Nâng hạng thị trường chứng khoán là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được Thủ tướng Phạm Minh Chính giao cho ngành tài chính - ngân sách trong năm 2025.
Theo đó, Bộ Tài chính tiếp tục củng cố, phát triển đồng bộ và nâng cao chất lượng thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu, bảo hiểm; đồng thời hoàn thành mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán để tăng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp, tạo kênh huy động vốn tốt hơn cho doanh nghiệp.
Việc nâng hạng được Chính phủ, trực tiếp là Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt quan tâm. Trong nhiều chỉ đạo, người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ, nâng hạng thị trường chứng khoán cần kết hợp phát triển theo xu hướng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, phát triển nhanh và bền vững.
Liên hệ chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà đầu tư và xã hội để thực hiện các chức năng cung cấp vốn; phát triển mạnh hạ tầng và hệ sinh thái thị trường chứng khoán.
Dù đã hoạt động 20 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn thuộc thị trường cận biên. Đây là thuật ngữ chỉ loại hình kinh tế thị trường của các nước đang phát triển (hơn quốc gia kém phát triển nhất) nhưng vẫn quá nhỏ, rủi ro hoặc kém thanh khoản.
Vào cuối tháng 9/2018, Việt Nam được FTSE Russell - nhà cung cấp chỉ số chứng khoán toàn cầu có trụ sở ở London, Anh - đưa vào danh sách xem xét nâng hạng, nhưng đến nay chưa thành công.
Nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi là một trong 6 mục tiêu trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Tại kỳ đánh giá hồi tháng 9/2023, FTSE Russell tiếp tục giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp.
Tổ chức này cũng khuyến nghị 3 nhóm giải pháp để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, bao gồm: Mở rộng không hạn chế tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài vào các công ty Việt Nam; điều chỉnh hoặc gỡ bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, nhất là đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài; Cải thiện và tăng cường việc công bố thông tin bằng tiếng Anh, từ các cơ quan chức năng và các công ty niêm yết cũng như các thành viên thị trường.
Những vấn đề này tiếp tục được Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra cho ngành tài chính - ngân sách trong năm tới. Ngoài ra, ông yêu cầu quyết liệt thực hiện cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, ngân sách; dứt khoát số hóa việc thu chi ngân sách, triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nhằm chống thất thu thuế.
Năm 2025, Thủ tướng chỉ đạo, nền kinh tế phấn đấu đạt tăng trưởng ít nhất 8%, đồng thời ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách.
Năm 2024, ngành tài chính - ngân sách lập nhiều kỷ lục. Nổi bật có việc lần đầu thu ngân sách vượt 2 triệu tỷ đồng, tăng hơn 15% so với cùng kỳ 2023. Cùng với đó, nợ công được siết chặt, khoảng 36 - 37% GDP (nằm trong ngưỡng an toàn), nợ Chính phủ khoảng 33 - 34% GDP.