Thực tế ảm đạm
Hiện Khánh Hòa có 1.042ha diện tích sản xuất muối, sản lượng đạt 92.978 tấn. Ngoài 240 hộ diêm dân sản xuất muối theo phương pháp thủ công tập trung tại các các xã: Vạn Khánh, Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh); Ninh Thọ, Ninh Hải, Ninh Thủy (TX Ninh Hòa); xã Cam Thịnh Đông (TP Cam Ranh), Khánh Hòa còn có HTX sản xuất muối 1/5 Ninh Diêm, HTX sản xuất muối Ninh Thủy và HTX sản xuất muối Cam Nghĩa đang sản xuất trên diện tích 405ha, chiếm 39%/tổng diện tích sản xuất muối cả tỉnh, năng suất bình quân từ 60-62 tấn/ha/năm.
Do các hộ diệm dân chủ yếu sản xuất bằng phương pháp phơi nước phân tán, nên không áp dụng được công nghệ kết tinh phân đoạn, không tận thu được thạch cao, nước ót. Giai đoạn 2015-2020, có 60% diện tích sản xuất muối ở Khánh Hòa áp dụng mô hình trải bạt ô kết tinh để rút ngắn chu kỳ thu hoạch muối thô từ 12-15 ngày xuống còn 5-7 ngày; sản lượng muối tăng từ 15-20%/ha; chất lượng muối trắng, sáng, ít lẫn tạp chất, giá bán tăng từ 15-20%/kg.
Riêng Công ty CP Muối Khánh Hòa và Công ty CP Muối Cam Ranh sản xuất trên diện tích 637ha, chiếm 61% trong tổng diện tích sản xuất muối toàn tỉnh năng suất đạt khá hơn, bình quân 100 tấn-120 tấn/ha/năm. Đây là hình thức sản xuất muối tập trung, kết tinh phân đoạn gồm 3 khu: Khu chế chạt, khu kết tinh thạch cao, khu kết tinh muối riêng biệt và thu được 3 sản phẩm là muối, thạch cao và nước ót. Với điều kiện sản xuất tập trung, áp dụng công nghệ kết tinh phân đoạn và cơ giới hóa một số khâu trong sản xuất nên năng xuất lao động cao, bình quân 150 tấn/lao động/năm, chất lượng muối đạt 95-97% NaCl. Nhờ ứng dụng phủ bạt che mưa ô kết tinh nhằm giảm thiểu sự ảnh hưởng của thời tiết, thực hiện kết tinh muối dài ngày nước chạt sâu, trải bạt ô kết tinh, đầu tư cơ giới hoá khâu thu hoạch và nhà máy chế biến nên nâng cao năng suất, chất lượng muối.
Hỗ trợ để phát triển ngành muối
Muối ở Khánh Hòa chủ yếu tiêu tại thị trường miền Bắc với 50% tổng sản lượng, thị trường Tây nguyên 20% và miền Nam 20%. Tuy nhiên, giá muối thường xuyên biến động, nhất là vào những năm được mùa nên đời sống diêm dân còn nhiều khó khăn.
Hoạt động chế biến muối ở Khánh Hòa cũng chưa có gì nhiều để nói. Cả tỉnh hiện chỉ có 4 đơn vị, gồm: Xí nghiệp chế biến muối Hòn Khói, Doanh nghiệp tư Nhân Định Tâm, Công ty CP tập đoàn muối Miền nam và Công ty TNHH Sơn Phát đang hoạt động chế biến muối tinh, muối trộn iốt với công suất 4.000 tấn/năm tại xã Ninh Diêm (TX Ninh Hòa). Tuy nhiên, hoạt động chế biến của các cơ sở sản xuất muối tập trung ở Khánh Hòa hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, có vốn hoạt động dưới 10 tỷ đồng, vốn chủ yếu là vay nên không đủ năng lực tài chính đầu tư liên kết với diêm dân để chủ động nguồn nguyên liệu chế biến muối tinh chất lượng cao.
Để phát triển sản xuất gắn với tiệu thụ, Khánh Hòa xác định cần phải đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và cung cấp cho ngành chế biến thực phẩm, y tế, công nghiệp hóa chất và hướng tới xuất khẩu các sản phẩm muối biển tự nhiên.
Do đó, trong thời gian tới, Khánh Hòa quyết tâm phát triển ngành muối theo hướng bền vững để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm nhằm hướng tới xuất khẩu. Theo đó, Khánh Hòa sẽ hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có hợp đồng liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết. Đồng thời, Khánh Hòa sẽ đầu tư nghiên cứu quy trình sản xuất muối theo hướng cơ giới hóa, đồng bộ các khâu từ cung cấp nước biển đến thu hoạch, vận chuyển, làm sạch và đánh đống bảo quản muối tại vùng sản xuất muối quy mô tập trung. Bên cạnh đó, Khánh Hòa sẽ hỗ trợ doanh nghiệp 80% kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, mua bản quyền công nghệ, mua công nghệ; hoặc mua kết quả nghiên cứu khoa học với điều kiện bản quyền, công nghệ doanh nghiệp mua phải phù hợp với định hướng phát triển của doanh nghiệp cùng nhiều hình thức hỗ trợ khác.
“Trong năm 2021, các HTX Diêm nghiệp, hộ diêm dân đang hoạt động sản xuất muối trên địa bàn sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay để đầu tư sản xuất muối kết tinh trên bạt. Định mức cho vay tối đa không quá 50 triệu đồng/ha. Hạn mức vay tối đa không quá 250 triệu đồng đối với cá nhân, không quá 500 triệu đồng đối với HTX. Thời hạn hỗ trợ lãi suất vốn vay tối đa 2 năm. Trường hợp có chính sách mới thay thế thì áp dụng chính sách mới”, ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.