Theo Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, Thương vụ đã nhận được thư của Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) thông báo về việc tái chỉ định các thực phẩm nhập khẩu phải kiểm tra khi vào Hàn Quốc.
Theo đó, nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm an toàn thực phẩm của các nhà nhập khẩu và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng thực phẩm nhập khẩu, MFDS Hàn Quốc thông báo sẽ gia hạn lệnh kiểm tra theo Điều 22 (Lệnh tiến hành kiểm tra) của “Đạo luật đặc biệt về kiểm soát an toàn thực phẩm nhập khẩu” và theo “Quy định về Lệnh kiểm tra đối với thực phẩm nhập khẩu”…
Trước khi chấm dứt lệnh kiểm tra, MFDS quyết định tái chỉ định một số mặt hàng thực phẩm phải kiểm tra sau nhiều lần cân nhắc và xem xét do có tỷ lệ không phù hợp cao hoặc có nguy cơ gây hại.
Đối với sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam, mặt hàng thực phẩm cần kiểm tra là ớt cay (Cayenne, Capsicum, Chili Pepper, Red Pepper, Tabasco). Hạng mục kiểm tra: 7 thuốc trừ sâu (Diniconazole, Tolfenpyrad, Tricyclazole, Permethrin, Dimethoate, Isoprothiolane, Metominostrobin).
MFDS Hàn Quốc sẽ gia hạn lệnh kiểm tra từ 31/3/2023 -30/3/2025 (thay vì 30/3/2024), do các thực phẩm nhập khẩu liên tục không tuân thủ các tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật. Danh sách các mặt hàng thực phẩm phải kiểm tra được đăng trên trang web MFDS (http://www.mfds.go.kr) theo Điều 3 của “Quy định về Lệnh kiểm tra đối với thực phẩm nhập khẩu”…
Ngoài ra, cá nhân hoặc tổ chức kinh doanh Hàn Quốc có ý định nhập khẩu thực phẩm theo lệnh kiểm tra phải nộp báo cáo thử nghiệm do các phòng thí nghiệm được MFDS phê duyệt cấp khi khai báo nhập khẩu.
Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc cũng vừa thông báo về việc Đài Loan tăng cường giám sát ớt và sản phẩm từ ớt nhập khẩu.
Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (TFDA), đây là một trong những biện pháp quản lý nông sản nhập khẩu được Đài Loan triển khai từ tháng này, khi TFDA qua kiểm tra phát hiện chất phụ gia thuốc nhuộm gây ung thư bị cấm Sudan Red III trong bột ớt do một công ty ở tỉnh Hà Nam của Trung Quốc cung cấp. Bột ớt của công ty này đã được 10 nhà chế biến thực phẩm ở Đài Loan sử dụng trong đồ ăn nhẹ tôm (snack tôm) và các sản phẩm khác.
Vụ việc đã dấy lên làn sóng lo ngại về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tại Đài Loan khi các sản phẩm bột ớt nhập khẩu chứa chất phụ gia trên đã được nhiều doanh nghiệp thực phẩm sử dụng chế biến thành bột ớt, dầu ớt, bột tiêu trắng, bột cà ri, nguyên liệu lẩu hay bánh dim sum...
Các sản phẩm được yêu cầu tăng cường giám sát nhập khẩu gồm hàng hóa có ớt quả mã HS 0904.22.00.00.1 (mô tả tiếng Anh: Fruits of the genus Capsicum or of the genus Pimenta, crushed or ground) và sản phẩm từ ớt mã HS 0904.21.90.00.3 (mô tả tiếng Anh: Other fruits of the genus Capsicum or of the genus Pimenta, dried, neither crushed nor ground). Chỉ số được yêu cầu tăng cường giám sát là chất Sudan Red.
Thông báo của TFDA cũng cho thấy, kể từ cuối tháng 2 đến nay, Đài Loan đã ra các lệnh hạn chế dừng kiểm hóa thông quan nhập khẩu đối với mặt hàng ớt và sản phẩm từ ớt đối với 21 doanh nghiệp Trung Quốc. 1 doanh nghiệp xuất khẩu ớt Việt Nam vào Đài Loan cùng 1 doanh nghiệp Thái Lan và 1 doanh nghiệp Mexico cũng bị áp dụng lệnh hạn chế nói trên.
Theo Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, ớt Việt Nam xuất khẩu đạt 72 triệu USD, tăng 34,5% so với năm 2022. Trong nhóm hàng rau củ xuất khẩu, ớt là mặt hàng quan trọng nhất, chiếm 25,9% về giá trị, vượt xa so với các mặt hàng cùng nhóm như khoai lang, súp lơ ...