4 tư duy cần xóa bỏ
Thời gian gần đây, khái niệm chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp được nhắc đến rất nhiều. Đặc biệt, Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là chiến lược) cũng đã nhấn mạnh điều này.
Vậy, những tư duy cũ nào trong đầu người nông dân, lãnh đạo hợp tác xã và doanh nghiệp đang kìm hãm sự phát triển của kinh tế nông nghiệp, nông thôn? Thực tế, có rất nhiều thứ cần phải xóa bỏ. Nhưng tôi chọn ra công thức “4-4-2”. Nghĩa là đối với nhà nông có bốn vấn đề, hợp tác xã có bốn vấn đề và doanh nghiệp có hai vấn đề.
Trước hết nói về người nông dân, tư duy đầu tiên phải xoá bỏ là “đèn nhà ai nhà nấy rạng”. Hầu hết thành viên của hợp tác xã và người lao động vẫn mang hình bóng thời kỳ “Khoán 10”.
Có nghĩa là người ta chỉ thích khoán thôi, không chịu thay đổi để tự mình vươn lên. Cũng chính vì tư tưởng mạnh nhà nào nhà đấy làm còn khá phổ biến ở nông thôn, cho nên sợi dây liên kết theo chuỗi giá trị đã bị đứt gãy, thay vào đó, nền nông nghiệp chạy theo khối lượng.
Đứng trước sự biến đổi của người tiêu dùng, đặc biệt về mặt thị trường chúng ta buộc phải chuyển sang tư duy liên kết, kết nối lại với nhau, từ đó tạo ra các sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu của tất cả thị trường, kể cả thị trường vùng miền và thị trường xuất khẩu.
Vấn đề thứ hai cần thay đổi đối với người nông dân là tư duy sử dụng thuốc hoá chất, nhất là thuốc bảo vệ thực vật, phòng trừ dịch hại quá nhiều, quá lãng phí. Nó làm ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người.
Và thực tế, khi sử dụng quá nhiều hóa chất độc hại và vượt ngưỡng như thế này thì hàng hóa của chúng ta rất khó xuất khẩu sang các thị trường có giá trị sinh lời cao như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, EU... một cách bền vững. Giả sử một ngày nông sản, thực phẩm của chúng ta không xuất khẩu được thì chắc chắn thu nhập của người nông dân sẽ không tăng lên.
Để giải quyết vấn đề này, một trong những định hướng mà chiến lược đề ra, đó là phát triển một nền nông nghiệp sinh thái và sản phẩm của nông nghiệp phải có trách nhiệm với người tiêu dùng, có trách nhiệm với môi trường, trong đó người nông dân phải hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng hoá chất, thậm chí phải đến ngưỡng không phát thải theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Điều thứ ba cần xóa bỏ, đó là tư duy làm ăn theo thói quen, có nghĩa là trông trời, trông đất, trông mây. Như vậy, cần phải tăng cường chất lượng thông tin dự báo thời tiết, dự báo thị trường. Công tác khuyến nông cũng phải chuyển từ khuyến nông hộ sang khuyến nông ở tổ hợp tác, hợp tác xã; phải chuyển từ đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị. Thậm chí, hệ thống khuyến nông phải dạy nông dân bán hàng chứ không phải chỉ chuyển giao gói kỹ thuật.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan từng chia sẻ với tôi, nếu người nông dân đặt quả xoài lên tờ báo bán ở vỉa hè thì anh bán một giá khác. Nếu anh đặt lên kệ siêu thị thì bán một giá khác. Nếu anh thiết kế bao bì, nhãn mác, có mã vạch, có truy xuất nguồn gốc thì giá của nó lại khác đi.
Như vậy, công tác khuyến nông của chúng ta phải hiện diện đến tận đến khâu bán hàng, từ đó hỗ trợ người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng các chuỗi giá trị. Đặc biệt, khuyến nông phải chỉ được thị trường, để người nông dân, hợp tác xã lựa chọn được sản phẩm có thế mạnh, lựa chọn quan hệ liên kết, lựa chọn công nghệ phù hợp nào để đảm bảo sản phẩm đó đi xa hơn.
Vấn đề thứ tư, cần phải xóa bỏ tư duy thụ động và bảo thủ để chuyển sang trạng thái người nông dân tự lực cánh sinh, người nông dân phải tự lực tự cường, tự trang bị kiến thức cho mình, chấp hành quy trình sản xuất, đảm bảo kỷ cương và hoàn chỉnh sản phẩm cho đến khâu cuối cùng, chứ không chỉ làm ra sản phẩm, còn khâu phân loại, bảo quản, sơ chế thì phó mặc cho người khác. Đây là bốn điều rất cấp bách cần phải xoá bỏ trong đầu người nông dân.
Hợp tác xã mới chỉ “túm cái đuôi” cung ứng
Còn đối với HTX, cũng có bốn vấn đề phải xóa. Thứ nhất là phải xoá được tư tưởng dễ làm khó bỏ. Hiện nay, hầu hết hợp tác xã chỉ làm từ 3-5 khâu dịch vụ, nói cách khác là chỉ túm lại cái đuôi cung ứng, tạo ra giá trị sinh lời để bù đắp lại chi phí của ban quản trị, ban giám đốc.
Tuy nhiên, bản chất của hợp tác xã là phải làm tăng trưởng về mặt kinh tế của các thành viên và các xã viên phải sử dụng được nhiều dịch vụ của hợp tác xã. Vì vậy, hợp tác xã phải làm nòng cốt trong tổ chức lại sản xuất chứ không thể chỉ túm cái đuôi cuối cùng để tạo ra giá trị sinh lời.
Hợp tác xã cũng phải xoá bỏ tư duy phó mặc cho hộ, nghĩa là hợp tác xã phải bắt đầu từ cung ứng vật tư đầu vào, tham gia vào quá trình sản xuất và bán hàng. Hợp tác xã phải có trách nhiệm dẫn dắt nông dân của mình đi từ thắng lợi mùa vụ đến thắng lợi hợp đồng. Thắng lợi mùa vụ là khuyến nông, thắng lợi hợp đồng là giao thương, là kinh doanh sản phẩm.
Thứ ba, hợp tác xã phải bỏ tư tưởng chạy theo mùa vụ mà không xây dựng được mô hình tăng trưởng của hợp tác xã trong ngắn hạn và dài hạn. Khi hợp tác xã đã xác định được mô hình tăng trưởng thì phải lựa chọn được sản phẩm chủ lực, lựa chọn được khoa học công nghệ và chiếm lĩnh được ít nhất một phân khúc thị trường. Có như vậy mới hình thành được chuỗi giá trị. Còn nếu như không có sản phẩm chủ lực nào thì mỗi người làm một kiểu, khi mảnh đất trăm hoa đua nở thì hợp tác xã không thể có đủ nguồn lực để xây dựng thương hiệu.
Và cuối cùng, một tổ chức của nông dân muốn đi xa, tiến bền vững thì phải trở thành trung tâm liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân trong quá trình mua bán, trao đổi về vật tư và kiểm soát việc tuân thủ hợp đồng của các bên liên quan.
Còn đối với doanh nghiệp, tôi cho rằng có hai vấn đề cần phải xoá. Đầu tiên, cũng giống như hợp tác xã, họ chỉ túm cái đuôi cuối cùng là kinh doanh sản phẩm của người nông dân. Họ mang nông sản từ ruộng qua cửa khẩu để bán. Đó chính là tư duy thương vụ. Điều này dễ dẫn đến hiện tượng bể kèo lẫn nhau, cho nên cái mà doanh nghiệp cần thay đổi là phải cùng với người nông dân, nằm trong chuỗi từ cung ứng vật tư đầu vào với chất lượng và giá cả ổn định; chuyển giao quy trình sản xuất chuẩn theo yêu cầu của từng thị trường và chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Một điều nữa cũng cần phải xoá bỏ là tư duy "lẻn" vào thị trường để bán. Chúng ta thấy rằng toàn bộ lượng nông sản, thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản trong một năm chỉ bằng khối lượng chúng ta xuất khẩu sang Trung Quốc hai ngày.
Một thị trường lợi thế như vậy mà anh lại “lẻn” vào để bán là không được. Rõ ràng anh phải đầu tư cho xúc tiến thương mại, chuẩn hóa sản phẩm để mở rộng thị trường. Doanh nghiệp cũng cần phải dẫn dắt chuỗi giá trị, phải xây dựng thương hiệu để sản phẩm mang dấu ấn của thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu quốc gia. Trong lúc này, tôi nghĩ rằng vấn đề xây dựng thương hiệu là cấp bách nhất.
Cả người nông dân, cả hợp tác xã và doanh nghiệp cần hình thành một liên kết chặt chẽ với 3 chữ “B” là: Bạn - Bàn - Bán. Làm bạn cùng nhau, bàn với nhau về công việc sản xuất kinh doanh và chiếm lĩnh thị trường.
Nếu 3 chữ “B” đó được thiết lập giữa các bên trong chuỗi giá trị thì chúng ta sẽ đánh bật được những tư duy cũ để hướng tới những mục tiêu rất lớn mà Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra, đó là Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường.