| Hotline: 0983.970.780

35.000 con gà của một xã bị chết do lũ

Chủ Nhật 03/11/2024 , 08:34 (GMT+7)

Trận lũ quét bất ngờ tràn qua xã Trường Thủy làm thiệt hại lớn đến đàn gia cầm…

Người dân xã Trường Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình), vẫn thường nói vùng đất bán sơn địa này hàng chục năm nay chưa hề có mưa lũ lớn. Ngay cả trận lũ lịch sử cuối năm 2020 thì Trường Thủy nước chỉ lên mấp mé các tuyến đường bê tông.

Vậy mà trận lũ quét đã xảy ra, ông Phan Hữu Tình, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy cho hay, trận lũ quét kéo dài khoảng 3 giờ đồng hồ vào chiều tối. Nước lên như có máy bơm đẩy đã làm nhiều gia đình ở ven sông, suối ngập đến tận nóc.

Một trang trại ở xã Trường Thủy sau khi lũ quét tràn qua. Ảnh: M. Hòa.

Một trang trại ở xã Trường Thủy sau khi lũ quét tràn qua. Ảnh: M. Hòa.

“Cả ngày mưa nên khi có hiện tượng lạ là chúng tôi thông báo khẩn cấp cho bà con mang đồ đạc và di dời lên những nhà kiên cố ở trên đồi cao. Tuy không thiệt hại về người, nhưng tổng đàn gia cầm khoảng 35.000 con gà của khoảng 150 hộ dân chăn nuôi trang trại, gia trại đã bị nước lũ làm chết”.

Vườn của anh Mai Văn Hòa (thôn Hương Thi, xã Trường Thủy), được công nhận là vườn mẫu nông thôn mới. Gia đình có khu trang trại 4.500 con gà. Dù nhà ở trên khu đồi cao hơn đường bê tông 3m, nhưng lũ ập đến ngập trang trại gần 1,5m.

“Khi lũ quét rút nhanh, tôi kiểm tra thì chỉ còn khoảng 300 gà còn sống thoi thóp. Còn khoảng 4.100 con chết nàm la liệt. Sau đó tôi phải nhờ chính quyền và bà con gom lên ô tô chỏ đi nơi chôn lấp để đảm bảo vệ sinh môi trường. Khi đó, lũ đã ngập bao quanh hết, không có đường ra vào”, anh Hòa kể lại.

Lũ quét cũng đã làm hàng trăm ha rừng ở Trường Thủy bị thiệt hại. Ảnh: M. Hòa.

Lũ quét cũng đã làm hàng trăm ha rừng ở Trường Thủy bị thiệt hại. Ảnh: M. Hòa.

Chúng tôi ghé lại trang trại của anh Đỗ Văn Cường (thôn Văn Minh), nằm dưới vườn cao su xanh tốt. Nhiều cây cao su bị gió quật ngã. Hai khu chuồng nuôi trong trang trại vắng lặng. Anh Cường tốt nghiệp Đại học Nông lâm Huế được mấy năm. Sau, anh về quê khởi nghiệp với việc nuôi gà lai ri (giống gà địa phương).

Trang trại của anh có 4.500 con gà. Trong đó, có khoảng 1.500 con có trọng lượng trên dưới 3kg mỗi con chuẩn bị xuất bán. Lứa tiếp theo sẽ bán vào vào dịp Tết Nguyên đán sắp đến.

“Lũ quét qua nhanh lắm. Chuồng nuôi cũng đã được nâng cao mà ngập đến 1,5m. Ai cũng lo tìm chỗ nhà cao tầng lánh nạn chứ làm sao cứu được trại gà”.

“Lũ rút thì gà chết sạch, cả hơn 3 tấn thức ăn cho gà cũng bị trôi theo lũ. Thiệt hại của em cũng gần 450 triệu đồng. Vốn liếng, vay nợ để làm trang trại cũng trôi theo lũ rồi”, anh Cường nói nghẹn.

Anh Mai Văn Hòa bên đàn gà nhỏ còn sót lại sau lũ. Ảnh: T. Đức.

Anh Mai Văn Hòa bên đàn gà nhỏ còn sót lại sau lũ. Ảnh: T. Đức.

Tại gia đình anh Trần Công Thắng (thôn Long Đại) cũng đã bị lũ quét làm thiệt hại hơn 3.000 con (trọng lượng khoảng 3 tấn). Sau khi lũ rút, gia đình chỉ biết dọn lại những chuồng nuôi trống không.

Những năm gần đây, xã Trường Thủy phát triển mạnh về trồng rừng kinh tế và chăn nuôi gia cầm. Vì thế mạnh vườn đồi nên nhiều hộ gia đình đã phát triển tổng đàn lên hàng ngàn con với giống gà lai ri chất lượng cao.

Ông Phan Hữu Tình cũng cho hay, số gia súc, gia cầm của các hộ chăn nuôi bị chết sau đó được chính quyền hỗ trợ nhân lực, phương tiện để giúp các gia đình đưa đi chôn lấp để giữ môi trường.

Anh Đỗ Văn Cường khử trùng chuồng gà và hy vọng được vay vốn tái thả đàn sớm khắc phục thiệt hại sau lũ quét. Ảnh: T. Đức.

Anh Đỗ Văn Cường khử trùng chuồng gà và hy vọng được vay vốn tái thả đàn sớm khắc phục thiệt hại sau lũ quét. Ảnh: T. Đức.

Chỉ tính riêng số gia cầm bị thiệt hại cũng lên đến khoảng 4 tỷ đồng. Trước thiệt hại của người dân, chính quyền xã Trường Thủy đã trích một phần kinh phí để thăm hỏi, động viên các hộ chăn nuôi bị thiệt hại nặng do lũ quét.

“Chính quyền địa phương đã động viên bà con sửa sang lại chuồng trại, làm vệ sinh, khử trùng để tái đàn”.

“Vấn đề khó khăn là bà con thiếu vốn. Vì vậy, mong các ngân hàng sớm có chính sách hỗ trợ cho vay để bà con có điều kiện thả con giống bán vào dịp Tết, tạo đà phát triển chăn nuôi vườn đồi trở lại”- ông Phan Hữu Tình chia sẻ thêm.

Xem thêm
Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.