Hội nghị triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi các tỉnh phía Nam |
Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường và Thứ trưởng Phùng Đức Tiến.
Theo ông Bạch Đức Lữu, Phó Cục trưởng Cục Thú y, dịch tả lợn Châu Phi (ASF) đã xuất hiện tại các tỉnh phía Nam từ ngày 11/4, với một ổ dịch ở tỉnh Hậu Giang.
Đến nay, dịch bệnh đã xảy ra tại 29 xã của 16 huyện thuộc 8 tỉnh, gồm Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Vĩnh Long, Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang. Tổng số lợn mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy là 4.840 con, chiếm 0,08% tổng đàn lợn trong khu vực.
Ở Đồng Nai, dịch xảy ra từ ngày 17/4, đến nay đã xuất hiện tại 20 hộ thuộc 9 xã, 4 huyện (Trảng Bom, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu và Long Thành), với tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 2.181 con.
Tỉnh Bình Phước có ổ dịch đầu tiên vào ngày 25/4. Đến nay, dịch đã xuất hiện tại 16 hộ thuộc 9 xã/phường, 4 huyện/thành phố (huyện Đồng Phú, TP Đồng Xoài, Thị xã Phước Long, huyện Phú Riềng), tổng số lợn mặc bệnh và tiêu hủy là 377 con.
Dịch xảy ra ở Bình Dương từ ngày 19/5. Đến nay, dịch đã xuất hiện tại 5 hộ thuộc xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, với tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 1.096 con.
Ở Hậu Giang, đến nay, dịch đã xuất hiện tại 12 hộ thuộc 5 xã, 3 huyện/thị xã (huyện Vị Thủy, huyện Châu Thành, Thị xã Ngã Bảy), với tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 816 con.
Tỉnh Vĩnh Long có dịch từ 11/5. Đến nay, dịch đã xuất hiện tại 3 hộ thuộc 2 phường (phường 8, phường 5, TP Vĩnh Long), với tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 123 con.
An Giang có dịch từ ngày 12/5. Đến nay, dịch đã xuất hiện tại 1 hộ thuộc phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên, với tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 27 con.
Đồng Tháp có dịch từ 16/5. Đến nay, dịch đã xuất hiện tại 1 hộ thuộc xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, với tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 187 con.
Dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại Đồng Tháp. Ảnh: LHV |
Kiên Giang có dịch từ 18/5. Đến nay, dịch đã xuất hiện tại 1 hộ thuộc xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp, với tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 33 con.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng các tỉnh phía Nam là khu vực đặc biệt nhạy cảm với ASF, bởi Đông Nam Bộ là nơi có đàn lợn lớn nhất cả nước, TP HCM với 12-14 triệu dân là thị trường tiêu thụ quan trọng nhất. Đặc biệt, khi dịch bệnh xảy ra ở các tỉnh ĐBSCL, không chỉ sẽ gây tổn thất về kinh tế mà còn là mối lo lớn về môi trường bởi địa hình ở đây thấp trũng, thường xuyên ngập úng, chăn nuôi chủ yếu là quy mô nhỏ lẻ.
Vì vậy, với tình hình dịch bệnh đã xuất hiện ở 8 tỉnh phía Nam, các tỉnh, TP trong khu vực cần tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị, mọi thành phần kinh tế… cùng nỗ lực phòng chống dịch bệnh cao hơn nữa nhằm giảm thiểu thiệt hại tới mức thấp nhất, hạn chế lây lan ở mức cao nhất và chuẩn bị mọi điều kiện để tái đàn sau khi hết dịch.