Dân số thế giới đang giữ mức tăng đều đặn 1,05% hàng năm, tức mỗi năm bổ sung vào tổng dân số khoảng 81 triệu người. Điều này đặt ra thách thức về an ninh lương thực và bài toàn tăng năng suất nông nghiệp toàn cầu.
Sản xuất nông nghiệp truyền thống đang có bước chuyển mình mạnh mẽ theo xu hướng tái cấu và cách mạng hóa theo hướng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Trên khắp thế giới, các nước đều có cuộc chạy đua ở nhiều tầng mức để ứng dụng các phương pháp thông minh vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất trong khi vẫn đảm bảo yếu tố an toàn.
NNVN giới thiệu bài viết của ông Dhriti Satya, chuyên gia công nghệ sinh học và tạo giống, kiêm sáng lập tổ chức nông nghiệp AgriBioTechX, về các xu hướng trong sản xuất nông nghiệp toàn cầu năm 2021.
1. Nông nghiệp thông minh
Nông nghiệp thông minh là việc ứng dụng thành tự trí tuệ nhân tạo và phương tiện liên lạc, điều khiển hiện đại vào từng khâu sản xuất. Bằng thiết bị liên lạc, người nông dân có thể kết nối với các thiết bị lắp đặt trên đồng ruộng nhờ vào hệ thống cảm biến thu thập, phân tích dữ liệu.
Một khái niệm khác cũng được sử dụng cho cách thức này là ứng dụng Internet vạn vật (IoT). Toàn bộ chu trình thu thập và xử lý dữ liệu hoàn toàn tự động, đến người nông dân sẽ là phương án chờ quyết định cuối cùng, về sức khỏe cây trồng vật nuôi, về dịch bệnh, đất, nước hay dự báo xu thế thời tiết...
IoT là điểm khởi đầu, khi áp dụng đại trà sẽ tạo ra một cuộc cách mạng mới trong sản xuất nông nghiệp, tối ưu hóa cả một hệ thống sản xuất, đưa lại năng suất vượt trội so với canh tác truyền thống trong khi giảm thiểu nguy cơ bệnh dịch và nâng cao hàm lượng dinh dưỡng trong sản phẩm.
2. Khởi nghiệp nông nghiệp
Theo truyền thống, nông dân sinh hoạt trong các tổ chức nghề nghiệp như hội hay hợp tác xã và nói đến nông dân thì hay nghĩ đến những người nghèo khó, ít học. Nhưng giờ xu hướng đã mang đến bộ mặt khác khi ngành này đón nhận những công dân khởi nghiệp mới.
Trên cấp độ toàn cầu, thanh niên, các nhà đầu tư, những trí thức trẻ đang ngày càng tìm thấy cơ hội trong cuộc cách mạng nông nghiệp mới. Số lượng khởi nghiệp trong nông nghiệp ngày một tăng, và tăng nhanh.
Theo một báo cáo của tổ chức tư vấn tài chính Maple Capital Advisor, năm 2019, riêng tại Ấn Độ, vốn khởi nghiệp nông nghiệp đạt tới 244,59 triệu USD và được dự báo sẽ tăng tiếp trong năm 2021. Ngay cả khi đại dịch Covid-19 hoành hành, một doanh nghiệp khởi nghiệp như Bijak cũng huy động được 11,8 triệu USD cho kế hoạch sản xuất nông nghiệp. Nông nghiệp không còn là mảnh đất riêng của người nông dân là nhận định của nhiều chuyên gia.
Cũng nhờ làn sóng khởi nghiệp nông nghiệp, chất lượng nông sản có chuyển biến tích cực bởi năng lực đầu tư cũng như quản trị đã ở tầng mức cao hơn hẳn. Sản xuất nông nghiệp không còn phụ thuộc vào thời vụ mà có thể quanh năm, không phụ thuộc vào thời tiết mà rau trái nhiệt đới cũng có thể được sản xuất trên vùng sa mạc cát nóng như Trung Đông.
3. Hợp tác xã
Đây là mô hình gắn bó với sản xuất nông nghiệp và không hề xưa cũ. Với vai trò hoạt động như một doanh nghiệp, người nông dân thông qua tổ chức của mình sẽ có mối liên hệ với chính phủ - cơ quan hoạch định chính sách, ngân hàng - đầu mối vốn, hay liên kết dọc trong một nghiệp đoàn lớn hơn, nhằm tạo ra sự điều phối hiệu quả hơn trong sản xuất, tiêu thụ và kiểm soát chất lượng.
4. Sáng tạo trong nông nghiệp
Các phát minh mới trong nông nghiệp đang tạo ra cuộc cách mạng mới gọi là nông nghiệp công nghệ cao. Nó giữ vai trò quan trọng để nâng cao năng suất nhưng vẫn thân thiện với môi trường. Ngân hàng Thế giới đánh giá rằng, chỉ có công nghệ cao mới giúp các nước đang phát triển thoát khỏi cảnh nghèo đói.
Có thể kể ra một số xu hướng sẽ chi phối sản xuất nông nghiệp trong năm 2021 và nhiều năm tiếp theo: Ứng dụng hình ảnh siêu phổ và thuật toán để tính toán năng suất; thiết bị không người lái vừa cung cấp dữ liệu hình ảnh để phân tích các yếu tố môi trường, khí hậu, dịch bệnh... và tham gia cả với vai trò phương thức sản xuất; tích hợp kỹ thuật, phân tích dữ liệu, công nghệ sinh học nhằm nâng cao chất lượng dinh dưỡng đất, dinh dưỡng động vật; ứng dụng công nghệ “blockchain” nhằm có được giải pháp tổng thể “đầu - cuối” trong toàn bộ chuỗi cung ứng; ứng dụng công nghệ chỉnh sửa bộ gen tạo ra giống rau, hoa quả có năng suất cao hơn, dinh dưỡng cao hơn, kháng bệnh tốt hơn, chống ô xy hóa hiệu quả hơn.
5. Thích ứng biến đổi khí hậu
Khí hậu trái đất ấm lên đe dọa năng suất cây trồng, các ngành nghề chăn nuôi và thủy sản. Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc đề ra giải pháp nông nghiệp thông minh với khí hậu (CSA) để hóa giải các thách thức đe dọa an ninh lương thực.
CSA gồm việc không ngừng phát triển kỹ thuật, chính sách, đầu tư trong một gói tổng thể nhất quán. Các nhà lai tạo hạt giống đang tham gia vào việc tạo ra giống cây trồng thông minh, có khả năng thích ứng, chống chịu và phục hồi nếu điều kiện khí hậu thay đổi, và đó là mục tiêu của CSA.