Liên kết sản xuất làm bệ đỡ cho nông nghiệp đô thị
TP Cao Lãnh, thủ phủ của tỉnh Đồng Tháp, đang từng bước khẳng định vị thế trong phát triển nông nghiệp đô thị. Với định hướng kết hợp nông nghiệp truyền thống và công nghệ cao, thành phố đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Tuy nhiên, để phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn, nhận thức và sự đồng thuận của người dân cần được nâng cao.
HTX Nông nghiệp Tịnh Thới là một trong những đơn vị tiên phong trong liên kết sản xuất nông nghiệp tại TP Cao Lãnh.
Ông Võ Tấn Bảo, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới, cho biết: Xã Tịnh Thới có diện tích đất nông nghiệp 1.144ha, trong đó, diện tích trồng xoài gần 1.000ha, sản lượng cung ứng cho thị trường hàng năm gần 10.000 tấn xoài các loại. Hiện nay liên kết sản xuất mô hình nông nghiệp ở đô thị ứng dụng công nghệ cao đã giúp nông dân giảm chi phí đầu tư. Đồng thời, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Thời gian qua, HTX tập trung sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.
Ngoài ra, các Hội quán nông dân cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tinh thần hợp tác. Mô hình sản xuất xoài theo hướng hữu cơ gắn truy xuất nguồn gốc sản phẩm ở ấp Tân Hậu, xã Tân Thuận Tây với 24 thành viên tham gia do ông Đặng Văn Những, Chủ nhiệm Tâm Quê Hội quán làm Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất.
Khi tham gia vào Tổ hợp tác sản xuất, nông dân được Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí để mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc phục vụ sản xuất.
Ông Những cho biết, ông canh tác 1,5ha xoài theo hướng hữu cơ bằng cách dùng củ gừng, ớt ủ chung để phun xịt trừ sâu bệnh cho trái xoài. “Trái xoài sản xuất theo hướng hữu cơ, khi xuất bán trên thị trường có truy xuất nguồn gốc và bán được giá cao. Nông dân tham gia vào tổ hợp tác cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trồng xoài theo hướng hữu cơ, tuyên truyền bài thuốc phun xịt cây xoài để giảm chi phí sản xuất; đồng thời phối hợp với Hợp tác xã Tân Thuận Tây liên kết bao tiêu trái xoài, ổn định đầu ra”, ông Đặng Văn Những chia sẻ.
Ứng dụng công nghệ cao, câu chuyện từ người nông dân đô thị
Tại phường Mỹ Tân, ông Trần Văn Lâm, một hộ dân tiên phong ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, đã đầu tư hệ thống tưới thông minh và áp dụng quy trình trồng rau hữu cơ trên diện tích 1,5ha.
Ông Lâm chia sẻ: “Sản xuất theo hướng công nghệ cao giúp tôi tiết kiệm nước, giảm chi phí nhân công và tăng chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, thu nhập của gia đình đã tăng gấp đôi so với trước đây”.
Hiện nay, TP Cao Lãnh đã triển khai nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao như vùng trồng xoài hữu cơ hàng trăm hecta tại xã Tịnh Thới hay mô hình làng thông minh tại xã Tân Thuận Tây. Những mô hình này không chỉ nâng cao giá trị nông sản mà còn tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với các thị trường khó tính.
Nhận thức của người dân về nông nghiệp đô thị tại TP Cao Lãnh đang dần được nâng lên. Từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến. Kết quả, thành phố hiện có 94 mã số vùng trồng với diện tích hơn 3.024ha, vượt 32,5% so với chỉ tiêu. Đồng thời, 56 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên đã được công nhận, góp phần khẳng định thương hiệu nông sản địa phương.
Đến nay, diện tích nông sản liên kết tại TP Cao Lãnh đạt hơn 1.970ha, vượt 31% so với kế hoạch. Đây là minh chứng cho sự phát triển bền vững thông qua hợp tác giữa nông dân và các tổ chức.
Ông Võ Phan Thành Minh, Chủ tịch UBND TP Cao Lãnh, nhận định: Phát triển nông nghiệp đô thị không chỉ dừng lại ở việc cung cấp sản phẩm an toàn, chất lượng cao cho người dân mà còn hướng tới mục tiêu xuất khẩu. UBND TP Cao Lãnh sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân về hạ tầng, vốn và đào tạo để phát triển bền vững. Đến năm 2030, TP Cao Lãnh kỳ vọng sẽ trở thành điểm sáng về nông nghiệp đô thị kết hợp du lịch sinh thái.
Tuy đạt được nhiều thành tựu, TP Cao Lãnh vẫn đối mặt với không ít thách thức. Diện tích đất nông nghiệp giảm do quy hoạch đô thị mở rộng, trong khi quy mô liên kết sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa đồng bộ. Ngoài ra, sự khác biệt về giá trị giữa sản phẩm hữu cơ và truyền thống chưa rõ ràng khiến nhiều nông dân e ngại chuyển đổi.
Để khắc phục, TP Cao Lãnh cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ như: Đẩy mạnh liên kết giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra ổn định và nâng cao giá trị sản phẩm. Tiếp tục triển khai các mô hình nông nghiệp công nghệ cao và chuyển đổi số trong sản xuất. Đào tạo và tuyên truyền nhận thức của người dân thông qua các lớp tập huấn và chương trình truyền thông về nông nghiệp đô thị. Xây dựng thương hiệu các sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.
Sự phát triển nông nghiệp đô thị tại TP Cao Lãnh đang mở ra nhiều cơ hội mới cho người dân, từ việc cải thiện thu nhập đến xây dựng thương hiệu nông sản. Với sự quan tâm của chính quyền địa phương và tinh thần đổi mới của người dân, TP Cao Lãnh có đủ tiềm năng để trở thành hình mẫu về nông nghiệp đô thị hiện đại, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp.