Vi phạm chính là gì?
Theo Phòng Thanh tra - Pháp chế (Cục Bảo vệ thực vật), từ đầu năm 2019 đến nay có tất cả 23 lô hàng phân bón nhập khẩu vi phạm nhãn mác không khớp với hồ sơ theo Quyết định công nhận lưu hành phân bón tại Việt Nam mà các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón đã nộp lưu chiểu và cấp mã số tại Cục Bảo vệ thực vật theo Nghị định 108 của Chính phủ.
Thời gian qua, một số lô phân bón nhập khẩu vi phạm nhãn mác, độ ẩm (Ảnh minh họa). |
Lỗi doanh nghiệp nhập khẩu phân bón thường mắc phải, về nhãn mác chủ yếu xảy ra với đạm SA, kaly và axit humic nhập khẩu. Do Việt Nam hiện chưa tự sản xuất được đạm SA hay kaly nên những mặt hàng này đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Để tăng tính nhận diện, quảng bá thương hiệu nên đa phần các doanh nghiệp phân bón trong nước sau khi nhập SA, kaly về sẽ sang bao với logo, bao bì, nhãn mác được Việt hóa.
Tuy nhiên, trong quá trình đăng ký và nộp mẫu bao bì, nhãn mác sản phẩm tại Cục Bảo vệ thực vật để được cấp quyết định công nhận lưu hành phân bón tại Việt Nam với phân bón nhập khẩu theo Nghị định 108, một số doanh nghiệp sơ xuất nên đăng ký nhãn mác, bao bì không khớp với bao bì, hàm lượng sản phẩm phân bón nhập khẩu từ các nhà sản xuất nước ngoài.
Sau khi đối chiếu nhãn mác, hàm lượng phân bón nhập khẩu và nhãn mác, hàm lượng theo quyết định công nhận lưu hành phân bón tại Việt Nam do Cục Bảo vệ thực vật cấp, các đơn vị phân tích, giám định được ủy quyền nhà nước và lực lượng Hải quan đã từ chối làm thủ tục thông quan.
Hướng xử lý ra sao?
Về hướng xử lý vướng mắc nhãn mác phân bón đối với các doanh nghiệp nhập khẩu vi phạm, trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Minh Lan, Trưởng phòng Phân bón (Cục Bảo vệ thực vật) nhấn mạnh, lỗi này hoàn toàn thuộc phía doanh nghiệp, bởi không ai khác chính doanh nghiệp nhập khẩu là đơn vị trực tiếp nộp hồ sơ về Cục Bảo vệ thực để được cấp quyết định công nhận lưu hành phân bón tại Việt Nam.
Nhưng để chia sẻ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tránh thiệt hại về kinh tế ngành hàng về mặt phân bón, Cục Bảo vệ thực vật đang kiến nghị xử lý vấn đề này theo hướng toàn bộ các lô phân bón nhập khẩu chưa khớp nhãn mác trên phải được lấy mẫu phân tích 100%.
Trong trường hợp những chỉ tiêu về chất lượng đảm bảo theo quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn sẽ đồng ý cho doanh nghiệp đưa về kho bãi. Tuy nhiên, sản phẩm trước khi phân phối, tiêu thụ ra ngoài thị trường phải thay đổi lại toàn bộ bao bì, nhãn mác đúng với bao bì, nhãn mác đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp theo Quyết định công nhận lưu hành phân bón theo Nghị định 108.
Trước đó, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà có văn bản số 288/CV-HHPBVN gửi Cục Bảo vệ thực vật và Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị tháo gỡ 2 vấn đề là nhãn mác và độ ẩm.
Cụ thể, theo công văn trên, mặt hàng đạm SA đăng ký trên nhãn mác hàm lượng nitơ (N) theo Quyết định công nhận lưu hành là 20%, hàm lượng lưu huỳnh (S) là 23%, nhưng khi các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu đạm SA từ đối tác nước ngoài về đến cảng trên bao bì, nhãn mác lại thể hiện nội dung nitơ 20,5 - 21%.
Vì vậy, các tổ chức giám định được Cục Bảo vệ thực vật ủy quyền kiểm tra nhà nước như Vinacontrol, FCC, Vinacert,.. thông báo không đúng theo quy định. Bởi theo Nghị định 108, tất cả các hồ sơ nhập khẩu cũng như bao bì của nhà sản xuất phải thể hiện đúng tên phân bón mà doanh nghiệp nhập khẩu đã được cấp trong Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.
Cục Bảo vệ thực vật cho biết sẽ yêu cầu tái xuất hoặc tiêu hủy những lô phân bón vi phạm chỉ tiêu độ ẩm (Ảnh minh họa). |
Như vậy, có thể thấy Cục Bảo vệ thực vật đã chia sẻ với doanh nghiệp nhập khẩu về những sai sót nhỏ liên quan tới nhãn mác phân bón, nhưng vi phạm về chỉ tiêu chất lượng mà cụ thể ở đây là độ ẩm đối với các lô phân bón nhập khẩu, mặc dù có kiến nghị của Hiệp hội Phân bón Việt Nam và phía doanh nghiệp, song Cục Bảo vệ thực vật cho biết sẽ kiên quyết yêu cầu doanh nghiệp phải tái xuất hoặc tiêu hủy lô hàng trên.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện một doanh nghiệp kiến nghị Cục Bảo vệ thực vật cho phép chuyển lô phân bón SA không đạt về độ ẩm đi phân tích lại hoặc chuyển sang làm nguyên liệu sản xuất phân NPK. Bởi thực tế, các chỉ tiêu về nitơ, lưu huỳnh của lô hàng vẫn đảm bảo theo quy định và bộ hồ sơ phân tích về chất lượng của lô SA từ phía nhà xuất khẩu cũng đảm bảo đúng chỉ tiêu về độ ẩm là 1%.
Tuy nhiên, khi trao đổi với chúng tôi Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung nhấn mạnh, mặc dù phía Cục rất muốn tạo điều kiện tối đa cũng như tránh thiệt hại cho doanh nghiệp nhưng theo quy định tại Nghị định 108, độ ẩm là một chỉ tiêu quan trọng về chất lượng. Bên cạnh đó, theo quyết định công nhận lưu hành thì đạm SA đăng ký mã số là sản phẩm phân bón thành phẩm không phải là nguyên liệu nên việc chuyển sang làm nguyên liệu sẽ vi phạm Nghị định 108.
Riêng kiến nghị phân tích lại lô hàng SA trên, theo Cục trưởng Hoàng Trung cũng trái với Nghị định 108 bởi kết quả phân tích lần 2 chỉ để tham khảo, còn kết quả lần 1 mới là căn cứ để ra quyết định xử lý, xử phạt. Bên cạnh đó, những đơn vị đã được chỉ định ủy quyền để kiểm tra chất lượng nhà nước phân bón hoàn toàn phải chịu trách nhiệm về kết quả phân tích của mình.
Do đó, nhằm tránh tạo tiền lệ không tốt, không nghiêm minh về quản lý nhà nước về phân bón, Cục Bảo vệ thực vật sẽ yêu cầu tái xuất hoặc tiêu hủy bất cứ lô hàng phân bón nào vi phạm chỉ tiêu về chất lượng, trong đó có chỉ tiêu về độ ẩm.