Nhiều khách hàng đã tìm đến các vườn địa lan để xem và đặt mua từ trước Tết cả tháng. Ảnh: Quốc Dũng.
Ông Đoàn Văn Quỳnh, chủ vườn hoa lan Anh Quỳnh cho biết, năm trước hầu hết hoa lan đều bị nở sớm nên phải cắt cành trước Tết với giá không cao, dẫn đến khan hiếm đẩy giá lan chậu tăng mạnh. Năm nay hoa địa lan sẽ nở đúng Tết nên nguồn cung dồi dào hơn, hiện đã có nhiều thương lái và khách có nhu cầu mua biếu, tặng tìm đến vườn đặt cọc và chốt giá chờ sát Tết mới lấy hàng.
Theo ông Quỳnh, xu hướng thị trường năm nay có sự đổi khác, vườn lan lớn như của ông từ trước tới nay chưa có dịch vụ bán hàng online, nhưng năm nay khách hàng ở các tỉnh, thành khác chủ động tìm số điện thoại để giao dịch. Họ yêu cầu ông chụp hình hoa gửi qua email và đưa giá cụ thể cho từng loại, sau đó đặt hàng, chuyển tiền vào tài khoản và chủ vườn phải gửi hàng đúng thời điểm theo yêu cầu.
Năm nay thị trường ưa chuộng 5-7 loại địa lan, đều là những giống mới như: chân vàng, vàng FX, xanh 207, cam lửa, vàng New Zealand… Đứng đầu về giá là vàng New Zealand 800.000 đồng một cành, trong khi Tết năm trước loại này có giá 1,2 triệu. Còn các loại khác như cam lửa có giá 400.000 đồng, xanh 207 giá 600.000 đồng… Tuỳ lựa chọn của khách hàng, giá tiền một chậu được tính dựa trên số lượng cành và các chủ vườn đều sẵn sàng ghép chậu nhiều hay ít cành theo yêu cầu của khách.
Theo các nhà vườn, nếu như 3-4 năm trước các giống lan như: ba râu, tím hột... được thị trường ưa chuộng thì năm nay bị xem là đã lỗi thời.
Thông thường từ giữa tháng Chạp, các thương lái bắt đầu vận chuyển hoa lan từ Đà Lạt về các thành phố lớn. Giá cả sẽ tuỳ thuộc từng năm, nhưng phần lớn chủ vườn đã thống nhất giá xong với thương lái ngay thời điểm đầu của thị trường Tết.