| Hotline: 0983.970.780

200 báo cáo khoa học trình bày tại Hội nghị Khoa học thường niên 2023

Thứ Sáu 17/11/2023 , 13:36 (GMT+7)

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao đóng góp của nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong bối cảnh thích ứng với thách thức về biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày tại hội nghị. Ảnh: TLU.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày tại hội nghị. Ảnh: TLU.

Sáng 17/11, Trường Đại học Thủy lợi tổ chức Hội nghị Khoa học thường niên năm 2023. Đây là hoạt động khoa học lớn nhất trong năm của trường, quy tụ các nhà khoa học, các nhà quản lý đến từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, hội nghị là cơ hội để các nhà khoa học trong lĩnh vực thủy lợi, phòng chống thiên tai, đặc biệt là đội ngũ khoa học của Trường Đại học Thủy lợi có thêm điều kiện để cùng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, giải pháp, định hướng quan trọng trong phát triển khoa học trong tương lai.

"Trong bối cảnh toàn cầu hóa, với những thách thức về biến đổi khí hậu, khai thác thượng nguồn, vấn đề an ninh nguồn nước, ô nhiễm môi trường diễn biến ngày càng phức tạp, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đóng vai trò then chốt để thực hiện và cụ thể hoá những cơ hội và thách thức này", Thứ trưởng nói.

Tiếp thu ý kiến của Thứ trưởng, GS.TS Trịnh Minh Thụ, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi chia sẻ, suốt gần 65 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã đào tạo được nguồn nhân lực thực hiện nhiều nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ, kinh tế và quản lý; đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước.

"Mục tiêu chiến lược của trường là phát triển thành cơ sở giáo dục đa ngành, định hướng nghiên cứu, có môi trường học thuật sáng tạo, mô hình quản trị tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nhu cầu xã hội, có uy tín trong cộng đồng quốc tế", ông Thụ bày tỏ.

Hiệu trưởng Trịnh Minh Thụ, đại diện Trường Đại học Thủy lợi, ký hợp tác với Công ty Portcoast. Ảnh: TLU.

Hiệu trưởng Trịnh Minh Thụ, đại diện Trường Đại học Thủy lợi, ký hợp tác với Công ty Portcoast. Ảnh: TLU.

Những năm gần đây, Đại học Thủy lợi chủ trương đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ với đội ngũ 1.200 cán bộ, giảng viên; trên 24.000 sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Năm học 2022-2023, nhà trường đã hoàn thành và nghiệm thu gần 50 đề tài nghiên cứu các cấp với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng và gần 400 tỷ đồng từ các dự án chuyển giao công nghệ. Hiện trường thực hiện 8 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, 24 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và 2 đề tài nghiên cứu cấp tỉnh, thành phố với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng. Dự kiến trên 400 tỷ đồng từ nguồn thu các dự án chuyển giao công nghệ, phục vụ sản xuất.

Các giảng viên, học viên, nghiên cứu sinh của Trường Đại học Thủy lợi đã công bố gần 800 ấn phẩm khoa học, trong đó hơn 200 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học uy tín quốc tế. Đặc biệt, gần 100 bài báo thuộc nhóm Q1.

PGS. TS Nguyễn Cảnh Thái, Phó Hiệu trưởng nhà trường nhận xét, năm nay hội nghị khoa học thường niên nhận 209 bài viết, thông qua quy trình phản biện kín, nghiêm túc. Kết quả, 180 bài chất lượng phù hợp với tiêu chí Hội nghị được chấp thuận báo cáo thuộc các lĩnh vực: Công trình, Kỹ thuật tài nguyên nước, Thủy văn - Thủy lực; Hóa - Môi trường; Công nghệ thông tin; Điện - Điện tử; Cơ khí; Khoa học xã hội; Kinh tế và Quản lý; Ngôn ngữ Anh.

Phó Hiệu trưởng Nguyễn Cảnh Thái tặng quà cho các tác giả có báo cáo điển hình trình bày tại Hội nghị. Ảnh: TLU.

Phó Hiệu trưởng Nguyễn Cảnh Thái tặng quà cho các tác giả có báo cáo điển hình trình bày tại Hội nghị. Ảnh: TLU.

Hội nghị năm nay có 3 báo cáo điển hình được trình bày gồm: "Quantum-inspired Optimal Resource Allocation for 6G" của Giáo sư Dương Quang Trung, Đại học Queen’s Belfast, Vương quốc Anh; "Tăng cường khả năng đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp Việt Nam: Những nhân tố tiền đề và kết quả" của PGS.TS Lê Ba Phong, Trường Ngoại ngữ - Du lịch, Đại học Công nghiệp Hà Nội; "Chuyển đổi số cho ngành Kiến trúc, Kỹ thuật và Xây dựng tại Portcoast" của ông Trần Tấn Phúc, Công ty CP Tư vấn thiết Cảng - Kỹ thuật Biển.

Sau phiên toàn thể, Hội nghị Khoa học thường niên năm 2023 chia 16 tiểu ban. Qua đây, các nhà khoa học có thể chia sẻ kết quả nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, xã hội đồng thời thảo luận về những thách thức thực tế gặp phải và các giải pháp thích ứng.

Trong khuôn khổ hội nghị, Trường Đại học Thủy lợi và Công ty Portcoast ký kết Biên bản ghi nhớ nhằm đẩy mạnh các hợp tác trong lĩnh vực tư vấn Cảng - Công trình biển và Chuyển đổi số…

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Người dân ĐBSCL sáng tạo, thích ứng tốt với xâm nhập mặn

ĐBSCL Trải qua các đợt ảnh hưởng xâm nhập mặn, người dân ĐBSCL tích lũy nhiều kinh nghiệm, chủ động, sáng tạo các giải pháp ứng phó trong mùa khô 2023 - 2024.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Hạ nhiệt' những 'điểm nóng' thiếu nước sinh hoạt

Những xã khu Đông huyện Phù Mỹ (Bình Định) luôn là 'điểm nóng' về thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn, nhưng năm nay khu vực này đã được hạ nhiệt căng thẳng.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm