| Hotline: 0983.970.780

Cả nước có 32 cơ sở sản xuất tôm an toàn dịch bệnh

Thứ Năm 02/05/2024 , 11:46 (GMT+7)

NINH THUẬN Theo Cục Thú y, cả nước hiện có 32 cơ sở sản xuất tôm an toàn dịch bệnh, trong đó 27 cơ sở sản xuất tôm giống với sản lượng đạt 38 tỷ tôm post/năm.

Trong năm 2023, dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ vẫn diễn biến phức tạp. Ảnh: PC.

Trong năm 2023, dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ vẫn diễn biến phức tạp. Ảnh: PC.

Dịch bệnh tôm phức tạp

Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), trong năm 2023, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại trên cả nước là 22.607ha, chiếm khoảng 89% trong tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Tôm nuôi theo phương thức quảng canh, quảng canh cải tiến và tôm-lúa bị thiệt hại nhiều nhất, 15.820ha, còn lại là diện tích tôm nuôi theo phương thức thâm canh, bán thâm canh với 6.787ha. Trong đó, thiệt hại do dịch bệnh là 6.731ha; thiệt hại nhưng không xác định được nguyên nhân là 922ha; thiệt hại do biến đổi môi trường, thời tiết là 14.954 ha, chủ yếu là tôm nuôi quảng canh tại Cà Mau.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, trên cả nước tiếp tục có khoảng 541ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản phát sinh dịch bệnh, chủ yếu là diện tích tôm nước lợ, giảm 29,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh là trên 474ha, chủ yếu là bệnh đỏ thân, đốm trắng xảy tại 8 tỉnh, thành phố.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng Phòng Thú y thủy sản, Cục Thú y, tôm nuôi sợ nhất là bệnh hoại tử gan tụy cấp tính. Trong năm 2023, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính xảy ra trên địa bàn 125 xã của 46 huyện, thị xã thuộc 19 tỉnh, thành phố trên cả nước với tổng diện tích tôm nuôi bị mắc bệnh là trên 1.324ha.

Các địa phương được ghi nhận có tôm nuôi bị mắc bệnh hoại tử gan tụy cấp tính nhiều là Trà Vinh với gần 416ha, Sóc Trăng với gần 325ha và Bạc Liêu trên 278ha.

Các doanh nghiệp sản xuất tôm giống đang đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, giám sát dịch bệnh chủ động theo quy định. Ảnh: PC.

Các doanh nghiệp sản xuất tôm giống đang đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, giám sát dịch bệnh chủ động theo quy định. Ảnh: PC.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính tiếp tục xảy ra tại 40 xã của 13 huyện, thị xã thuộc 6 tỉnh, thành phố với tổng diện tích có tôm mắc bệnh là 90ha, tăng 17% về phạm vi, nhưng giảm 46,5% về diện tích so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Trà Vinh có diện tích dịch bệnh phát sinh lớn nhất với trên 34ha.

“Kết quả giám sát cho thấy, vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính có nhiều trong con giống, thức ăn tươi sống và môi trường nước… Do đó, để phòng chống bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm, người nuôi cần áp dụng nghiêm các biện pháp an toàn sinh học, kiểm soát kỹ nguyên liệu đầu vào như con giống, thức ăn tươi sống. Áp dụng biện pháp tiêu độc khử trùng môi trường nguồn nước nuôi, đặc biệt là nước ao nuôi và xử lý bùn đáy.

Ngoài ra, vật chủ trung gian cũng là nguồn mang tác nhân gây bệnh, nên người nuôi cần áp dụng các biện pháp kiểm soát triệt để, không để xuất hiện các loài này trong ao nuôi. Những địa phương thực hiện tốt giám sát dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ con giống, tỷ lệ mẫu bệnh phát hiện không nhiều”, ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng Phòng Thú y thủy sản, Cục Thú y khuyến cáo.

Xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi, Cục Thú y đã hướng dẫn, đôn đốc các địa phương có kế hoạch cụ thể thực hiện xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định tại Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT và các văn bản của Bộ NN-PTNT.

Song song với đó, Cục Thú y trực tiếp hỗ trợ các cơ sở nuôi tôm xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam và của OIE/WOAH để phục vụ xuất khẩu, đồng thời cử cán bộ kỹ thuật đến hỗ trợ khảo sát và hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng các kế hoạch an toàn sinh học và giám sát dịch bệnh.

Trong năm 2023, Cục Thú y đã hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức thẩm định, đánh giá và công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh 5 cơ sở, gồm: Công ty Cổ phần Thuỷ sản Việt Úc tại Bình Thuận và Ninh Thuận; Công ty Cổ phần Thuỷ sản Việt Úc Bạc Liêu; Công ty Cổ phần thực phẩm Trung Sơn tại Kiên Giang; Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc tại Phú Yên.

Tại Ninh Thuận, năm 2023, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã hướng dẫn, giám sát, đánh giá công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật thủy sản cho 5 cơ sở sản xuất giống thủy sản, nâng số giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật thủy sản trên địa bàn lên 13 cơ sở.

Tuy nhiên, theo ông Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận, đến nay chỉ còn 9/13 cơ sở thực hiện duy trì cơ sở an toàn dịch bệnh động vật thủy sản, có 4 cơ sở dừng thực hiện vì nhiều lý do khác nhau.

“Sản lượng tôm giống sản xuất từ các cơ sở đã chứng nhận an toàn dịch bệnh chiếm 25% trong tổng sản lượng tôm giống của tỉnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường”, ông Thịnh cho hay.

Hiện, Ninh Thuận có 9 cơ sở thực hiện duy trì an toàn dịch bệnh động vật thủy sản. Ảnh: PC.

Hiện, Ninh Thuận có 9 cơ sở thực hiện duy trì an toàn dịch bệnh động vật thủy sản. Ảnh: PC.

Theo Cục Thú y, tính đến nay, cả nước đã có 32 cơ sở sản xuất tôm an toàn dịch bệnh, trong đó, có 27 cơ sở sản xuất tôm giống với sản lượng đạt 38 tỷ tôm post/năm và 5 cơ sở nuôi tôm thương phẩm. Hiện nay, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y đang phối hợp các doanh nghiệp đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, giám sát dịch bệnh chủ động theo quy định.

“Trong năm 2024, Cục Thú y tiếp tục hướng dẫn các địa phương trong việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh thủy sản, trong đó chú trọng việc xây dựng các cơ sở sản xuất tôm giống theo quy định của Bộ NN-PTNT về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.

Tiếp tục triển khai chương trình giám sát dịch bệnh trên tôm phục vụ xuất khẩu và hỗ trợ xây dựng an toàn dịch bệnh bao theo kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản, giai đoạn 2022-2025 của Cục Thú y gồm hai nội dung chính: Hướng dẫn kỹ thuật cho các cơ sở trong quá trình xây dựng an toàn dịch bệnh và tập huấn hướng dẫn xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh”, ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng Phòng Thú y thủy sản, Cục Thú y cho hay.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Thời cơ thuận lợi để phát triển cây ca cao

Sau nhiều thăng trầm, giảm mạnh diện tích, cây ca cao vẫn có chỗ đứng ở Bà Rịa – Vũng Tàu và đang mang lại niềm vui cho nông dân nhờ giá tăng cao.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.