| Hotline: 0983.970.780

5 kg muối, chỉ bằng cốc trà đá!

Thứ Tư 30/06/2021 , 17:15 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Giá muối tại ruộng ở Bình Định hiện chưa được 600 đồng/kg. Tức 5 kg muối, chỉ mua được 1 cốc trà đá ở vỉa hè Hà Nội.

Quá khốn đốn với nghề

Nắng càng gắt, ruộng muối càng lấp lánh, mồ hôi diêm dân càng ướt đẫm áo. Nhìn thấy cảnh ấy, ai cũng nghĩ những chủ ruộng muối có 1 mùa bội thu, tiền bạc rủng rỉnh. Thế nhưng thực tế không phải vậy.

Muối càng bội thu, mồ hôi càng ướt đẫm thì diêm dân càng thấy đau khổ vì nếm vị muối đắng. Bởi, 1kg muối hiện nay bán tại ruộng chưa tới 600 đồng, trong khi ruộng muối lấy đi của diêm dân không biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt.

Diêm dân đổ không biết bao nhiêu mồ hôi trên những cánh đồng muối ở xã Cát Minh (huyện Phù Cát, Bình Định), nhưng đổi lại, muối chỉ cho họ toàn nước mắt chát đắng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Diêm dân đổ không biết bao nhiêu mồ hôi trên những cánh đồng muối ở xã Cát Minh (huyện Phù Cát, Bình Định), nhưng đổi lại, muối chỉ cho họ toàn nước mắt chát đắng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Bà Nguyễn Thị Hiền (50 tuổi) ở thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh (huyện Phù Cát, Bình Định), đang mướt mồ hôi thu hoạch muối trên cánh đồng muối mênh mông, nhưng khi có người hỏi thăm giá muối, bà dừng bước chân quang gánh muối, vừa thở hổn hển, vừa buông lời dài thượt: “Tôi làm muối đã hơn 10 năm nay, hiện gia đình tôi đang sản xuất 5 khoảnh ruộng muối. Giá muối bây giờ rẻ quá, làm cực khổ nhưng giá càng ngày càng rẻ, thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu. Với giá bán tại ruộng 20.000đ/gánh muối nặng đến 35kg thì mỗi ký muối tính ra chưa được 600 đồng, người làm muối chỉ lấy công làm lời”.

Bà Trương Thị Cẩn (53 tuổi), một diêm dân khác cũng đang lặn lội trên cánh đồng muối thôn Đức Phổ 1 (xã Cát Minh), góp thêm chuyện: “Đầu mùa thu hoạch muối mới có giá 25.000đ/gánh (35kg), càng về sau giá càng hạ dần, hiện chỉ còn 20.000đ/gánh. Giá muối hiện đã quá bèo, vậy mà nghe đâu sẽ còn hạ thêm nữa, giờ diêm dân ở đây đã dần quay lưng với nghề muối để kiếm việc khác làm may ra mới sống nổi”.

Theo chia sẻ của 1 lãnh đạo UBND xã Cát Minh (huyện Phù Cát, Bình Định), tổng diện tích sản xuất muối của xã này hiện có khoảng 65ha. Tuy nhiên, hiện việc sản xuất muối của người dân không được hanh thông do giá cả quá thấp, đời sống diêm dân gặp rất nhiều khó khăn. Thực trạng trên đã khiến những diêm dân trẻ tại địa phương bỏ nghề đi làm ăn xa, vì vậy hiện có nhiều diện tích ruộng muối bị bỏ hoang.

Diêm dân xã Cát Minh (huyện Phù Cát, Bình Định) hốt muối cho vào bao để bán. Giá muối bán tại ruộng hiện chỉ có 20.000đ/gánh (35kg), tính ra chưa tới 600đ/kg. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Diêm dân xã Cát Minh (huyện Phù Cát, Bình Định) hốt muối cho vào bao để bán. Giá muối bán tại ruộng hiện chỉ có 20.000đ/gánh (35kg), tính ra chưa tới 600đ/kg. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Bình Định, diện tích sản xuất muối tính đến tháng 5/2021 trên địa bàn tỉnh này là 132,32 ha; trong đó có 70,32 ha sản xuất muối theo phương thức truyền thống, 51 ha sản xuất muối trải bạt ô kết tinh và 11 ha sản xuất theo hướng công nghiệp.

So với cùng kỳ năm ngoái, diện tích sản muối trên địa bàn Bình Định giảm 21,78 ha; trong đó tại huyện Phù Mỹ giảm 19,58 ha và huyện Phù Cát giảm 2,2 ha. Nguyên nhân diện tích sản xuất muối giảm được ngành chức năng giải thích là do thu hoạch từ muối hiệu quả, nên người dân quay lưng với nghề muối, nhiều diện tích chuyển sang nuôi trồng thủy sản.

Theo các thương lái đang thu mua muối tại cánh đồng muối thôn Đức Phổ 1, giá muối giảm thấp mà lượng tiêu thụ cũng chẳng được bao nhiêu.

Mọi năm, vào thời điểm này, một ngày mỗi thương lái chạy hàng được 4-5 xe muối, nhưng hiện 1 ngày có khi không chạy được xe muối nào. Nhiều thương lái thu mua muối xong phải dùng xe tải chở đi khắp làng khắp xóm rao bán lẻ từng bao.

Mịt mù tương lai

Theo Sở NN-PTNT Bình Định, hiện nay, trên địa bàn tỉnh này có 2 địa phương có nhiều diện tích sản xuất muối gồm huyện Phù Cát và huyện Phù Mỹ với tổng diện tích 138,2 ha. Niên vụ sản xuất muối tại Bình Định thường bắt đầu từ tháng 3 và kết thúc vào tháng 9 hàng năm. Hầu hết quy mô sản xuất muối tại Bình Định theo mô hình nhỏ lẻ, phân tán, chủ yếu theo phương pháp truyền thống là làm muối trên nền đất.

Nghề muối rất cơ cực, để đưa ruộng muối vào sản xuất, diêm dân phải có những bước chuẩn bị hết sức công phu với những việc cải tạo nền đất, nạo vét, phơi bùn, nện chắc nền ruộng. Một vụ muối người dân phải mất 1-2 tháng để chuẩn bị. Nhưng với phương thức sản xuất theo hướng truyền thống, hạt muối làm ra chất lượng kém, lẫn tạp chất nhiều nên giá thành thấp, khó tiêu thụ.

Tiêu thụ chậm, diêm dân dồn muối thành đống, tủ lại để bán dần dần. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Tiêu thụ chậm, diêm dân dồn muối thành đống, tủ lại để bán dần dần. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Để nâng cao hiệu quả nghề muối, năm 2015, ngành nông nghiệp Bình Định cùng với Công ty Cổ phần Muối và Thực phẩm Bình Định đã triển khai, vận động và hỗ trợ một số hộ dân ở xã Mỹ Cát, Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang kỹ thuật làm muối sạch theo phương pháp trải bạt.

Kết quả mang lại khá khả quan, sản lượng muối tăng 30%, giá bán cũng tăng gần gấp đôi. Từ kết quả đó, nhiều hộ dân khác đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất, đầu tư công nghệ trải bạt, đóng giếng sử dụng nước ngầm, mở rộng diện tích sản xuất muối trải bạt.

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trong năm 2020, tổng sản lượng muối trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 24.675 tấn; trong đó, có 17.240 tấn muối sản xuất truyền thống; 6.650 tấn muối trải bạt ô kết tinh và 785 tấn muối sản xuất công nghiệp. Năng suất muối bình quân đạt khoảng 178,55 tấn/ha.

Thương lái dùng xe tải chở muối đi bán rong từng bao khắp làng khắp xóm trong tỉnh Bình Định. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Thương lái dùng xe tải chở muối đi bán rong từng bao khắp làng khắp xóm trong tỉnh Bình Định. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Hiện ở Bình Định có 2 đơn vị chế biến muối thực phẩm gồm Công ty Cổ phần Muối và Thương mại miền Trung (Chi nhánh Bình Định) và Công ty Cổ phàn muối và Thực phẩm Bình Định với tổng công suất khoảng 26.000 tấn/năm. Tổng sản lượng muối chế biến trong năm 2020 là hơn 6.072 tấn; trong đó, sản phẩm chủ yếu là muối trộn iốt, muối sấy và muối xay, số lượng được đưa vào chế biến chẳng bõ bèn gì so với tổng sản lượng.

“Hiện diêm dân Bình Định đã hình thành mối liên kết sản xuất tiêu thụ muối với các doanh nghiệp chế biến. Diêm dân cũng đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất muối để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, nghề muối ở Bình Định còn nhiều khó khăn như cơ sở hạ tầng vùng sản xuất muối còn yếu, do đó chưa tạo được vùng muối có quy mô lớn để thực hiện cơ giới hóa và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất muối”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, bộc bạch.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất