Tỷ lệ tiêm phòng cao vẫn xuất hiện ổ dại
Ở nhà vẫn bị cho dại cắn là chuyện xui xẻo của anh Trần Xuân Bình, một nông dân ở ấp 4, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An.
Chuyện xảy ra vào ngày 12/4/2024. Sáng hôm đó, anh Bình từ ngoài ruộng trở về nhà. Anh ra cái võng mắc dưới một gốc cây, tính nằm nghỉ ngơi một chút. Đến chỗ cái võng, anh Bình thấy một con chó lạ đang nằm ngay đó. Anh Bình lên tiếng xua đuổi con chó thì bất ngờ bị nó lao tới cắn vào bắp chân anh.
Thấy con chó có những biểu hiện rất lạ như mắt đỏ, đào đất để nằm, anh Bình nghi ngờ nó mắc bệnh dại. Anh nén đau, lấy một cây gậy đuổi con chó đi. Bị xua đuổi, con chó chạy sang vườn nhà hàng xóm. Anh Bình thông báo cho hàng xóm biết rằng con chó đó có biểu hiện của bệnh dại. Hàng xóm liền đi tìm con chó và đánh chết nó.
Sau đó, anh Bình lấy xe tới một trung tâm chuyên tiêm chủng vacxin ở thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ để tiêm vacxin phòng bệnh dại. Sau khi tiêm phòng cho anh, các nhân viên y tế ở trung tâm đã khuyên anh nên báo với chính quyền địa phương về con chó nghi bị dại.
Nhận được thông báo của anh Bình, chính quyền địa phương đã cử cán bộ đi tìm xác con chó bị đánh chết, lấy mẫu đưa đi xét nghiệm. Kết quả cho thấy con chó này đã bị nhiễm bệnh dại.
Nghe tin ấy, dù đã tiêm phòng đầy đủ các mũi theo đúng liệu trình điều trị với tổng số tiền đã bỏ ra lên tới hàng triệu đồng, nhưng anh Bình vẫn có sự hồi hộp, lo âu nhất định, nhất là khi trên địa bàn xã, vẫn thường bắt gặp những con chó thả rông mà không rõ ai là chủ nhân.
Điều đáng nói là chuyện anh Bình bị chó dại cắn xảy ra ngay ở một xã có tỷ lệ tiêm phòng rất cao là Mỹ Quý Tây. Năm 2023, tỷ lệ chó, mèo được tiêm phòng dại của xã này đạt 90% so với chỉ tiêu, còn so với tổng đàn mới (thống kê vào cuối năm), tỷ lệ tiêm phòng đạt 86%.
Là nạn nhân của chó thả rông, anh Trần Xuân Bình cũng rất đồng tình với việc cần phải thành lập các tổ bắt chó thả rông. Bởi chó thả rông chạy lang thang ngoài được không chỉ là mối nguy lây nhiễm bệnh dại mà còn có nguy cơ gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Trên thực tế đã có những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do người điều khiển phương tiện giao thông đâm phải chó thả rông chạy qua đường. Anh Bình chia sẻ: "Nếu xã tổ chức đội bắt chó rông, tôi sẽ ủng hộ hết mình và sẵn sàng tham gia”.
Giải thích về việc vẫn xuất hiện chó dại trên địa bàn, ông Sử Văn Tơn, cán bộ thú y xã Mỹ Quý Tây, cho biết, nguyên nhân là do người dân tăng đàn chó, mèo sau mỗi đợt tiêm phòng và chó, mèo chưa tiêm phòng được mang từ nơi khác tới.
Tỷ lệ tiêm phòng cao nhưng vẫn xảy ra bệnh dại trên chó, mèo và trên người, đang là chuyện thời sự ở Long An. Bà Đinh Thị Phương Khanh, Giám đốc Sở NN-PTNT Long An, cho biết, quý 1 năm nay, tỷ lệ tiêm phòng dại đàn chó mèo trên toàn tỉnh đạt khoảng 75% với 79.000 liều vacxin đã được sử dụng, nhưng tình hình dịch bệnh dại hết sức căng thẳng với 6 trường hợp chó, mèo mắc bệnh dại tại các huyện Đức Hòa, Đức Huệ và Tân Hưng.
Riêng tại huyện Tân Hưng đã có 2 trường hợp tử vong do bệnh dại và 1 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dại đang điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Trước tình hình đó, vào ngày 7/3, ông Huỳnh Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng đã phải ký quyết định công bố dịch bệnh dại trên toàn địa bàn, đồng thời yêu cầu thành viên Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và chủ tịch UBND các xã, thị trấn triển khai khống chế bệnh dại trên động vật.
Tiêm phòng phải sát thực tế
Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, ước tính đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh Long An vào khoảng 100.000 con. Tuy nhiên, trên thực tế, tổng đàn có thể cao hơn nhiều, lên tới 150.000 - 170.000 con.
Chính vì tổng đàn ước tính thấp hơn nhiều so với tổng đàn thực tế, nên dù tỷ lệ tiêm phòng dại chó, mèo ở nhiều nhiều huyện trong những năm qua đạt mức cao so với kế hoạch, nhưng vẫn bỏ sót nhiều chó, mèo chưa được tiêm.
Trong khi đó, tổng đàn vẫn tiếp tục tăng lên. Như ở huyện Đức Huệ, một kết quả khảo sát được thực hiện bởi Khoa Chăn nuôi Thú y thuộc Trường Đại học Nông lâm TP. HCM, cho thấy, tổng đàn chó, mèo theo thống kê đầu năm 2023 là 7.082 con.
Đến cuối năm 2023, tổng đàn mới đã lên tới 8.110 con (tăng hơn 1.000 con). Do đó, tỷ lệ tiêm phòng đạt 95% so với chỉ tiêu nhưng so với tổng đàn mới thì chỉ còn ở mức 81%.
Bên cạnh đó, ở thời điểm tiêm phòng, nhiều chó, mèo không thuộc diện tiêm (còn nhỏ, đang mai thai…), nhưng sau đó lại không được tiêm bổ sung kịp thời. Nhiều người nuôi chó, mèo vẫn còn rất chủ quan, thiếu hiểu biết về bệnh dại, khi cho rằng chó, mèo nhà nuôi không bị bệnh dại.
Những nguyên nhân trên cộng với nắng nóng kéo dài, đã dẫn tới việc xuất hiện nhiều ổ dịch dại trên chó, mèo trong quý 1 năm nay ở Long An. Bà Khanh nhận định, nếu nắng nóng còn kéo dài và tỷ lệ tiêm phòng trên tổng đàn thực tế chưa được nâng lên, bệnh dại ở Long An sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Trước tình hình đó, Long An đang đẩy mạnh việc tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo, nhất là ở huyện Tân Hưng và các huyện lân cận. Đến nay, tỷ lệ tiêm phòng dại chó, mèo ở Tân Hưng đạt trên 99%, các huyện lân cận cũng đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 80%.
Đặc biệt, Long An đang thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao tỷ lệ tiêm phòng dại trên tổng đàn thực tế. Trong năm nay, Long An giao chỉ tiêu tiêm phòng dại về cho các huyện, thị xã và thành phố Tân An tổng cộng 91.000 liều vacxin. Con số này so với kế hoạch thì cao, nhưng nếu so với tổng đàn thực tế chưa cao.
Với mục tiêu đạt tỷ lệ tiêm phòng 85% kế hoạch và 80% so với tổng đàn thực tế trong năm nay, tỉnh Long An đã chỉ đạo các huyện, thị xã và Thành phố Tân An thống kê lại đàn chó mèo. Trong thời gian tới, việc thống kê chó, mèo ở các địa phương sẽ sử dụng công nghệ thông tin để cập nhật kịp thời vào cơ sở dữ liệu của ngành nông nghiệp. Việc sử dụng công nghệ như vậy sẽ được tính điểm cho việc ứng dụng công nghệ thông tin ở các xã, phường.
Để phòng chống bệnh dại một cách triệt để hơn nữa, nhiều cán bộ thú y cơ sở ở Long An cho rằng cần thành lập các tổ bắt chó thả rông ở các xã, phường. Theo TS Trương Đình Bảo (Khoa Chăn nuôi Thú y, Trường Đại học Nông lâm TP. HCM), một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho vẫn còn nhiều con chó ở huyện Đức Huệ, Long An, chưa được tiêm phòng là chó chạy rông không bắt được.