| Hotline: 0983.970.780

Đừng vội vàng bán cá tra

Thứ Năm 17/05/2012 , 10:35 (GMT+7)

Vào thời điểm này, nông dân cần bình tĩnh, chủ động “găm” cá lại cho lớn thêm và giá tăng trên 25.000 đồng/kg mới nên bán.

Nông dân nên “găm” cá để đẩy giá lên 25.000-26.000 đ/kg

Giá cá tra giảm mạnh trong hơn 1 tháng qua, được coi là một hiện tượng lạ vì sản lượng cá hiện nay vẫn đang thiếu hụt so với nhu cầu chế biến, XK. Làm sao để kéo giá cá tra lên đúng với giá trị thực và quy luật cung – cầu?

Theo VASEP, thông tin tổng hợp từ Chi cục Thủy sản của 5 tỉnh, TP ở ĐBSCL là Đồng Tháp, Cần Thơ, Bến Tre, Vĩnh Long và An Giang, cho thấy, sản lượng cá tra quý 1/2012 ở 5 địa phương này có mức tăng bình quân 33,7% so cùng kỳ 2011 (Đồng Tháp đạt 72.515 tấn, Cần Thơ 18.250 tấn, Bến Tre 37.100 tấn, Vĩnh Long 37.729 tấn, An Giang 81.741 tấn). Qua đó, góp phần đưa sản lượng cá tra nguyên liệu 3 tháng đầu năm nay ở ĐBSCL đạt 300.000 tấn.

Tuy nhiên, trong quý 1 năm nay, chỉ có 128.000 tấn cá tra đã được các DN thu mua từ những hộ nuôi độc lập. Nguyên nhân trước hết là do nhiều DN đã chủ động tổ chức hoặc liên kết với nông dân để nuôi cá tra nguyên liệu. Ở Bến Tre, có tới 90% diện tích nuôi cá tra là của DN, Đồng Tháp là 61,9%, Vĩnh Long 46,5%, Cần Thơ 23% ... Vì thế, trong thời buổi quá khó khăn về vốn lưu động do bị ngân hàng thắt chặt tín dụng, các DN đã phát triển vùng nuôi đang dành ưu tiên cho việc bắt cá nhà hơn là mua cá trong dân. Chỉ những DN chưa có khả năng đầu tư vùng nguyên liệu mới phải đi mua cá ngoài. Số lượng DN này cũng không nhỏ. Mặt khác, theo nhận định của nhiều DN, sản lượng cá tra trên thực tế ở ĐBSCL trong quý 1 năm nay thấp hơn so với báo cáo của các tỉnh. Bằng chứng là giá cá tra giống giảm mạnh do nhiều hộ nuôi cá tra tiếp tục bỏ nghề vì không có vốn đầu tư. Bởi vậy, lượng cá còn lại trong dân vẫn thiếu hụt khá nhiều so với nhu cầu thu mua chế biến, XK của cả những DN đã hay chưa đầu tư vùng nguyên liệu.

Vậy, giá cá giảm mạnh, do đâu? Trước hết là do nhiều DN không vay được vốn ngân hàng nên không có tiền mua cá. Nhưng nguyên nhân quan trọng hơn cả là tâm lý của người nuôi cá trước vụ nợ nần của Cty Bình An và thông tin một số DN bị phá sản. Vừa lo sợ không có người mua cá, vừa sợ bán chịu cho DN thì có nguy cơ không lấy được tiền, nên nhiều hộ nuôi cá đã sẵn sàng giảm giá bán từ 300-500 đ/kg so với giá thị trường, bán cá với giá rẻ, thấp hơn cả giá thành, nhưng yêu cầu DN trả tiền ngay. Ông Nguyễn Văn Đạo, TGĐ Cty CP Gò Đàng (Tiền Giang), nhận định rằng, cú giảm giá do yếu tố tâm lý này đang gây hại không chỉ cho người nuôi cá mà còn ảnh hưởng xấu tới DN chế biến XK, thậm chí tới cả nhà NK và phân phối nước ngoài. Bằng chứng là dù nhu cầu mua cá tra ở EU, Mỹ cũng như các thị trường khác đang rất lớn, nhưng đơn đặt hàng lại khá dè dặt. Ông Đạo tiết lộ, thấy giá cá tra nguyên liệu ở Việt Nam giảm liên tục, nhà NK nước ngoài đâm ngán vì họ sợ vừa ký hợp đồng xong, giá lại xuống nữa, thành ra hợp đồng đó, họ bị hớ giá. Thông tin từ VASEP cũng cho thấy rõ điều này khi hợp đồng đặt mua cá tra từ EU hiện đang giảm tới 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những ngày gần đây, giá cá tra đã bắt đầu tăng trở lại. Thông tin từ các DN cho thấy, giá cá đã lên mức 24.000 đ/kg, mức giá giúp cho nông dân có được lãi nhẹ, vì giá thành sản xuất đầu năm nay ở mức bình quân 23.000 đ/kg. Theo phản ánh của một số DN, nguyên nhân là do tại Hội chợ Thủy sản lớn vừa tổ chức tại Bỉ hồi cuối tháng 4 vừa rồi, nhiều nhà NK ở EU, Mỹ, Brazil ..., vốn đang có nhu cầu NK nhiều cá tra nhưng lại biết rằng sản lượng cá tra ở Việt Nam đang rất thấp nên sẵn sàng trả thêm giá để mua.

Vì thế, theo khuyến cáo của các DN, giá cá lên như vậy vẫn chưa thể mừng vội mà cần phải tăng thêm nữa. Ông Nguyễn Văn Đạo khẳng định “Giá cá cần phải được đẩy lên mức 25.000-26.000 đ/kg. Mức đó không chỉ giúp nông dân có lãi nhiều hơn, mà quan trọng là tạo đà để cho cả ngành cá tra bật dậy. Bởi khi giá nguyên liệu tăng cao thì DN cũng có cớ để đàm phán với nhà NK nhằm đưa giá XK lên thêm nữa, chứ không thể cứ nằm ở mức 2,9-3 USD/kg XK sang EU như hiện nay. Chính các nhà NK và phân phối ở EU cũng muốn giá cá tăng lên rồi giữ ở mức ổn định để họ có thể yên tâm đặt mua các đơn hàng với khối lượng lớn”.

Theo VASEP, các thị trường NK cá tra VN hiện đang có nhu cầu về nhiều kích cỡ cá tra, nhất là loại lớn trên 1 kg. Nhưng mấy tháng đầu năm nay, phần lớn nông dân đã thu hoạch và bán cá dưới 1 kg, nên cá lớn giờ không còn nhiều. Vì thế, vào thời điểm này, nông dân cần bình tĩnh, chủ động “găm” cá lại cho lớn thêm và giá tăng trên 25.000 đồng/kg mới nên bán.

Tuy nhiên, trước thông tin giá bã đậu nành (chiếm phân nửa trong nguyên liệu làm thức ăn cá tra) vừa tăng thêm 10%, khiến cho giá thức ăn cá tra tăng 10-15%, trong khi ngân hàng vẫn thắt chặt tín dụng với người nuôi cá, và cái trần lãi vay 15% vẫn quá cao, chẳng biết có bao nhiêu hộ hiện đang còn cá, sẽ đủ sức găm cá lại chờ đến lúc giá lên 25.000-26.000 đ/kg?

Xem thêm
Tiêu thụ điện lập kỷ lục mới trong những ngày đầu nghỉ lễ

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng tiêu thụ điện ngày cả nước và công suất cực đại hệ thống điện đã đạt kỷ lục mới.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.

Bình luận mới nhất