72% hồ chứa chưa có phương án ứng phó tình huống khẩn cấp
Hiện cả nước đã xây dựng được 7.342 đập, hồ chứa thủy lợi, trong đó có 592 đập dâng có chiều cao trên 5m và 6.750 hồ chứa với tổng chiều dài đập gần 1.200 km, tổng dung tích trữ khoảng 14,5 tỷ m3, tạo nguồn nước tưới cho gần 1,1 triệu ha đất nông nghiệp, cấp khoảng 1,5 tỷ m3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp.
Theo đánh giá của Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), một số nhiệm vụ được các chủ đập thực hiện khá tốt. 100% số hồ được kiểm tra theo quy định; 90% số hồ có cửa van có quy trình vận hành được duyệt; 86% số hồ được đăng ký an toàn đập; 77% số hồ được lập phương án ứng phó thiên tai.
Tuy nhiên, mới chỉ có 31% số hồ có phương án bảo vệ; 28% số hồ có phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp; 18% số hồ có quy trình vận hành; 13% số hồ được kiểm định an toàn; 12% số hồ lắp thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du;... 11% số hồ cắm mốc bảo vệ.
Việc lắp đặt thiết bị giám sát vận hành ở các hồ chứa có cửa van đã hỗ trợ tốt cho công tác tham mưu, chỉ đạo vận hành theo diễn biến thực tế. Điển hình như trong mùa mưa lũ năm 2022, là hồ Tả Trạch được vận hành hợp lý đã giảm được mực nước tại Kim Long tối đa là 0,36m, góp phần giảm ngập cho TP. Huế và khu vực đồng bằng.
Ông Nguyễn Tùng Phong - Cục trưởng Cục Thủy lợi cho biết, nhìn chung việc bố trí kinh phí và thực hiện quy định pháp luật về quản lý an toàn đập ở đa phần các địa phương còn rất hạn chế. Bộ NN-PTNT đã ban hành Thông tư số 03/2022/TT-BNNPTNT ngày 16/6/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 05/2018/TT-BNNPNT ngày 15/5/2018 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT quy định chi chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi. Theo đó, phân cấp các địa phương quản lý đập, hồ chứa thủy lợi mà việc khai thác và bảo vệ liên quan đến hai tỉnh trở lên.
Trung hạn 2021 - 2025: 31 hồ đập được sửa chữa, nâng cấp
Trong thời gian vừa qua, được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ cũng như nỗ lực của các địa phương, phần lớn các hồ chứa lớn có dung tích từ 3 triệu m3 trở lên đã được sửa chữa đảm bảo an toàn (từ năm 2003 đến nay, đã sửa chữa được khoảng 1.500 hồ chứa với tổng kinh phí khoảng 30.000 tỷ đồng, trong đó: Giai đoạn 2019-2021, Chính phủ đã hỗ trợ cho 30 tỉnh 500 tỷ đồng để sửa chữa nâng cấp 84 hồ, dự án WB8 đã hoàn thành sửa chữa nâng cấp 436 hồ và các địa phương đầu tư sửa chữa nâng cấp bằng các nguồn vốn khác 80 hồ).
Trong giai đoạn trung hạn 2021-2025 Bộ NN-PTNT đã hỗ trợ kinh phí sửa chữa nâng cấp 31 công trình đập, hồ chứa thủy lợi với tổng kinh phí 4.700 tỷ đồng. Trong khuôn khổ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội đã hỗ trợ sửa chữa nâng cấp 68 hồ với tổng kinh phí 1.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo của các địa phương và kiểm tra rà soát, cả nước còn 337 hồ chứa bị hư hỏng nặng. Hiện tại, theo sự phát triển của kinh tế - xã hội, khu vực hạ du đang dần hình thành các khu đô thị, thành phố dẫn đến hệ quả hành lang thoát lũ của các hồ chứa thủy lợi đang bị thu hẹp lại, lưu lượng xả của các hồ chứa nếu xả theo thiết kế sẽ gây ngập lụt cho khu vực hạ du.
Các hồ bị xuống cấp, hư hỏng nặng tập trung vào nhóm hồ vừa và nhỏ, các hồ này chủ yếu được xây dựng đã lâu, từ những năm 70-80 của thế kỷ trước, trong điều kiện kinh tế khó khăn, kỹ thuật hạn chế, thiếu kinh phí bảo trì, sửa chữa nâng cấp; việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước còn hạn chế.