| Hotline: 0983.970.780

Những hiểu lầm về độ đạm trong thức ăn chăn nuôi

Thứ Tư 06/11/2024 , 14:06 (GMT+7)

Người chăn nuôi thường cho rằng, thức ăn có hàm lượng đạm cao hơn sẽ cho hiệu quả cao hơn, nhưng đây là quan điểm hoàn toàn không chính xác.

TS Nguyễn Đình Hải, Quản lý kỹ thuật CJ Bio Việt Nam cho rằng, việc cung cấp khẩu phần ăn chính xác rất quan trọng. Ảnh: Hồng Thắm.

TS Nguyễn Đình Hải, Quản lý kỹ thuật CJ Bio Việt Nam cho rằng, việc cung cấp khẩu phần ăn chính xác rất quan trọng. Ảnh: Hồng Thắm.

Hiểu đúng về đạm và axit amin

TS Nguyễn Đình Hải, Quản lý kỹ thuật CJ Bio Việt Nam chia sẻ, xét về mặt cấu tạo, chất đạm (protein) là những phân tử lớn, chứa nhiều chuỗi axit amin liên kết với nhau bằng liên kết peptid.

Trong thức ăn, chất đạm tồn tại nhờ các liên kết giữa các axit amin nhưng khi vào cơ thể vật nuôi các liên kết này sẽ được các enzyme tiêu hóa phân cắt để tạo thành các axit amin và vật nuôi sẽ hấp thụ các axit amin này tạo thành dinh dưỡng cho cơ thể.

Do đó, động vật không có nhu cầu về đạm mà cần axit amin (Leeson và Summers, 2001). Khi khẩu phần giảm hàm lượng đạm thô cần phải đảm bảo, lượng axit amin trong thức ăn đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của vật nuôi, khi đó vật nuôi sẽ tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, người chăn nuôi quan tâm nhiều đến hàm lượng đạm trong thức ăn chăn nuôi và thường cho rằng, thức ăn có hàm lượng đạm cao hơn sẽ cho hiệu quả cao hơn. Thế nhưng, đây là quan điểm hoàn toàn không chính xác. Bởi thức ăn có hiệu quả là thức ăn có thể đáp ứng đủ nhu cầu về các axit amin của vật nuôi.

TS Hải cho biết, kết quả một nghiên cứu được thực hiện trên heo con sau cai sữa có khẩu phần ăn giảm đạm từ 21% xuống 15% tăng trọng trung bình hàng ngày giữa các nhóm nghiệm thức không có sự khác biệt.  

Ngoài ra, thử nghiệm khác cũng đã được thực hiện trên gà khi khẩu phần ăn giảm 1%, 2% và 3% đạm. Cũng giống như trên heo, hiệu quả tăng trưởng trung bình hàng ngày cũng không có sự khác biệt.

Kết quả của hai thử nghiệm trên đã chứng minh rằng, không phải thức ăn có hàm lượng đạm cao là thức ăn cho hiệu quả tốt nhất và ngược lại, thức ăn đạm thấp không có nghĩa là thức ăn không tốt.

Và điều mà người chăn nuôi cần quan tâm ở đây, dù thức ăn có hàm lượng đạm thấp nhưng với khẩu phần chính xác, đáp ứng đủ nhu cầu axit amin của vật nuôi vẫn cho hiệu quả cao, TS Hải nói thêm.

Tại sao cần khẩu phần đạm chính xác?

Theo TS Hải, khẩu phần ăn của vật nuôi là định lượng thức ăn nhất định được cung cấp hàng ngày để thỏa mãn những nhu cầu của vật nuôi. Vì thế, việc cung cấp khẩu phần ăn chính xác rất quan trọng.

Lượng đạm dư thừa trong khẩu phần cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe đường ruột của vật nuôi. Đạm không được tiêu hóa sẽ trở thành thức ăn cho các vi khuẩn lên men đạm, dẫn đến sự tăng sinh quá mức của các vi khuẩn này, làm mất cân bằng hệ vi sinh ruột.

Đồng thời, quá trình lên men đạm sinh ra các chất chuyển hóa có hại (ammoniac, hydrogen sulfide, bioamines, các gốc phenol và indole) có tác động tiêu cực đến sinh lý đường ruột và sức khỏe của vật nuôi.

Sự dư thừa đạm làm tăng phản ứng khử amin, gây tiêu tốn năng lượng - nguyên liệu đắt đỏ nhất trong công thức. Quá trình này cũng làm tăng lượng nhiệt sinh ra, có tác động đặc biệt tiêu cực đến sức khỏe vật nuôi trong điều kiện stress nhiệt.

Một kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu giảm 1% hàm lượng đạm thô sẽ giảm 5ml nước uống vào mỗi ngày/gà. Ảnh: Hồng Thắm.

Một kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu giảm 1% hàm lượng đạm thô sẽ giảm 5ml nước uống vào mỗi ngày/gà. Ảnh: Hồng Thắm.

Một nghiên cứu đã được thực hiện trên gà để chứng minh mối liên quan giữa hàm lượng đạm thô và lượng nước uống vào. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu giảm 1% hàm lượng đạm thô sẽ giảm 5ml nước uống vào mỗi ngày/gà.

Theo đó, với 1 triệu con gà thì lượng nước tiết kiệm được mỗi ngày sẽ là 5.000 lít nước. Như vậy, tổng số gia cầm năm 2023 là 559 triệu con, nếu giảm 1% đạm thô sẽ giúp tiết kiệm 1.020 triệu lít nước sử dụng trong ngành công nghiệp chăn nuôi gia cầm.

Nghiên cứu khác được thực hiện trên heo để đánh giá khả năng giảm lượng nitơ bài thải khi giảm hàm lượng đạm. Theo đó, giảm 1% CP trong thức ăn sẽ giúp giảm 7,67% lượng nitơ bài thải ra môi trường. Từ đó ngành chăn nuôi heo Việt Nam có thể giảm 20.000 tấn CO2-eq phát thải.

Cũng theo TS Hải, thông qua các kết quả từ các nghiên cứu hiện tại, CJ Bio Việt Nam đã tổng hợp và cho rằng, nếu đáp ứng đủ tỷ lệ các axit amin thiết yếu cho nhu cầu của vật nuôi các nhà sản xuất thức ăn có thể giảm 16% đạm thô trên heo con sau cai sữa (hiện tại châu Âu đang áp dụng). Giai đoạn heo choai xuất chuồng có thể giảm tối đa 14% hàm lượng đạm thô và giai đoạn kết thúc, giảm tối đa 11% hàm lượng đạm thô.

Đối với gia cầm, khi khẩu phần ăn giảm đạm khoảng 1 - 2% hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR), lượng nước uống và hiện tượng viêm gan bàn chân trên gà giảm đáng kể, đồng thời giá thành thức ăn cũng giảm. Nếu khẩu phần ăn giảm đạm 2%, lợi nhuận kinh tế tăng lên khoảng 2 tỷ đồng/triệu con gà. Trường hợp khẩu phần ăn giảm đạm 3% thì hiệu quả kinh tế tăng khoảng 132 triệu đồng/1 triệu con gà.

Tuy nhiên, TS Hải lưu ý, cần chú trọng đến hàm lượng và sự cân bằng của các axit amin trong khẩu phần để đảm bảo rằng khẩu phần đáp ứng đủ lượng axit amin mà vật nuôi cần, tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe vật nuôi và hiệu suất chăn nuôi.

Xem thêm
Tầm quan trọng của các yếu tố vi lượng

Đất Tây Nguyên phần lớn là chua, nghèo canxi, magie, lưu huỳnh và bo, ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng của cây cà phê và chất lượng đất cần phải khắc phục.

Bệnh sương mai dưa hấu và cách phòng trị

Dưa hấu trồng được quanh năm giúp cho nhà nông có thu nhập tốt, nhưng cũng như họ bầu, bí, hay mắc phải bệnh sương mai làm giảm năng suất, chất lượng.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?