| Hotline: 0983.970.780

850 tỷ đồng cho Chương trình OCOP

Thứ Sáu 30/06/2017 , 14:10 (GMT+7)

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành Quyết định số 2366/QĐ-UBND phê duyệt Đề án chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm tỉnh Quảng Ninh - OCOP” giai đoạn 2017 - 2020.

Theo đó, tổng kinh phí thực hiện Đề án là trên 850 tỷ đồng, trong đó huy động từ cộng đồng là 76%.

12-35-12_ocop_qn
Sản phẩm OCOP Quảng Ninh ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng

Theo đó, trong giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu hoàn thiện hệ thống tổ chức OCOP theo hướng thành lập bộ máy chuyên trách OCOP từ tỉnh đến cấp huyện; tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước trong hệ thống OCOP và lãnh đạo các DN, HTX tham gia chương trình...

Mục tiêu của Đề án là hằng năm mỗi huyện, TX, TP có ít nhất từ 1 đến 2 ý tưởng sản phẩm được hỗ trợ thực hiện theo chương trình OCOP đã ban hành; phát triển ổn định ít nhất 80 tổ chức kinh tế, 250 sản phẩm OCOP; phấn đấu có 6/12 sản phẩm cấp tỉnh đủ điều kiện tham gia vào chuỗi sản phẩm quốc gia.

Cụ thể, trong năm 2017 tập trung rà soát, xác định các sản phẩm chủ lực, từ đó mở rộng quy mô SX đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường và đảm bảo chất lượng cũng như định hướng hỗ trợ phát triển thành sản phẩm chuyên nghiệp. Từ năm 2018 tập trung khảo sát thực trạng, lập kế hoạch và triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Năm 2019 khảo sát thực trạng, lập kế hoạch và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại sâu rộng.

Đến năm 2020 sẽ tập trung hoàn thành việc xây dựng 5 sản phẩm có lợi thế của tỉnh được SX theo chuỗi giá trị; đồng thời nâng cấp sản phẩm, chuỗi giá trị các sản phẩm chuyên nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu chất lượng của thị trường trong nước, đáp ứng tiêu chí thương hiệu quốc gia...

Từ thành công của chương trình, Bộ NN-PTNT đã có chủ trương nhân rộng mô hình của Quảng Ninh ra phạm vi toàn quốc. Và hiện tại nhiều địa phương cũng đã áp dụng mô hình này với các tên gọi khác nhau. Có thể nói đó là một thành công của tỉnh trong phát triển nông nghiệp, nông thôn...

Theo nội dung Đề án, có thể thấy nhiệm vụ, lộ trình các bước thực hiện chương trình OCOP của tỉnh theo từng năm trong giai đoạn 2017-2020 đã khá rõ ràng, cụ thể.

Điểm rõ nét là người dân luôn là chủ thể của chương trình, thể hiện ở nguồn kinh phí thực hiện huy động từ cộng đồng là cơ bản (khoảng 76%), phần ngân sách nhà nước hỗ trợ chỉ là thứ yếu (khoảng 24%). Và điều quan trọng là các sản phẩm OCOP của tỉnh trong giai đoạn này phải đáp ứng được yêu cầu về chất lượng của thị trường trong nước và các tiêu chí của thương hiệu quốc gia...

Chương trình OCOP được Quảng Ninh triển khai từ năm 2014, với mục tiêu nâng cao thu nhập, giải quyết công ăn, việc làm cho cư dân nông thôn và giảm nghèo bền vững thông qua việc phát triển SXKD các sản phẩm truyền thống, có lợi thế của từng địa phương, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông thôn của tỉnh theo hướng phát triển nông thôn nội sinh và gia tăng giá trị hàng hoá.

Đây là cách làm mới, sáng tạo của Quảng Ninh và thực tế đã chứng minh chương trình mang lại hiệu quả rõ nét, số lượng sản phẩm đăng ký tăng mạnh, lên tới hàng trăm, chất lượng sản phẩm được nhân dân, người tiêu dùng và du khách đánh giá cao. Điều này được khẳng định thông qua các hội chợ OCOP được tổ chức nhiều lần trong những năm vừa qua. Nhiều sản phẩm có sức tiêu thụ mạnh, cung không đủ cầu...

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Người dân tự nguyện bàn giao mặt bằng thực hiện dự án đường cao tốc Bắc-Nam

Quảng Bình Người dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã tự nguyện bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025