| Hotline: 0983.970.780

3 tình huống giám sát, phòng, chống bệnh do vi rút Corona tại Việt Nam

Thứ Ba 21/01/2020 , 12:27 (GMT+7)

4 trường hợp tử vong, 218 trường hợp mắc bệnh do chủng virut mới Corona (nCoV), Bộ Y tế Việt Nam đã đưa ra 3 tình huống cụ thể giám sát, phòng chống cụ thể.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận, mầm bệnh mới đang được truyền đi ở người chứ không chỉ từ động vật sang người. 15 nhân viên y tế của thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) đã được chuẩn đoán viêm phổi, trong đó có một người đang trong tình trạng nguy kịch. 

Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A. 

Ngày 21/1, tổng hợp thông tin từ Trung Quốc, đã có thêm trường hợp tử vong tại Trung Quốc do bệnh viêm phổi từ virus corona (nCoV); nâng tổng số tử vong lên 4 trường hợp và 218 trường hợp mắc.

Nạn nhân mới nhất là một người đàn ông, 89 tuổi, có biểu hiện khó thở nghiêm trọng ngày 13/1, được đưa vào bệnh viện 5 ngày sau đó và tử vong ngày 19/1. Ông này có tiền sử bệnh cao huyết áp, tiểu đường và tim mạch.

Ngày 20/1, Cơ quan Y tế Quốc gia Trung Quốc xác nhận bệnh viêm phổi lạ lây từ người sang người. Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng xác nhận, virus có khả năng "lây lan hạn chế", giữa các thành viên trong gia đình.

Người mắc bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính như sốt, ho, khó thở, có trường hợp viêm phổi nặng, có thể gây suy hô hấp cấp và nguy cơ tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh lý mạn tính, bệnh nền. Một số người nhiễm vi rút nCoV có thể có biểu hiện lâm sàng nhẹ không rõ triệu chứng nên gây khó khăn cho việc phát hiện. Đến nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh.

Trước tình hình dịch bệnh do nCoV xuất hiện tại Vũ Hán (Trung Quốc) có thể lây lan sang Việt Nam, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Bộ Y tế Việt Nam đã đưa ra 3 tình huống cụ thể giám sát, phòng chống cụ thể:

Tình huống 1: Chưa ghi nhận trường hợp bệnh tại Việt Nam: Giám sát chặt chẽ nhằm phát hiện sớm các trường hợp bệnh nghi ngờ đầu tiên, lấy mẫu xét nghiệm, chẩn đoán nhanh, khoanh vùng và xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để, không để lây lan.

Cụ thể, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp bệnh thuộc diện giám sát. Giám sát tại cửa khẩu, cơ sở điều trị và tại cộng đồng, trong đó chú trọng giám sát tại cửa khẩu thông qua đo thân nhiệt, quan sát thực tế và các biện pháp khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tình huống 2: Xuất hiện trường hợp bệnh xác định xâm nhập vào Việt Nam: Phát hiện sớm các trường hợp bệnh có liên quan đến trường hợp bệnh xác định đã xâm nhập để cách ly, theo dõi, xử lý triệt để ổ dịch, tránh lây lan ra cộng đồng.

Cụ thể, giám sát, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp bệnh nghi ngờ theo định nghĩa; Giám sát, theo dõi tình trạng sức khỏe của tất cả những người có tiếp xúc gần với trường hợp bệnh trong vòng 14 ngày kể từ lần tiếp xúc cuối cùng; Tiếp tục thực hiện giám sát tại cửa khẩu, cơ sở điều trị và tại cộng đồng.

Tình huống 3: Dịch lây lan trong cộng đồng: Phát hiện sớm các trường hợp bệnh mắc mới trong cộng đồng, thiết lập khu vực hạn chế (vùng dịch), xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế tối đa khả năng dịch lan rộng trong cộng đồng.

Cụ thể, ở các địa phương chưa ghi nhận trường hợp bệnh: Giám sát, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp bệnh nghi ngờ theo định nghĩa trường hợp bệnh; Ở các ổ dịch đã được xác định: Giám sát, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 3-5 trường hợp bệnh phát hiện đầu tiên; Điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm những bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp tính nặng nhập viện.

Ở cả 3 tình huống, tất cả các trường hợp tử vong nghi do mắc nCoV đều phải được điều tra, báo cáo và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

Trước đó, ngày 16/1, Trước tình hình dịch bệnh viêm phổi tại Trung Quốc và khả năng lây lan vào Việt Nam, Văn phòng chính phủ đã ban hành công văn 441/VPCP-KGVX thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về công tác phòng chống dịch bệnh viêm phổi tại Trung Quốc có khả năng lây lan vào Việt Nam.

Xem thêm
Phẫu thuật robot điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ

TP.HCM Bệnh viện Bình Dân vừa thực hiện phẫu thuật robot cắt khối tá tụy điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ cho nam bệnh nhân 43 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Nấm linh chi có giúp ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ không?

Nấm linh chi có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, nên nhiều người cho rằng có thể dùng nấm linh chi để chống lại sự tấn công của những virus có hại.