| Hotline: 0983.970.780

3 sơ hở từ vụ Our City và chuyện 'hỏng khuôn' cán bộ

Thứ Ba 27/08/2019 , 09:31 (GMT+7)

Từ những sự việc người Trung Quốc đánh bạc ở Hải Phòng, các nhà thầu TQ trong những hợp đồng kinh tế, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược (Bộ CA) chia sẻ: Chúng ta cần phải có một sự tỉnh táo nhất định.


Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an


Xin được mở đầu cuộc đối thoại với Thiếu tướng về vấn đề quản lý người nước ngoài ở Việt Nam. Cuối tháng 7 vừa qua Công an TP Hải Phòng đột kích vào Khu đô thị Our City (thuộc Tập đoàn Hiệp Phong, Hồng Kông, Trung Quốc) bắt giữ gần 400 người Trung Quốc tổ chức đánh bạc... Điều đáng nói là hầu hết cơ quan quản lý sở tại đều không biết người Trung Quốc làm gì trong một dự án đã thực hiện cả chục năm trời. Có lẽ không thể gọi là cảnh báo nữa vì chúng ta đã nói quá nhiều về việc quản lý người nước ngoài, về đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng" ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng…?

Vụ việc gần 400 người nước ngoài đánh bạc trong Khu đô thị Our City ở Hải Phòng, theo tôi, đã cho thấy một sự sơ hở trong toàn bộ hệ thống luật pháp liên quan ở Việt Nam chứ không riêng gì luật pháp về vấn đề quản lý người nước ngoài.

Trước hết là sơ hở trong Luật Doanh nghiệp. Nhà nước giao cho Bộ, Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp phép các doanh nghiệp đầu tư dự án, và chúng ta đã thấy rằng có những dự án sau khi cấp phép xong thì không ai quản lý cả, Our City là một ví dụ. 


Tôi có cảm giác sự sơ hở, lỏng lẻo trong vụ việc như ở Hải Phòng khiến những người quản lý cũng thấy sợ. Công an phường không nắm được, công an quận cũng không nắm được. Đó là một điều rất vô lý. Nhà nước giao cho ông công an giữ trật tự phường thì ông trưởng phường phải biết, giao cho UBND quản lý hành chính thì ông Chủ tịch phường phải biết chứ. Cho dù sở công an, lực lượng công an, an ninh Hải Phòng nắm toàn bộ nhưng đến ông Chủ tịch quận không biết gì là điều vô lý.

Như tôi biết, dự án này được một doanh nghiệp Hồng Kông - Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam từ năm 2005. Nếu nói về quản lý, giám sát, thử hỏi thời điểm phát hiện ra vụ đánh bạc, 14 năm qua, Sở Kế hoạch - Đầu tư Hải Phòng và nhiều cơ quan quản lý khác biết gì về dự án này? Tôi nghĩ là không biết gì, ngoài việc phía doanh nghiệp đã một lần chuyển giao và liên danh vào năm 2014.

Bởi, khi vụ việc xảy ra, đa số các cơ quan liên quan ở Hải Phòng chỉ có thông tin 27 người tạm trú trong khu đô thị, trong khi đó, thực tế có đến gần 400 người Trung Quốc tổ chức đánh bạc tại nơi này. Đến như ông Chủ tịch quận Dương Kinh phải thốt lên: Nếu xảy ra vụ cháy nổ, khiếu kiện hoặc đánh nhau thì UBND quận vào cuộc ngay chứ chúng tôi có được quyền quản lý người nước ngoài ở đấy đâu.

Sơ hở thứ hai là công tác quản lý người nước ngoài. Ở đây có sự chồng chéo và bất hợp lý mâu thuẫn giữa hai bộ luật: Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và Luật Lao động. Những mâu thuẫn của các bộ luật đã tạo ra những kẽ hở có thể lợi dụng. Cộng thêm trong hệ thống luật pháp không có chế tài nào cụ thể để xử lý cả.

Ví dụ quy định người nước ngoài phải trình giấy tờ tùy thân, hộ chiếu, nhưng nếu người ta không trình thì sao: Không có chế tài xử lý. Hoặc quy định doanh nghiệp phải báo cáo người nước ngoài cư trú, làm việc, được phép hoạt động như thế nào nhưng nếu họ không báo cáo thì phải làm gì: Không có chế tài để xử lý vấn đề đó. Buồn cười thế chứ.

Tôi được biết ở Hải Phòng hiện nay có 200 - 300 doanh nghiệp có sử dụng lao động nước ngoài. Nhưng có bao nhiêu doanh nghiệp báo cáo đầy đủ? Đến như Our City, lần đầu tiên ở Việt Nam có một công ty vốn 100% nước ngoài đầu tư mảng bất động sản nhưng thực tế đã buông lỏng thì những doanh nghiệp khác trông mong gì.

Thứ ba là những kẽ hở trong Luật Hành chính. Our City được Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Hải Phòng cấp giấy phép nhưng vấn đề là sau khi cấp phép, chức năng giám sát như thế nào? Một tập đoàn nước ngoài đăng ký kinh doanh trên 43ha, cơ quan cấp phép phải giám sát kỹ càng chứ. Sau khi cấp phép kinh doanh rồi thì phải theo dõi xem có thực hiện đúng hay không và phải chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp mà mình ký cấp phép chứ. Ở đây là một doanh nghiệp hoạt động cụ thể trên đất của mình chứ có phải ở mặt trăng đâu mà không quản lý.

Quan điểm của tôi, người nào ký quyết định cho một doanh nghiệp ngoài nước hoạt động, trong trường hợp này, ông Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Hải Phòng phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên kẽ hở ở đây là chưa có căn cứ để xác định trách nhiệm. Chả nhẽ một sự việc diễn ra ở TP Hải Phòng 14 năm trời như vậy mà Chủ tịch thành phố không chịu trách nhiệm gì à?

Thưa ông, Chính phủ Việt Nam đang rất nỗ lực mời gọi các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tuy nhiên, những câu chuyện như Our City đã bộc lộ những kẽ hở về mặt quản lý người nước ngoài mà ông đã đề cập. Chỉ cách đây mấy hôm, lần đầu tiên sau 30 năm thu hút vốn FDI, Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết chuyên đề về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Trong đó, Bộ Chính trị lưu ý việc chú trọng kiểm tra, giám sát, thanh tra gắn với nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và người đứng đầu. Như vậy chứng tỏ Đảng, Nhà nước rất quan tâm vấn đề này?

Cách đây 19 năm, trong một lần trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Lê Minh Hương, tôi đã nói thế này: Nếu tôi là một chủ tịch phường, so với hệ thống chính trị thì tôi nhỏ, nhưng nếu trên phường tôi có Đại sứ quán một nước đứng chân chẳng hạn thì Đại sứ quán đó vẫn phải cử người đến báo cáo với tôi. Bởi vì tôi cần phải biết.

Đối với doanh nghiệp thì lại càng dứt khoát phải đến trình báo. Cho dù doanh nghiệp đó là một tập đoàn của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức hay bất kỳ quốc gia nào, khổng lồ đến đâu đi chăng nữa, đầu tư vốn mấy chục tỷ USD đi chăng nữa thì việc thực hiện dự án trên phạm vi đất đai tôi quản lý, các ông phải có nhiệm vụ thông báo với tôi, bởi vì trên lãnh thổ này tôi chịu trách nhiệm.

Nên nhớ về luật pháp quốc tế, chỉ trừ những cơ quan ngoại giao đoàn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền thì ở trong khuôn viên đại sứ quán là thuộc lãnh thổ của người ta. Còn kinh tế không phải như vậy. Trên đất Việt Nam, các cơ quan chức năng Việt Nam có quyền giám sát, kiểm tra, yêu cầu báo cáo cụ thể. Chứ làm gì có chuyện muốn vào kiểm tra các doanh nghiệp lại khó khăn đến như sự việc ở Hải Phòng được.

Nói cách khác, mọi thứ là do mình. Luật không cụ thể và người đứng đầu cơ quan tổ chức đơn vị không làm được hết trách nhiệm của mình. Chưa kể, những quy định trong hệ thống văn bản hành chính và luật pháp không rõ ràng, nên khi thực thi nhiệm vụ người ta sợ.
 



Ngoài những kẽ hở về công tác quản lý, thì kiểm tra “đầu vào” đối với vấn đề người nước ngoài xem chừng cũng rất nhiều bất cập. Phải chăng cần thêm những chế tài nhằm quản lý động cơ, mục đích người nước ngoài khi đến Việt Nam? Liệu vấn đề này có là “rào cản” đối với thu hút đầu tư FDI hay không, thưa ông?

380 kẻ phạm tội đánh bạc tại Hải Phòng vừa rồi phần lớn là nhập cảnh bằng đường du lịch sau đó ở lại. Ai cho họ vào? Ai chịu trách trách nhiệm? Chẳng nhẽ không có ai cả!?

Thế nên, vấn đề ở đây là ai vào Đà Nẵng, ai vào Cam Ranh, Nha Trang thì Chủ tịch thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch Khánh Hòa cần phải biết. Vào theo điều khoản nào, hoạt động cư trú ra sao, có đảm bảo quy định của pháp luật Việt Nam và quan hệ quốc tế.

Chúng ta có một vấn đề rất quan trọng, một trong những quan điểm căn cốt là kết hợp kinh tế với quốc phòng an ninh trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội theo vùng, theo ngành, theo khu vực lãnh thổ. Đây là một quan điểm cực kỳ hay nhưng khi triển khai thì chưa chú ý đúng mức.

Đã từng có những bài học xương máu là chúng ta đưa cả người nước ngoài  vào nuôi tôm ở quân cảng Cam Ranh, vì vậy, vấn đề quản lý người nước ngoài đòi hỏi sự tỉnh táo. 

Với tư cách một học giả tôi đề nghị nhà nước phải có một cái tổng kết đánh giá lại hết sức khách quan về vấn đề đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Thành quả, hiệu quả đâu, bất cập đâu, phân nhóm từng ngành một, phân loại từng đối tượng vào một. Chỉ trên đánh giá như vậy rồi đến việc sửa luật mới đề ra chủ trương đúng đắn được. Tất cả phải trên cơ sở thực tiễn, bởi thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý.

Tôi nghĩ rằng, khu Đông Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng thì các nhà đầu tư một số vào phát triển kinh tế là bình thường, nhưng một số đối tượng khác thì phải cẩn thận. Đảo ngọc Phú Quốc, nơi có quân cảng An Thới, cảng quân sự cực kỳ quan trọng, chốt chặn phía Nam đất nước thì vấn đề cho ai đầu tư An Thới, Phú Quốc cũng cần tính toán kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh chứ không phải ai muốn vào thì vào. Lý Sơn, cửa ngõ ra biển Đông cũng vậy. Tương tự trên Tây Nguyên, nơi mà nhiều học giả Pháp, Hoa Kỳ từng đúc rút: Về lâu dài ai khống chế, thống trị cao nguyên trung phần thì sẽ khống chế được toàn bộ bán đảo Đông Dương. Vì vậy, chúng ta cũng phải chọn lọc các nhà đầu tư vào Tây Nguyên thật kỹ lưỡng.

Như ông vừa gợi ý việc chọn lựa nhà đầu tư không chỉ chăm chăm đến tiền của người ta, trong lĩnh vực kinh tế đã có nhiều bài học khi chúng ta hợp tác với các nhà thầu các nước. Những dự án chậm tiến độ, những hợp đồng tiền tấn để rước về những sản phẩm sau đó trở thành những đống sắt vụn. Và chúng ta thường đuối lý trong việc thực hiện các hợp đồng này nhưng vẫn cứ lặp đi lặp lại với lời giải thích giá rẻ. Ông nhìn nhận câu chuyện này thế nào?

Đưa giá rẻ ra chỉ để ngụy biện và bộc lộ sơ hở trong hệ thống đấu thầu của ta.

Ví dụ một dự án đấu thầu quốc tế, doanh nghiệp Mỹ đấu thầu 500 triệu USD, Nhật 490 triệu USD, Đức 502 triệu, Pháp 498 triệu, Anh 505 triệu… nhưng doanh nghiệp Trung Quốc bỏ thầu 350 triệu, thấp hơn rất nhiều so với chuẩn thế giới.

Thực tế chúng ta thấy rồi, lúc triển khai thì chậm tiến độ, đội vốn lên gấp nhiều lần. Nguyên tắc của kinh tế quốc tế cho phép ông tăng giá theo thị trường, tuy nhiên chỉ cộng trừ 5 - 10% thôi chứ làm gì có chuyện tăng đến 200%. Tăng giá như thế là không thể chấp nhận được.
 

Thiếu tướng Lê Văn Cương (phải) và nhà báo Hoàng Anh


Về kinh tế là thế, còn góc độ văn hóa xã hội, các dự án đưa người nước ngoài vào lao động đã tạo nên những khu phố nước ngoài, những ngôi làng ngoại quốc... Điều đó tiềm ẩn những nguy hại gì, thưa ông?

Người nước ngoài sang Việt Nam thì chúng ta phải đối xử công bằng, nhân hậu, tạo điều kiện tốt nhất cho họ sinh hoạt và làm việc, nhưng không có nghĩa ưu đãi quá mức.

Tại sao đi dọc một dự án đầu tư vào tỉnh Hà Tĩnh kéo dài hàng chục cây số quán xá toàn chữ nước ngoài lớn, chữ Việt Nam nhỏ. Điều đó vi phạm quy định của Chính phủ Việt Nam chứ. Làm gì có chuyện hàng cây số toàn chữ nước ngoài  lớn như thế được. Chính quyền địa phương ở đâu. Cái này cũng là do hệ thống luật pháp, địa phương thì nóng lòng có dự án, tư duy nhiệm kỳ.

Bài học thì quá nhiều, trả giá thì không nhỏ nhưng mà vẫn rất cũ là vì chúng ta không nghiêm trong xử lý. Ví dụ vụ Hải Phòng này xử lý đến cùng xem nào. Xem thử việc người nước ngoài theo những tour du lịch 0 đồng vào và ở lại như thế thì ai chịu trách nhiệm.

Lênin có nói một câu rất hay như thế này: Có luật mà việc xử lý theo luật không nghiêm thì còn tệ hại hơn là không có luật. Cái trạng thái thế là nhờn rồi. Nếu tiếp tục như thế này, sẽ tiếp tục có những vụ như Hải Phòng, đặc biệt là những khu nhạy cảm về quốc phòng an ninh như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng. Cách làm không triệt để, không đến nơi đến chốn, sai phạm không được đào kỹ, không được xử lý tận cùng, không nghiêm minh cần phải loại bỏ.
 



Nhân nói về vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu, có vẻ như, trong nhiều vụ việc, ở ta, chưa thực sự rõ ràng, thưa ông?

Đối với vụ việc 400 người nước ngoài đánh bạc ở Hải Phòng, những người đứng đầu Sở Kế hoạch - Đầu tư, người đứng đầu UBND thành phố không thể không chịu trách nhiệm được.

Theo tôi, thay vì quy trách nhiệm của một cơ quan thì chỉ có quyền hạn trách nhiệm của người đứng đầu. Từ đó xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan Chính phủ là Thủ tướng, trách nhiệm của các Bộ là Bộ trưởng, trách nhiệm các Chủ tịch UBND tỉnh, quận, huyện ở các địa phương…

Vì thế, khi trở lại câu chuyện xảy ra ở Hải Phòng, ông Chủ tịch Hải Phòng hiện nay không chịu trách nhiệm về vụ việc xảy ra trên địa bàn ông ta đứng đầu quản lý cũng phải thôi, vì không có quy định rõ ràng.

Nhưng thưa ông, về trách nhiệm người đứng đầu, chúng ta đã có Nghị định của Chính phủ quy định rõ, kể cả trong nhiều vụ việc khi kiểm tra về mặt Đảng thì trách nhiệm của người đứng đầu cũng đã được nói đến, thậm chí là bị xử lý, đúng không?

Đúng vậy, nhưng hệ thống luật pháp  không quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn cụ thể của người đứng đầu cơ quan tổ chức đơn vị. Đó là thiếu sót lớn nhất.

Chúng ta nói các cấp các ngành, nhưng mà cấp ngành nào? Chúng ta có các cấp các ngành, có liên ngành nhưng có những sự vụ đến lúc xảy ra chuyện không thấy ai chịu trách nhiệm cả.

Nói thế có nghĩa là mấu chốt vẫn là chế tài và quản lý, giám sát vai trò, trách nhiệm người đứng đầu vẫn cần phải hoàn thiện?

Nói gì thì nói, phải thừa nhận một điều, quản lý nhà nước của chúng ta còn nhiều yếu kém và sơ hở.

Thử nhìn lại xem toàn bộ ngành công nghiệp dưới thời ông Vũ Huy Hoàng làm Bộ trưởng Công thương như thế nào, Bộ Thông tin - Truyền thông dưới thời các ông Nguyễn Bắc Son, ông Trương Minh Tuấn qua vụ AVG như thế nào.

Một tỉnh mà có bí thư, chủ tịch trí tuệ, liêm chính thì không ai, không doanh nghiệp nào dám làm bậy cả. Khuôn méo thì làm sao mà có một sản phẩm tròn được. Bí thư như ông Huỳnh Minh Chắc ở Hậu Giang, Chủ tịch như ông Trần Văn Minh ở Đà Nẵng, Bộ trưởng như ông Nguyễn Bắc Son… thì hỏng khuôn rồi.

Chúng ta hay nói trình độ cán bộ, tôi cho rằng trình độ cán bộ Việt Nam không kém. Trí không đến nỗi thấp, chỉ có cái tâm chưa sáng nên có nhiều cán bộ không vì cái chung mà vì cái túi cá nhân, vì lợi ích của bản thân, gia tộc, con cái.

Xin cảm ơn ông!

Với quan điểm cá nhân tôi, trong hệ thống văn bản quy phạm hành chính của nhà nước nên chăng không dùng 4 chữ “các cấp các ngành”. Nguyên tắc hành chính hiện đại nhất, văn minh nhất sẽ là một việc một cơ quan chịu trách nhiệm, một người chịu trách nhiệm.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản mới nhận nhiệm vụ một tuần, trong lúc đi thị sát vùng biên giới phát biểu sai, về đến Tokyo lập tức xin từ chức. Một chiếc cầu ở Hàn Quốc sập, Bộ trưởng Giao thông nước này cũng lập tức từ chức… Phải rõ ràng như thế. Trong xã hội này có bao nhiêu việc thì phân công ra các việc thuộc cơ quan nào chịu trách nhiệm.

Là giao thông thì giao thông phải chịu trách nhiệm, về xây dựng thì xây dựng chịu trách nhiệm. Vấn đề môi trường thì phải thanh tra môi trường lo, vấn đề xây dựng thì thanh tra xây dựng phải lo, chợ búa thì ông công thương lo... Các cơ quan nhà nước không chịu trách nhiệm cụ thể, không làm tròn trách nhiệm của mình. Thế nên mấu chốt là cần phải thay đổi để định danh cụ thể quyền hạn và trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu cơ quan đơn vị.

Ảnh: Trần Anh

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất