| Hotline: 0983.970.780

3 năm Hà Nội theo đuổi mục tiêu xuất khẩu chuối

Thứ Tư 27/12/2023 , 11:11 (GMT+7)

Chuối là một trong bốn cây ăn quả chủ lực của Hà Nội và đã hình thành những vùng chuyên canh tại các huyện Gia Lâm, Mê Linh, Đan Phượng, Ba Vì, Phúc Thọ...

Dần thoát khỏi cái bóng tự sản tự tiêu

Từ xa xưa trong vườn hầu hết người dân Việt đều trồng vài ba bụi chuối, mục đích chính là để ăn, thừa mới để cho, để bán. Vùng ngoại thành của Hà Nội trước đây cũng tương tự, ngay cả sau này khi chuối tràn ra đồng hay ra bãi thì hình bóng của việc tự sản tự tiêu vẫn còn chưa dứt. Điều đó thể hiện ở việc bà con chủ yếu trồng giống tự nhân, chất lượng quả không đều, chưa sản xuất theo chuỗi giá trị, chưa để ý đến chế biến, đến xây dựng thương hiệu nên giá trị thấp và bấp bênh.

Sản xuất giống sạch bệnh. Ảnh: Tư liệu.

Sản xuất giống sạch bệnh. Ảnh: Tư liệu.

Nhận thấy những tồn tại đó, năm 2020 UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5472 về phê duyệt kế hoạch phát triển sản xuất chuối theo tiêu chuẩn xuất khẩu giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu nhằm hình thành và phát triển các vùng chuối hàng hóa theo hướng an toàn, VietGAP, GlobalGAP, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của Hà Nội và xuất khẩu, đồng thời góp phần tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và bền vững.

Theo số liệu thống kê năm 2022, diện tích trồng chuối của Hà Nội đã lên 3.960 ha, năng suất đạt 25 - 30 tấn/ha, sản lượng đạt 91.245 tấn, tiềm năng hiệu quả kinh tế đạt từ 250 - 300 triệu đồng/ha, trong đó chủ lực có 2 giống chuối tây và chuối tiêu. Thành phố phấn đấu đến năm 2025 sẽ trồng mới, trồng thay thế 450ha, duy trì ổn định ở mức 3.900ha, xuất khẩu đạt 20 - 30% sản lượng. Xây dựng từ 2 đến 4 cơ sở phát triển sản xuất chuối gắn với tiêu thụ, xây dựng và duy trì được từ 3 nhãn hiệu chuối tập thể trở lên, cấp từ 3 đến 5 mã số toàn cầu truy xuất nguồn gốc cho các vùng sản xuất chuối xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc…

Kết quả trong 3 năm 2021-2023 Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân tham gia trồng chuối với quy mô 123ha, hình thành nên 54 vùng trồng. Để thực hiện mục tiêu sản xuất chuối an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới xuất khẩu Trung tâm đã tổ chức cấp 9 giấy chứng nhận VietGAP cho các điểm sản xuất. Qua các lớp tập huấn, hướng dẫn ghi chép đã giúp các hộ dân nắm được cách quản lý vùng trồng, các địa phương truy xuất được nguồn gốc, từ đó đẩy mạnh việc minh bạch với người tiêu dùng, nâng cao uy tín và thương hiệu sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Mô hình trồng chuối ở Hoàng Kim. Ảnh: Tư liệu.

Mô hình trồng chuối ở Hoàng Kim. Ảnh: Tư liệu.

Trung tâm đã phối hợp với Viện Bảo vệ Thực vật rà soát 28 xã thuộc 7 huyện trên địa bàn thành phố. Qua phân tích mẫu để phát hiện nấm bệnh Fusarium gây nguy cơ vàng lá, rủ tầu, xác định được 15 xã có khả năng phát triển trồng chuối, đồng thời giúp cho các địa phương chủ động các biện pháp kỹ thuật xử lý đất trước khi trồng. Tổ chức ứng dụng đồng bộ từ tưới tiết kiệm, bao buồng, xử lý đất cho 83ha chuối tại các xã Hoàng Kim, Văn Khê (huyện Mê Linh); Phú Phương, Phú Châu (huyện Ba Vì).

Kết quả đã giúp nông dân chủ động, kịp thời tưới nước cho cây đúng nhu cầu các giai đoạn sinh trưởng phát triển, giảm được chi phí nhân công trong sản xuất, góp phần đưa năng suất đại trà tăng lên 28 tấn/ha, tăng 8,5% so với năm 2020 và năng suất trong mô hình đạt 42-45 tấn/ha, tăng 50% so với đại trà.

Theo dõi mô hình. Ảnh: Tư liệu.

Theo dõi mô hình. Ảnh: Tư liệu.

Phát triển theo chuỗi giá trị

Để quản lý vùng trồng và hướng tới xuất khẩu, Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội đã thực hiện tổ chức hỗ trợ 3 mã vùng trồng trên hệ thống tiêu chuẩn OTAS. Trên cơ sở đó, tuyên truyền, vận động chính quyền địa phương và nông dân vùng trồng chuối tiếp tục phát triển. Đến nay đã có 3 vùng trồng được cấp mã số cho 45 ha tại xã Hồng Hà (Đan Phượng 30ha); Văn Khê (Mê Linh 15ha). Tăng mã số vùng trồng lên 8 điểm được cấp.

Tổ chức xây dựng được 5 nhãn hiệu chuối cho xã Cổ Bi (Gia Lâm), Tự Nhiên (Thường Tín), Văn Khê (Mê Linh), Vân Nam (Phúc Thọ) và Nam Hồng (Sóc Sơn). Hình thành và phát triển được 7 chuỗi liên kết sản xuất- tiêu thụ có hiệu quả gồm 2 chuỗi ở xã Hoàng Kim, Văn Khê (Mê Linh); 2 chuỗi ở Vân Nam (Phúc Thọ); xã Phú Châu, Phú Phương (Ba Vì). Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tránh việc tổn hao, thất thoát sau thu hoạch, chủ động thời gian bao tiêu sản phẩm của các cơ sở sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chuối, Trung tâm đã tổ chức hỗ trợ thiết bị phục vụ sơ chế, đóng gói và bảo quản chuối lạnh cho Văn Khê (Mê Linh), Vân Nam (Phúc Thọ).

Tuy vậy, theo bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội kế hoạch phát triển sản xuất chuối theo tiêu chuẩn xuất khẩu vẫn còn một số tồn tại như công tác kết nối các doanh nghiệp vào bao tiêu sản phẩm cho nông dân còn chưa đảm bảo với nhu cầu của sản xuất. Sự kết hợp giữa các khâu trong chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ vẫn còn lỏng lẻo. Việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thanh toán của các điểm còn lúng túng chưa kịp thời nhất là phần hồ sơ đối ứng giống, vật tư phân bón, vật tư trang thiết bị tưới. Thêm vào đó, diện tích trồng chuối chủ yếu ngoài ven sông thuộc các bãi phù sa bồi lấp nên khó xác định hồ sơ sử dụng đất trồng, dẫn đến thủ tục đăng ký tham gia chương trình gặp nhiều khó khăn, khó chọn điểm trồng.

Bao buồng chuối. Ảnh: Tư liệu.

Bao buồng chuối. Ảnh: Tư liệu.

Nguyên nhân là do lãnh đạo một số xã, đơn vị tham gia còn ngại khó khăn, chưa làm tốt công tác quản lý, tuyên truyền vận động, thuyết phục nông dân. Tư tưởng chủ quan nhận thức về sản xuất chuối theo tiêu chuẩn xuất khẩu chưa đầy đủ của một vài cơ sở cán bộ xã, hợp tác xã gây khó khăn, trở ngại cho việc quản lý, chỉ đạo, phối hợp của Trung tâm.

Để cây chuối của Hà Nội phát triển một cách bền vững, đơn vị đề nghị các cơ quan Trung ương, thành phố, các nhà khoa học quan tâm công tác định hướng phát triển vùng sản xuất chuối tập trung theo hướng xuất khẩu. UBND thành phố tăng cường đầu tư hỗ trợ sản xuất, thiết bị, máy móc phục vụ công tác sau thu hoạch cho các doanh nghiệp, cửa hàng tiêu thụ và các vùng sản xuất. UBND các huyện chỉ đạo phòng kinh tế, các địa phương, đơn vị có liên quan phối hợp tốt với Trung tâm trong công tác  quản lý, thực hiện kế hoạch.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm