Chiều 1/2, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) tổ chức Họp báo công bố Quyết định của Bộ NN-PTNT phê duyệt “Đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, “Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và “Đề án phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đến năm 2030”.
Trong đó, Đề án về phân bón hữu cơ được kỳ vọng sẽ là cú hích tạo điều kiện hơn nữa cho việc phát triển sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bền vững, giảm chi phí trong giai đoạn tới.
Thuốc bảo vệ thực vật và phân bón đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo đảm và cải thiện năng suất cây trồng. Tuy nhiên lạm dụng hóa chất, bao gồm thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học có thể gây ra nhiều hậu quả không mong muốn, phá vỡ đa dạng sinh học, thoái hóa đất, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường. Do đó, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học và phân bón hữu cơ hiện được đánh giá là một trong những giải pháp bền vững, phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.
Yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng nông sản thực phẩm an toàn đang là động lực và áp lực có hiệu quả để người sản xuất sử dụng rộng rãi thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phân bón hữu cơ và áp dụng các biện pháp quản lý sức khỏe cây trồng.
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục BVTV cho biết, để triển khai những nhiệm vụ, định hướng lớn của ngành NN-PTNT, Cục đã xây dựng và trình Bộ 3 đề án trên.
Theo ông Đạt, đây là ba đề án quan trọng của ngành gồm nhiều giải pháp về kỹ thuật, chính sách, tiến bộ khoa học, sử dụng vật tư an toàn hiệu quả cũng như các giải pháp thanh tra, kiểm tra, truyền thông nâng cao nhận thức người dân.
Với các đề án này, ngành BVTV sẽ tiếp tục đóng góp hơn nữa với ngành trồng trọt nói riêng và nông nghiệp nói chung nhằm nâng cao chất lượng, uy tín và giá trị nông sản Việt Nam trong thời gian tới.
“Đây là ba đề án độc lập nhưng có mối quan hệ mật thiết với nhau, nhằm huy động và phát huy những lợi thế, hiệu quả các nguồn lực và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học”, ông Đạt cho biết.
Bộ NN-PTNT kêu gọi sự ủng hộ và tham gia của các bên liên quan để thực hiện ba đề án trên. Đặc biệt, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển IPHM, phát triển thuốc bảo vệ thực vật sinh học và phân bón hữu cơ. Chính phủ đóng vai trò hỗ trợ, tạo môi trường hoạt động thuận lợi cho các thành phần kinh tế, tập trung hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường. Nông dân và các tổ chức sản xuất (doanh nghiệp, HTX…) liên kết hợp tác để phát triển.
Cục BVTV cho rằng, sự chung tay đồng hành của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV, phân bón và người dân sẽ tạo thêm động lực mạnh mẽ cho phát triển thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phân bón hữu cơ. Qua đó, góp phần phát triển một nền nông nghiệp sạch và hữu cơ, hướng đến giá trị cao, bền vững.
Đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế nguyên liệu hữu cơ sẵn có để sản xuất phân bón hữu cơ góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, cân đối dinh dưỡng vô cơ - hữu cơ để duy trì và nâng cao sức khỏe đất phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.
Theo Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia có tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV sinh học dẫn đầu trong trong khu vực theo tầm nhìn đến năm 2050. Các cơ sở sản xuất thuốc BVTV sinh học quy mô công nghiệp có công nghệ, trang thiết bị hiện đại, chủ động sản xuất được các thuốc BVTV sinh học tiên tiến đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Mục tiêu chung của đề án là đẩy mạnh sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học góp phần phát triển một nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, an toàn và bền vững; nâng cao tiềm lực nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ công nghệ hiện đại trong sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Với Đề án phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đến năm 2030, ngành nông nghiệp hướng tới tăng cường sức khỏe cây trồng, nâng cao khả năng phòng chống sinh vật gây hại và chống chịu tốt với điều kiện bất thuận của thời tiết, nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học.