| Hotline: 0983.970.780

Định hướng lại ngành muối, hạn chế nhập khẩu

Thứ Tư 14/04/2021 , 18:23 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, cần phải xây dựng mô hình sản xuất muối có hiệu quả, đặc biệt các mô hình từ bà con diêm dân.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam khảo sát tại cánh đồng muối của người dân xã Nhơn Hải. Ảnh: Mai Phương.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam khảo sát tại cánh đồng muối của người dân xã Nhơn Hải. Ảnh: Mai Phương.

Nhiều bất cập, yếu kém

Tiếp tục chuyến công tác tại Ninh Thuận, ngày 14/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cùng đoàn công tác đã khảo sát các vùng sản xuất muối ở địa phương này.

Đoàn công tác đã kiểm tra cánh đồng muối của người dân tại xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải. Đây là địa phương có diện tích muối của diêm dân lớn nhất tỉnh Ninh Thuận, với trên 300ha.

Con đường đất dẫn vào đồng muối xuống cấp đầy ổ trâu, ổ gà. Dọc đường là các ống nhựa chằng chịt dẫn nước muối vào ô ruộng. Những ô muối lớn, nhỏ chỗ cao chỗ thấp nham nhở.

Ông Trần Thanh, Giám đốc HTX muối Khánh Nhơn, cho biết: Hiện nay cánh đồng muối ở đây không có kênh dẫn nước từ ngoài biển vào, do vậy gần như toàn bộ nguồn nước làm muối được người dân khoan dưới lòng đất lấy từ nguồn nước ngầm. Do làm muối lâu đời, nước biển ngấm xuống lòng đất nên độ mặn rất cao.

Để khoan được chỗ nước có độ mặn cao thì người dân phải mua với giá 40 triệu/1m2, tức là vừa đủ khoan một cái giếng. Để khoan giếng sâu khoảng 30m chi phí hết khoảng 35 triệu đồng, ngoài ra phải đầu tư đường điện nên đội giá thành muối cao. Bên cạnh đó, do chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng, xe tải không thể vào vận chuyển muối mà phải thuê xe tải nhỏ trung chuyển, người dân lại mất thêm một khoản chi phí.

Do chưa có kênh dẫn nước từ biển vào nên người dân phải khoan giếng và dùng ống nhựa để đưa nước vào ruộng muối.

Do chưa có kênh dẫn nước từ biển vào nên người dân phải khoan giếng và dùng ống nhựa để đưa nước vào ruộng muối.

"Việc cánh đồng muối manh mún, diện tích muối của mỗi hộ dân cũng chỉ dăm ba sào nên mạnh ai nấy làm, dẫn đến chất lượng hạt muối không cao. Với giá muối như hiện nay (khoảng 450 - 500 đồng/kg) thì diêm dân không có lãi", ông Thanh cho hay.

Một vấn đề nữa đó là diện tích 50 ha sản xuất muối của HTX lại nằm rải rác, không liền khoảnh, mỗi nơi một ít nằm xen kẽ với ruộng muối của người dân nên việc xây dựng cánh đồng sản xuất lớn rất khó khăn.

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, hiện nay Ninh Thuận có 3.267 ha sản xuất muối, trong đó diện tích muối của diêm dân là 631 ha, còn lại là muối của các doanh nghiệp. Về thực trạng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất muối của diêm dân hiện nay rất yếu kém khiến năng suất, chất lượng muối không cao, đời sống diêm dân gặp nhiều khó khăn. Do đó, tỉnh mong muốn Bộ NN-PTNT đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất muối cho người dân.

Mỗi một m2 đất để khoan giếng lấy nước mặn người diêm dân phải mua với giá 40 triệu đồng.

Mỗi một m2 đất để khoan giếng lấy nước mặn người diêm dân phải mua với giá 40 triệu đồng.

Xây dựng cánh đồng sản xuất lớn

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, thực hiện đề án của Chính phủ về nâng cao giá trị hạt muối của Việt Nam, Bộ NN-PTNT đang tiến hành khảo sát tại các địa phương trên cả nước, trong đó có Ninh Thuận về thực trạng sản xuất muối nhằm nâng cao giá trị, sản lượng muối của nước ta.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, hiện nay sản lượng muối hàng năm của cả nước đạt khoảng 1,3 triệu tấn, nhu cầu muối hàng năm khoảng 1,8 triệu tấn, trong khi đó năng lực sản xuất muối của Việt Nam vẫn có nhiều dư địa.

Đặc biệt, ngoài hệ thống các doanh nghiệp sản xuất muối cung cấp cho các ngành công nghiệp thực phẩm, công nghiệp hóa chất thì sản lượng của diêm dân sản xuất cũng rất lớn, hàng năm thường tồn kho đến vài trăm ngàn tấn. Đây là vấn đề đặt ra làm sao để nâng được giá trị hạt muối nhất là muối của bà con diêm dân.

Các ô sản xuất muối của diêm dân Ninh Thuận nhỏ lẻ khiến chất lượng muối không cao.

Các ô sản xuất muối của diêm dân Ninh Thuận nhỏ lẻ khiến chất lượng muối không cao.

"Phải định hướng được ngành muối của Việt Nam đáp ứng được nhu cầu trước trong nước, hạn chế nhập khẩu. Từ thực tế này, chúng ta phải xây dựng mô hình sản xuất muối có hiệu quả, đặc biệt các mô hình từ bà con diêm dân”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Để sản xuất muối có hiệu quả thì bà con diêm dân không còn con đường nào khác phải tập trung vào HTX. Bên cạnh nhà máy của các doanh nghiệp thì hiện nay muối của diêm dân cũng rất nhiều. Tại đồng muối của HTX muối Khánh Nhơn còn tồn tại nhiều bất cập, nhất là sản xuất manh mún. Do vậy, vấn đặt ra là HTX phải quy hoạch lại đồng muối để giảm chi phí, nâng chất lượng, đảm bảo xây dựng chuỗi giá trị ngành muối ổn định.

Để nâng cao giá trị hạt muối thì diêm dân phải tham gia vào cánh đồng sản xuất lớn.

Để nâng cao giá trị hạt muối thì diêm dân phải tham gia vào cánh đồng sản xuất lớn.

HTX muối Khánh Nhơn nói riêng và tỉnh Ninh Thuận nói chung phải thống nhất về nhận thức sản xuất vùng nguyên liệu lớn, diêm dân phải tập trung đất đai, từ đó có sự hỗ trợ của Nhà nước về hạ tầng cơ bản và hỗ trợ về kỹ thuật, ứng dựng cơ giới hóa giảm bớt nhân công lao động, đồng thời hỗ trợ một số công nghệ trong vận chuyển nhằm giảm bớt chi phí.

Trong chuyến đi khảo sát lần này, Bộ NN-PTNT đã mời các chuyên gia về muối và các doanh nghiệp sản xuất muối để tiêu thụ muối cho người dân. Tuy nhiên, bà con diêm dân sản xuất muối phải đảm bảo yêu cầu chất lượng để các doanh nghiệp thu mua.

Để xây dựng mô hình sản xuất muối cho tỉnh Ninh Thuận, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị UBND huyện Ninh Hải cùng xã Nhơn Hải, HTX muối Khánh Nhơn nhanh chóng tổ chức họp các hộ dân có ruộng muối quanh HTX để mời họ vào HTX hoặc cùng góp đất nhằm xây dựng cánh đồng sản xuất lớn. Nếu địa phương thực hiện được thì Bộ NN-PTNT mới đầu tư mô hình.

Thứ trưởng cũng giao Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Vụ Kế hoạch phối hợp với Sở NN-PTNT xây dựng dự án và xây dựng mô hình sản xuất muối cho tỉnh Ninh Thuận, công việc này phải triển khai sớm để Bộ NN-PTNT trình Chính phủ đề án trong thời gian tới.

Hiện nay diêm dân có thu nhập thấp nhất trong các ngành nghề nông nghiệp. Tuy nhiên trên thị trường có nhiều doanh nghiệp chế biến muối bán với giá rất cao, lên đến hơn 100 ngàn đồng/kg. Do vậy, bài toán đặt ra là thúc đẩy bà con diêm dân chuyển hướng từ sản xuất muối nguyên liệu sang muối có giá trị cao. Đây là vấn đề Bộ NN-PTNT đang tập trung xây dựng một số mô hình để vừa làm thay đổi nhận thức, vừa tổ chức sản xuất lại cho ngành muối nhằm xây dựng vùng muối có chất lượng và nâng cao giá trị.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 80 năm Quân đội nhân dân Việt Nam

Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ 'Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại', thể hiện niềm kính yêu và biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Cứu kịp thời một ngư dân trôi dạt trên biển

Quảng Ngãi Trong lúc đang đánh bắt cá thì gặp sóng lớn khiến thuyền thúng bị lật, sau một thời gian trôi dạt trên biển, ngư dân gặp nạn đã được ứng cứu kịp thời.