Lão nông Đinh Xuân Niên bên cây hỗ lớn |
“Đây là dãy cây gỗ vàng tâm có độ tuổi trên hai chục năm rồi”, lão nông Đinh Xuân Niên (80 tuổi) ở bản Hà, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình nói. Tay cầm rựa, rẽ lối cây rừng, lão đi trước đưa chúng tôi lên rừng gỗ lim, huê, dó (trầm hương), gõ, cộm… Cả cánh rừng bạt ngàn rộng chừng chục ha đều do tay lão gây dựng trong suốt 30 năm qua…
Trồng gỗ quý vì sợ bị khai thác cạn kiệt
Con đường dẫn vào bản Hà được đổ bê tông chạt vặn vẹo qua những cung đồi nhỏ rồi... khựng lại vì bị con suối Hà cắt ngang. Lội qua suối, đi thêm một lúc trên con đường đất đá lổn nhổn đầy hố voi, ổ gà mới đến được vùng rừng của ông Niên.
Ngôi nhà gỗ ba gian nằm khiêm nhường dưới tán rừng. Quanh nhà, không hề có dấu vết xói lở của những trận mưa rừng lũ lớn. Ông Niên (người dân trong vùng vẫn quen gọi ông là ông Diện, bà con gọi theo tên con đầu lòng của ông) rót nước nấu lá rừng giải nhiệt mời khách rồi chậm rãi kể: Hồi trai trẻ, ông tham gia bộ đội, từng tham chiến ở chiến trường Quảng Trị.
Sau giải phóng, ông giải ngũ về quê. Ông theo bạn bè vác rìu lên rừng chặt gỗ kéo về bán lấy tiền mua gạo nuôi vợ con. Mấy đứa con lần lượt ra đời và lam lũ lớn lên thì lưng ông ngày càng còng xuống. Mỗi ngày, đi rừng càng xa. Trước chỉ đi non buổi là vào tận rừng có được gỗ quý như lim, gõ, vàng tâm… Giờ phải đi cả ngày trời, rồi đi hai, ba ngày mới có được cây gỗ rừng. Đến lúc, ông chợt nhận ra, gỗ quý đã ngày càng cạn kiệt. Cạn kiệt đến độ không còn nữa và dân đi rừng quay sang khai thác cây gỗ rạp.
Cây dó đang được tạo trầm |
“Chặt hết rứa thì mai kia con cháu lấy đâu ra gỗ quý nữa hè”. Trăn trở với cây gỗ làm ông thức trắng mấy đêm. Hôm sau, ông nói vợ đùm cho mo cơm và đi rừng. Nhưng lần này, ông không đi chặt gỗ mà đi kiếm cây con về làm giống.
Băng rừng, cứ phát hiện cây lim nhỏ là ông cẩn thận đánh gốc, lấy lá rừng bó chặt rồi bỏ vào ba lô mang về. Khoảng rừng hoang chỉ có đá, cây dại mọc được ông phát sạch và ươm trồng cây giống vào đó.
Bà Đinh Thị Dung (vợ ông) ngạc nhiên lắm, cứ thắc mắc việc ông làm. “Chẳng khác cho ông múc nước trong giếng ra đổ vô suối chảy trước nhà”, bà ca cẩm. Ông thì không nản chí. “Mai kia, mấy đứa con lớn lên, lấy vợ, lấy chồng thì bà mới nhớ lại việc tui làm. Đừng lo, trồng rừng thì rừng trả công thôi”, ông động viên bà.
Cứ vài ngày, thấy ông vác cuốc, rựa lên vùng đồi sau nhà phát hoang, đào hố là bà cũng lên để phụ ông một tay. Khi phát được chừng trăm hố trồng là ông lại dừng việc đó và đi vào rừng sâu kiếm cây giống về trồng. “Có chuyến, ông đi biệt hơn ba ngày mới về và cũng chỉ kiếm được hơn chục cây giống”, bà Dung kể lại.
Khu rừng của ông Niên hiện có hơn 5.000 cây dó trầm, 2.000 cây lim, 500 cây sưa, 500 cây vàng tâm cùng nhiều cây gỗ bản địa quý hiếm khác. Riêng gỗ lim, hiện ông Niên là người duy nhất ở Quảng Bình sở hữu một rừng lim lớn đến vậy. Những cây lim được ông lượm lặt từ rừng về trồng, chăm chút hàng chục năm nay bây giờ đã cao hàng chục mét. Trị giá mỗi cây bây giờ cũng lên đến vài chục hoặc cả trăm triệu đồng. |
Những cây dó, vàng tâm, gõ… đưa về yếu ớt, trồng lên vùng đồi hoang cũng oặt èo dưới nắng gió. Ông lại cần mẫn, chăm chút. Sau mỗi cơn mưa rừng lớn, ông lại vắc rựa lên kiểm tra, cắm cọc, buộc lại rừng cây bị gió làm nghiêng, bị mưa cói bật rễ. Khi những lứa cây trồng đầu tiên đã bén rễ, cứng thân thì ông lại lên rừng tìm lứa cây mới về trồng.
10 năm sau, trả lại công sức cho ông Niên là cả một vùng đồi hoang đã thành rừng. Rừng "ông Niên" là rừng trồng nhưng không khác gì rừng tự nhiên bởi chỉ có các loại cây giống bản địa quý. Cây khép tán, cũng là lúc quần thể cây rừng tự nhiên hồi sinh. Lúc này, ông đã có trong tay gần chục ha rừng…
Giàu có để lại cho con cháu
“Vô rừng hè”, ông Niên uống hết chén nước rồi nhắc. Nói rồi, ông vác rựa hăng hái đi trước. Ngược triền núi một lúc là lọt hẳn vào khu rừng rậm rạp. Đi một lúc, ông lại chỉ tay: “Bên cụm có 4 cây thẳng hàng là cây dẻ. Vạt rừng phía sau là cây lim. Còn đi ngoặt sang bên trái là rừng vàng tâm”.
Mấy anh em chúng tôi cứ có cảm giác ngờ ngợ như đi vào một vùng rừng nguyên sinh với hàng trăm loại cây rừng thẳng tắp cao hàng chục mét, xanh ngút tầm mắt. Thi thoảng, chúng tôi bắt gặp một vài cây rừng dài hàng chục mét bị đổ vạt xuống. “Hôm bão số 10 lớn chưa từng thấy tràn vô. Gió quất vào dãy núi đá quật trở lại làm cho mấy cây rừng bị ngã gãy đó. Nhưng cũng ít thôi”, ông Niên giải thích.
Một góc rừng cây vàng tâm |
Phát cây dại, ông đưa chúng tôi đến bên gốc cây lim lớn. Cây này là một trong nhóm những cây đầu tiên ông đưa về, nay có được hơn 30 tuổi. Cây cao hàng chục thước, gốc lớn bằng vòng tay ôm của người lớn. Ông cười rạng rỡ: “Giờ vô rừng già cũng khó tìm thấy được cây lim như vầy”.
Đi qua một vạt rừng dó, ông dừng lại đến bên một cây lớn, thân cây bị đục lỗ chỗ. Ông chỉ tay: “Đó là đục để tạo trầm cho cây. Khi lái trầm vô, họ đánh giá cây và trả tiền mua luôn cây đó. Cách đây khoảng 5 năm, tui bán lô cây dó đầu tiên thu được hơn 600 triệu đồng. Tiền đó, chia cho các con để phụ cho mấy đứa làm nhà”.
Mấy năm gần đây, gia đình ông cũng sống khỏe từ việc thu sản phẩm phụ của khu rừng và những loài cây ăn quả như bưởi, cam, mít chuối… “Chăm rừng thì rừng cho. Gần đây nấm lim xanh được giá, mỗi ký có khi lên đến hơn 2 triệu đồng. Nghe họ nói nấm đó chế thuốc phòng chữa ung thư nên tui bán cũng được lắm”, ông Niên khoe thêm.
Rừng gỗ quý của ông Niên |
Hơn 2 giờ đồng hồ vòng vèo leo dốc, đổ suối trong rừng, chúng tôi đã mướt mát mồ hôi, chân tay mỏi nhừ vì leo trèo. Ông Niên đi trước, chốc chốc ngoái lại: “Cố lên, gần về đến nhà rồi”. Đứng đợi chúng tôi ở bìa rừng, ông cười: “Tui nhờ đi rừng thường xuyên nên đã 80 tuổi mà vẫn chưa thấy mệt mỏi. Thôi về nhà uống bát nước lá rừng là hết mệt ngay thôi mà...”. |