát triển. Toàn xã Đa Lộc hiện tại có hơn 200 hộ nuôi ong, trong đó có 65 hộ là thành viên của tổ hợp tác nuôi ong.

Nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, có thu nhập ổn định từ nghề nuôi ong mật khi tận dụng được nguồn hoa khổng lồ từ những cánh rừng ngập mặn ven biển.

Ông Trần Duy Trái hộ dân nuôi ông tại thôn Đông Thành cho hay, nghề nuôi ong tuy không giàu như các nghề khác, nhưng đem lại cuộc sống ổn định cho người dân. Mỗi năm nghề nuôi ong đem lại thu nhập cho gia đình ông từ 60-70 triệu đồng.

Hiện nay, xã Đa Lộc đang xây dựng thương hiệu mật ong rừng ngập mặn là sản phẩm đạt chuẩn OCOP của địa phương để nâng cao thương hiệu sản phẩm, nâng cao giá trị thu nhập cho người dân.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.