Theo tờ Bild của Đức, chỉ có 25,2% người tị nạn từ Ukraine ở Đức hiện đang có việc làm, con số này thấp hơn nhiều so với 78% ở Đan Mạch và 66% ở Cộng hòa Séc. Trong khi đó, tỷ lệ người Ukraine có việc làm ở các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) khác cũng cao hơn rất nhiều, với 65% ở Ba Lan, 56% ở Thụy Điển và 50% ở Hà Lan.
Tờ Bild cũng chỉ ra rằng trên khắp EU, người tị nạn Ukraine nhanh chóng được tiếp nhận mà không phải trải qua các thủ tục xin tị nạn phức tạp, được tham gia vào các hệ thống y tế và xã hội, và được phép làm việc ngay lập tức. Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại có mức hỗ trợ tài chính khác nhau cho người tị nạn.
Ở Đức, một người trường thành độc thân hoặc cha mẹ đơn thân nhận được 563 euro/tháng, trong khi trẻ em được trợ cấp 357 - 471 euro tùy theo độ tuổi. Ngoài ra, nhà ở và các chi phí phát sinh được chính phủ Đức chi trả. Cộng hòa Séc chỉ phát 200 euro hỗ trợ khẩn cấp cho mỗi người tị nạn, trong khi miễn toàn bộ chi phí sinh hoạt trong ký túc xá trong một khoảng thời gian giới hạn. Tại Ba Lan, người tị nạn Ukraine được nhận khoản trợ cấp một lần là 66 euro và trợ cấp cho trẻ em 110 euro/tháng.
Chính phủ Đức đã và đang nỗ lực đẩy nhanh việc đưa hàng chục nghìn người tị nạn Ukraine vào thị trường lao động, kêu gọi các công ty nới lỏng yêu cầu về tiếng Đức và đào tạo thêm cho người tị nạn. Hồi năm 2023, Bộ trưởng Lao động Hubertus Heil tuyên bố khởi động sáng kiến "Việc làm Nhanh chóng" nhằm tìm việc làm cho hàng triệu người tị nạn, đặc biệt là người Ukraine.
Trong khi đó, theo tờ Der Spiegel, hầu hết những người tị nạn Ukraine ở Đức đăng ký các khóa hòa nhập do chính phủ tài trợ đã không hoàn thành khóa học. Tờ báo kêu gọi chính phủ Đức "nghiêm túc" cân nhắc vấn đề này khi chi phí cho mỗi khóa hòa nhập này không hề rẻ. Các khóa hòa nhập này được triển khai từ năm 2005 và hiện có ngân sách hàng năm lên đến 1 tỷ euro.