| Hotline: 0983.970.780

Kịch bản khó vụ đông 2011

Thứ Ba 20/09/2011 , 09:31 (GMT+7)

Ít năm nào, việc xử lí thời vụ cho SX vụ đông ở miền Bắc lại gặp khó khăn như năm nay, bởi việc thu hoạch lúa mùa 2011 sẽ bị muộn khoảng 10 ngày.

Ít năm nào, việc xử lí thời vụ cho SX vụ đông ở miền Bắc lại gặp khó khăn như năm nay, bởi việc thu hoạch lúa mùa 2011 sẽ bị muộn so với mọi năm khoảng 10 ngày. Vậy Cục Trồng trọt cũng như các địa phương hiện đã có kịch bản nào cho vụ đông năm nay? 

>> Dốc sức cho vụ đông

Chuyển từ cây ưa ấm sang ưa lạnh 

Rét đậm kéo dài, kéo theo việc thu hoạch lúa ĐX năm 2010-2011 bị chậm so với mọi năm đã tác động dây chuyền sang tận vụ mùa năm 2011. Dự báo được tình hình này, ngay từ đầu tháng 7/2011, Bộ NN-PTNT cũng đã có hội nghị nhằm sẵn sàng chuẩn bị sớm cho kế hoạch SX vụ đông năm 2011.  

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng đánh giá, vụ đông năm 2011 có vị trí và vai trò hết sức quan trọng trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội theo tinh thần của Nghị quyết 11/NQ-CP, đặc biệt là việc hạ nhiệt các mặt hàng thực phẩm vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ nặng nề này của ngành nông nghiệp sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Theo dự báo mới nhất của Cục Trồng trọt, căn cứ vào tình hình phát triển và trỗ đòng của lúa vụ mùa 2011, thì khả năng việc thu hoạch trà lúa mùa sớm năm 2011 sẽ bị muộn hơn trung bình nhiều năm khoảng 10 ngày, đặc biệt nhiều địa phương ở ĐBSH và Trung du MNPB, thời gian thu hoạch lúa mùa sẽ còn muộn hơn. Trước tình hình này, Cục Trồng trọt chủ trương điều chỉnh cơ cấu cây trồng vụ đông 2011 theo hướng giảm diện tích cây vụ đông ưa ấm, nâng tỉ lệ diện tích cây ưa lạnh như khoai tây, các giống rau ngắn ngày… lên mức trên 50% tổng diện tích. 

 Tuy nhiên, tinh thần chung thì Cục vẫn đặt mục tiêu duy trì tổng diện tích vụ đông năm 2011 ở mức khoảng 520 nghìn hecta, đặc biệt các loại cây ưa ấm cố gắng không giảm diện tích so với vụ đông năm 2010. Cụ thể, các loại cây vụ đông ưa ấm chủ lực như ngô, kế hoạch tăng từ 149 nghìn hecta lên 157 nghìn hecta; đậu tương tăng từ 83 nghìn hecta lên 85 nghìn hecta; khoai lang tăng từ 52 nghìn hecta lên 68 nghìn hecta.  

Nhóm cây vụ đông ưa lạnh chủ lực sẽ khuyến khích tăng mạnh, cụ thể như rau đậu sẽ tăng từ 152 nghìn hecta lên 175 nghìn hecta, đặc biệt là khoai tây sẽ tăng mạnh nhất, từ 17 nghìn hecta lên tới 25 nghìn hecta… 

Kịch bản khó hoàn thành 

Kịch bản trên của Cục Trồng trọt đặt ra trong điều kiện, diện tích lúa vụ mùa 2011 trỗ trước ngày 10/9 và thu hoạch trong khoảng từ 20/9 đến 10/10 phải đạt được trên 350 nghìn hecta, như vậy thì mới kỳ vọng gieo trồng xong diện tích cây vụ đông ưa ấm đúng thời vụ trước ngày 5/10/2011 với kế hoạch dự kiến khoảng 230 nghìn hecta – bằng 50% tổng diện tích cây vụ đông toàn miền Bắc.  

Như vậy, đối với các diện tích lúa trỗ sau ngày 10/9/2011, thì xem như không thể kịp thu hoạch để trồng các cây vụ đông ưa ấm như đậu tương và ngô (thu hoạch hạt khô). Diện tích nào trỗ sau thời điểm này thì bắt buộc phải chuyển sang trồng các loại cây vụ đông ngắn ngày ưa lạnh như ngô (thu hoạch bắp tươi), các loại rau đậu và đặc biệt là khoai tây. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình phát triển của lúa vụ mùa thì kế hoạch này của Cục Trồng trọt có thể sẽ vấp phải rất nhiều khó khăn.

Tại tỉnh lúa và cũng là vựa cây vụ đông lớn nhất nhì miền Bắc là Thái Bình, tính đến ngày 10/9, Sở NN-PTNT tỉnh này cho biết mới chỉ có khoảng hơn 18 nghìn hecta (trên tổng số hơn 83 nghìn hecta) lúa vụ mùa trổ đòng. Diện tích lúa trổ đòng trước ngày 10/9 của tỉnh Thái Bình mới chỉ đạt khoảng 50% so với diện tích lúa trổ đòng cùng thời điểm năm 2010. Đến ngày 18/9, ước tính cũng mới chỉ có khoảng 80% tổng diện tích lúa mùa trỗ đòng, và sẽ có khoảng trên 5.000 hecta sẽ trỗ đòng sau ngày 25/9.  

Kế hoạch vụ đông của Thái Bình 

Cây đậu tương sẽ giảm mạnh nhất, từ 12 nghìn hecta năm 2010 xuống còn 6 nghìn hecta. Bù lại, diện tích khoai tây sẽ được tăng mạnh từ khoảng 3.000 hecta năm 2010 lên trên 4.000 hecta, các loại rau đậu ưa lạnh cũng sẽ tăng thêm so với năm 2010 khoảng từ 4.000 đến 5.000 hecta.

Dự báo, với ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh sớm sắp tràn về miền Bắc, thời gian lúa mùa chín có thể sẽ bị ảnh hưởng và kéo dài thêm. Điều này sẽ làm cho áp lực thời vụ của vụ đông sắp tới càng thêm khốn đốn. Trong khi đó, Sở NN-PTNT Thái Bình cho biết, hiện cũng đã có kế hoạch điều chỉnh cơ cấu vụ đông theo hướng mà Cục Trồng trọt khuyến cáo, đó là cố gắng giữ hoặc tăng tổng diện tích cây vụ đông, nhưng tăng cơ cấu cây ưa lạnh, và giảm cây ưa ấm.  

Xung quanh việc điều chỉnh cơ cấu này, một cán bộ của Sở NN-PTNT Thái Bình nhận định rằng: Việc TƯ và tỉnh ra chủ trương kế hoạch là một chuyện, nhưng thực tế có khi lại là chuyện khác. Việc các địa phương đồng loạt điều chỉnh cơ cấu vụ đông theo hướng tăng cây ưa lạnh, bên cạnh việc sẽ tạo sức ép về giống (mà đặc biệt là sẽ sốt giá khoai tây và các giống rau) và ứ đọng tiêu thụ, thì việc hoàn thành kế hoạch về diện tích như năm 2010 cũng sẽ khó mà đạt được. Đặc biệt là với diện tích cây ưa ấm, với tình hình lúa trỗ muộn như hiện nay, thì ngay cả việc tỉnh Thái Bình có giảm diện tích chỉ còn ½ so với năm ngoái cũng sẽ khó mà hoàn thành.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Phân biệt rõ giữa thương lái và 'cò lúa'

CẦN THƠ Doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, nông dân bán lúa cho thương lái để lấy tiền mặt. Vì vậy, cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.