| Hotline: 0983.970.780

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Thứ Sáu 03/05/2024 , 07:07 (GMT+7)

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Em Nguyễn Uyên Phương và bức tranh đạt giải Nhất Cuộc thi vẽ tranh cổ động 'Phòng, chống bệnh dại dưới góc nhìn của học sinh'. Ảnh: Sơn Trang.

Em Nguyễn Uyên Phương và bức tranh đạt giải Nhất Cuộc thi vẽ tranh cổ động “Phòng, chống bệnh dại dưới góc nhìn của học sinh”. Ảnh: Sơn Trang.

Học sinh vẽ tranh tuyên truyền phòng, chống bệnh dại

Trong khuôn khổ Chương trình “Tiêm phòng dại vì cộng đồng”, từ ngày 15/3/2024 đến ngày 19/4/2024, Sở NN-PTNT Long An cùng các đối tác, đã tổ chức Cuộc thi vẽ tranh cổ động “Phòng chống bệnh dại dưới góc nhìn của học sinh”.

Cuộc thi được triển khai tại 2 trường học ở huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Đó là Trường THCS Mỹ Thạnh Tây (xã Mỹ Thạnh Tây) và Trường THCS-THPT Mỹ Quý (xã Mỹ Quý Tây).

Là một trong những học sinh có tranh dự thi, em Nguyễn Uyên Phương, học sinh lớp 9, Trường THCS Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ chia sẻ, em được thầy, cô giới thiệu và cho xem các tài liệu về cuộc thi này. Nhận thấy cuộc thi rất có ý nghĩa, Uyên Phương đã lập tức tham gia.

Ở nơi gia đình Uyên Phương sinh sống, trong thời gian qua có nhiều người bị chó cắn nhưng lại không đi tiêm phòng, vì nghĩ đơn giản rằng bị chó cắn chắc không sao. Trước sự chủ quan với bệnh dại của người dân trong vùng, khi tham gia cuộc thi, Uyên Phương xác định sẽ vẽ một bức tranh với mục đích tuyên truyền giúp cho mọi người tăng sự hiểu biết về bệnh dại và có ý thức chủ động phòng chống bệnh dại để bảo vệ cho chính bản thân mình.

Để vẽ được bức tranh tuyên truyền thật ý nghĩa, Uyên Phương đã bỏ thời gian tìm hiểu những vấn đề cơ bản về bệnh dại như thế nào là bệnh dại, những cách để phòng chống bệnh dại và khi bị chó cắn thì phải xử lý như thế nào.

Với những kiến thức có được, em đã vẽ nên một bức tranh cổ động rất có ý nghĩa, thể hiện được các nội dung cơ bản về phòng chống bệnh dại trong cộng đồng như phải tiêm phòng dại cho chó, mèo, không thả rông chó, mèo, đến cơ sở y tế để xử lý ngay sau khi bị chó, mèo cắn…

Uyên Phương là một trong nhiều học sinh ở Đức Huệ đã tích cực tham gia cuộc thi. Thầy Lê Minh Châu, Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Mỹ Quý cho biết, sau khi Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đến trường thông tin về Cuộc thi vẽ tranh cổ động “Phòng chống bệnh dại dưới góc nhìn của học sinh”, Trường đã thông báo về cuộc thi tới tất cả các lớp thông qua giáo viên chủ nhiệm và những buổi sinh hoạt Đoàn.

Sau khi Trường THCS - THPT Mỹ Quý hông báo và phát động cuộc thi, các em học sinh đã tham gia rất sôi nổi. Trường đưa ra mục tiêu mỗi lớp có 1 bức tranh dự thi, nhưng có lớp gửi tới 2-3 bức. Nhiều em học sinh rủ nhau lập nhóm để cùng vẽ tranh tham gia dự thi.

Khi nhận tranh dự thi của học sinh, Ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức chấm để chọn ra những tác phẩm đạt yêu cầu rồi mới gửi cho Ban tổ chức.

Trao giải cho các học sinh đạt giải Cuôc thi vẽ tranh cổ động 'Phòng chống bệnh dại dưới góc nhìn của học sinh'. Ảnh: Sơn Trang.

Trao giải cho các học sinh đạt giải Cuôc thi vẽ tranh cổ động “Phòng chống bệnh dại dưới góc nhìn của học sinh”. Ảnh: Sơn Trang.

Với sự hưởng ứng nhiệt tình của Ban giám hiệu, đội ngũ giáo viên và các em học sinh Trường THCS Mỹ Thạnh Tây và Trường THCS - THPT Mỹ Quý, cuộc thi đã thu hút được khá nhiều tác phẩm dự thi. Tổng cộng, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 73 tác phẩm dự thi từ Trường THCS Mỹ Thạnh Tây và Trường THCS - THPT Mỹ Quý. Trong đó, 30 tác phẩm đã vượt qua vòng 1. Sau vòng chấm thứ 2, có 15 tác phẩm lọt vào chung khảo.

Kết quả, Ban tổ chức đã chọn ra 6 tác phẩm xuất sắc nhất để trao các giải Nhất, Nhì và Ba. Trong đó, bức tranh của em Nguyễn Uyên Phương được trao giải Nhất. Một giải Nhất khác được trao cho nhóm các em học sinh lớp 8A2, Trường THCS - THPT Mỹ Quý.

Đánh giá về cuộc thi, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: “Khi nhận các bức tranh dự thi của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động. Chúng tôi không hình dung được là các em có thể vẽ ra những bức tranh tuyên truyền, cổ động phòng chống bệnh dại tốt như vậy. Chúng tôi ước rằng nếu vận động được nhiều kinh phí xã hội hóa hơn sẽ trao nhiều giải thưởng hơn cho các em học sinh chứ không chỉ dừng lại ở 6 giải chính thức”.

Còn theo thầy Lê Minh Châu, cuộc thi đã góp phần nâng cao nhận thức của các em học sinh về bệnh dại. Nhờ vậy, khi các anh chị sinh viên Trường Đại học Nông lâm TP.HCM tới khảo sát về nhận thức đối với bệnh dại trong học sinh, các em học sinh của Trường THCS - THPT Mỹ Quý đã mạnh dạn tham gia và cho thấy có những hiểu biết nhất định về mối nguy hiểm của bệnh dại và tầm quan trọng của tiêm phòng dại.

Quan trọng hơn, từ nhận thức của mình, khi trở về nhà, các em đã tuyên truyền cho phụ huynh biết về mối nguy hiểm của bệnh dại, để mọi người có ý thức hơn trong tiêm phòng dại chó, mèo và xử lý kịp thời sau khi bị chó cắn.

Một số tác phẩm đạt giải cao tại Cuộc thi vẽ tranh cổ động 'Phòng, chống bệnh dại dưới góc nhìn của học sinh'. Ảnh: Sơn Trang.

Một số tác phẩm đạt giải cao tại Cuộc thi vẽ tranh cổ động “Phòng, chống bệnh dại dưới góc nhìn của học sinh”. Ảnh: Sơn Trang.

Phối hợp tuyên truyền trong trường học

Tại TP. HCM, để duy trì vùng an toàn bệnh dại và nâng cao sự hiểu biết, nhận thức trong cộng đồng về phòng chống bệnh dại, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp thành phố cũng đã phối hợp với ngành giáo dục triển khai truyền thông về phòng chống bệnh dại trong các trường học trên địa bàn.

Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở NN-PTNT và Sở Y tế phối hợp xây dựng dự thảo Kế hoạch truyền thông học đường trong công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2023-2030.

Trong Kế hoạch, có một nội dung quan trọng là chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng và ngành y tế địa phương phối hợp cùng cơ sở giáo dục, ngành thú y trên địa bàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh dại trong các cơ sở giáo dục.

Cung cấp tài liệu truyền thông về cách nhận biết người và động vật mắc bệnh dại, nghi mắc bệnh dại. Biện pháp xử lý, phòng, chống bệnh dại ở người, động vật và cách xử lý khi người bị chó, mèo cắn. Chủ trương, chính sách và quy định về quản lý nuôi chó, mèo; tiêm vacxin dại cho chó, mèo và các biện pháp xử lý các trường hợp vi phạm.

Trên tinh thần đó, từ đầu năm 2024 đến nay, truyền thông về bệnh dại trong học đường tiếp tục được các bên liên quan quan tâm thực hiện trên địa bàn TP.HCM. Mới đây, trong những ngày đầu tháng 4/2024, tại huyện Củ Chi, Trạm Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với Phòng Giáo dục, Phòng Kinh tế, Trường THPT Phú Hòa, THPT An Nhơn Tây và Trường THCS Phú Hòa Đông, tổ chức tuyên truyền về phòng, chống bệnh dại chó, mèo cho các em học sinh trung học phổ thông, trung học cơ sở.

Tại buổi tuyên truyền, các cán bộ thú y, giáo dục  đã cung cấp thêm kiến thức về phòng, chống bệnh dại cho các em học sinh huyện Củ Chi. Từ sự hiểu biết về bệnh dại, khi trở về nhà, các em sẽ tuyên truyền sâu rộng trong gia đình, cộng đồng dân cư về tính chất nguy hiểm, các dấu hiệu nhận biết và các biện pháp phòng chống bệnh dại. Qua đó, góp phần nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó, mèo và ý thức của người dân trong công tác phòng, chống bệnh dại, cũng như góp phần hạn chế tình trạng thả rông chó mèo trong khu dân cư và nơi công cộng trên địa bàn huyện Củ Chi.

Xem thêm
Nuôi ngựa bạch dưới tán rừng

Chăn nuôi ngựa bạch theo hướng hàng hóa dưới tán rừng mang lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho lao động tại địa phương, nâng cao đời sống người dân.

Vào mùa mưa, cây giống hút hàng, giá tăng 20 - 30%

BẾN TRE Đầu mùa mưa, do nhu cầu mua cây giống của nông dân tăng khá cao nên giá mặt hàng này cũng tăng từ 20 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nghiên cứu hệ thống đo phát thải CO2 và CH4 từ cây lúa

CẦN THƠ EcoTraceTech - Hệ thống đo phát thải CO2, CH4 từ cây lúa là ý tưởng khởi nghiệp của nhóm sinh viên Đại học Cần Thơ.