Đóng góp 20% GDP
Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, kể từ khi Việt Nam mở cửa thu hút FDI đến nay, FDI luôn giữ vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH và hoàn thành cơ bản mục tiêu đề ra cho từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Các dự án FDI tạo động lực quan trọng cho nền kinh tế VN |
“Các DN FDI đã tạo tiền đề, đồng thời tạo tác động lan tỏa trực tiếp và gián tiếp đối với các khu vực kinh tế khác của Việt Nam. FDI đã mang đến cho chúng ta vốn, kinh nghiệm, công nghệ… những thứ mà ở thời điểm trước đây gần như Việt Nam không có gì”, ông Dũng nói.
Không những thế, khu vực FDI cũng đã góp phần quan trọng giúp Việt Nam phá bỏ thế bao vây cấm vận, đưa Việt Nam bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.
Theo ông Dũng, lũy kế đến nay, cả nước có 26.500 dự án FDI, đến từ 129 quốc gia, vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký trên 334 tỷ USD, tổng vốn thực hiện đạt trên 185 tỷ USD.
Nguồn vốn này đã đóng góp lớn cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời khơi dậy và phát huy hiệu quả việc sử dụng các nguồn lực trong nước. Hiện FDI chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và đóng góp khoảng 20% GDP.
“Khu vực FDI cũng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, sau khi có Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 1987 đến nay, chúng ta đã thu hút được 334 tỷ USD, trong đó khoảng 58% tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như dầu khí, điện tử, viễn thông…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.
Mặc dù vậy, theo Bộ KH-ĐT, 30 năm thu hút FDI, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần được khắc phục. Chẳng hạn, mức độ kết nối, lan tỏa của khu vực FDI đến khu vực đầu tư trong nước còn chưa đạt được như kỳ vọng; thu hút và chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI còn khiêm tốn; thu hút FDI vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên và từ các tập đoàn đa quốc gia còn hạn chế; còn hiện tượng một số doanh nghiệp chuyển giá, trốn thuế hoặc chưa nghiêm túc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường...
“Những tồn tại, hạn chế nêu trên đã được nhận diện. Hiện Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt nhằm khắc phục cho được các vấn đề này trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách ưu đãi đầu tư
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ra 5 quan điểm của Việt Nam đối với đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới.
Một là, hợp tác đầu tư nước ngoài là không chỉ thu hút vốn, mà hợp tác cả về quản lý, kết nối, hợp tác bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động, bảo đảm các lợi ích xã hội (đây cũng chính là nội hàm của các Hiệp định FTA thế hệ mới và là nền tảng phát triển bền vững). Hợp tác đầu tư nước ngoài là mang tính chủ động, có sự bình đẳng, lựa chọn, không phải nhà đầu tư nước ngoài mang gì vào ta chấp nhận nấy và điều quan trọng là có lựa chọn, dần thoát khỏi gia công, lắp ráp đơn thuần, nâng tầm trình độ sản xuất, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế quốc gia.
Hai là, Việt Nam mong muốn nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, nhà nước, xã hội và bảo vệ tốt môi trường.
Ba là, thúc đẩy mạnh liên kết giữa DN FDI với DN trong nước nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp quy mô lớn, công nghệ chất lượng cao, gắn với các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Bốn là, khuyến khích đầu tư FDI vào ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên, lao động, tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững, sản phẩm có giá trị gia tăng và tỉ lệ nội địa hóa cao.
Năm là, hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư có công nghệ mới sáng tạo, có chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị quốc tế để hình thành và phát triển cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Thủ tướng cũng cho rằng, bối cảnh khu vực, thế giới đang có nhiều biến động, cạnh tranh gay gắt, đan xen cả cơ hội và thách thức, cách mạng công nghiệp 4.0 lan tỏa mạnh mẽ tới từng DN, người dân. Với các quan điểm nêu trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, chính quyền địa phương tập trung làm cho được điều mà các nhà đầu tư luôn cần là: giữ vững ổn định chính trị xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô.
“Cần hoàn thiện khung pháp luật liên quan đến đầu tư, đảm bảo sự tương thích, đồng bộ pháp luật giữa Luật Đầu tư, Luật DN và các văn bản pháp luật liên quan với các cam kết quốc tế. Trong đó có thực hiện chủ trương hợp tác đầu tư nước ngoài có ưu tiên, chọn lọc gắn với mục tiêu nâng tầm trình độ nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế tự chủ”, Thủ tướng nói.
Ngoài ra, cần khuyến khích, hỗ trợ DN trong nước liên doanh, liên kết, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của DN FDI trong các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, công nghiệp hỗ trợ...
“FDI làm gia tăng số lượng và giá trị kim ngạch XK của Việt Nam trong nhiều năm liên tục. Cụ thể đã góp phần quan trọng vào kim ngạch XK của Việt Nam, năm 2017 khu vực FDI đóng góp 72,6% tổng kim ngạch XK cả nước. Ngoài ra, khu vực FDI còn đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước và ngày càng tăng. Riêng năm 2017, FDI đóng góp hơn 8 tỷ USD, chiếm khoảng 17% tổng thu ngân sách. FDI cũng đã tạo ra nhiều việc làm cho xã hội với khoảng gần 4 triệu lao động trực tiếp và 5 triệu lao động gián tiếp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. |