Ngày 13/4, Hội Truyền Thông Số Việt Nam, Công ty TNHH Exporum, Viện Sáng tạo và Chuyển Đổi Số, Hội tự động hóa Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn và Triển lãm Quốc tế Đô Thị Thông Minh Châu Á (Smart City Asia 2023) lần thứ 2.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi cho biết, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu đến năm 2030: “TP. HCM trở thành đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á... Kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP”.
Để thực hiện được mục tiêu đó, Thành phố xác định động lực chủ yếu cho phát triển kinh tế - xã hội chính là phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thành phố tập trung nghiên cứu phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu cải tiến công nghệ, hiện đại hóa thiết bị sản xuất, hỗ trợ đào tạo, tư vấn nâng cao năng suất, chất lượng và quản trị, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khẳng định giá trị thương hiệu..., ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ thiết thực hiệu quả cho hoạt động phát triển doanh nghiệp, đặc biệt hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, tiếp tục đầu tư, khai thác hiệu quả các trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ tại các trường đại học, Khu công nghệ cao, Khu nông nghiệp công nghệ cao, Khu công viên phần mềm Quang Trung để hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững.
Thành phố đã triển khai nhiều chương trình, đề án quan trọng như Chương trình Chuyển đổi số; Đề án Xây dựng TP. HCM trở thành đô thị thông minh; Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm công nghệ thông tin - truyền thông; Đề án Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Hồ Chí Minh; Đề án Phát triển thương mại điện tử trên địa bàn TP. HCM; Đề án Phát triển ngành logistics trên địa bàn Thành phố.
“TP. HCM hiện nằm trong top 200 hệ sinh thái năng động nhất toàn cầu. Năm 2022, Thành phố ở vị trí 111 tăng 68 bậc so với năm 2021. Thành phố xếp thứ 3 về chuyển đổi số toàn quốc năm 2021 (tăng 2 bậc so với năm 2020). Kinh tế số Thành phố năm 2022 chiếm 15,38% GRDP thành phố, vượt so với chỉ tiêu đặt ra là 15%”, ông Mãi cho hay.
Theo Chủ tịch UBND TP. HCM, Diễn đàn và Triển lãm Quốc tế “Đô thị thông minh Châu Á - SmartCity Asia” năm 2023 hoàn toàn phù hợp với những chủ trương, mục tiêu trọng tâm của TP. HCM hiện nay và trong thời gian tới.
Diễn đàn và triển lãm là nơi các nhà quản lý, các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế gặp gỡ, chia sẻ các định hướng, chiến lược, giải pháp và công cụ quản lý thực tiễn trong phát triển đô thị thông minh. Đây cũng chính là nơi giao lưu, kết nối, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu sản phẩm công nghệ giữa các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.
“Đây là cơ hội tốt để chúng ta cùng trao đổi về các chính sách thúc đẩy xây dựng và phát triển các thành phố thông minh tại Việt Nam; đồng thời trực tiếp đưa ra những giải pháp giúp xây dựng, phát triển đô thị thông minh cho TP. HCM và các thành phố trên cả nước, giúp giải quyết các vấn đề cấp thiết đang được các thành phố quan tâm như: quản lý giao thông, đô thị, an ninh trật tự, môi trường, giáo dục, y tế... phục vụ cho đời sống nhân dân, an toàn và an sinh xã hội ngày càng tốt hơn”, ông Phan Văn Mãi nói.
Smart City Asia 2023 diễn ra từ ngày 13/4 - 15/4 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn - quận 7, TP. HCM thu hút sự tham gia của hơn 400 gian hàng với gần 300 đơn vị trưng bày 70% các doanh nghiệp quốc tế như Hàn Quốc, Phần Lan, tiểu Vương Quốc Ả Rập thống nhất, Singapore…với các sản phẩm công nghệ liên quan đến smart mobility, nhà thông minh, giao thông thông minh,…
Ngoài ra, về khối nhà nước có UBND TP. HCM cùng 5 Sở ngành liên quan và TP. Thủ Đức, TP Đà Nẵng. Đặc biệt, đại diện Việt Nam có sự tham gia của các Tập đoàn công nghệ viễn thông lớn như FPT, VNPT. Dự kiến sự kiện sẽ thu hút 10.000 khách tham quan.