| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp xanh bên dòng sông lịch sử

Có một ngôi làng Nam bộ bên dòng sông Thu Bồn

Thứ Năm 02/05/2024 , 09:21 (GMT+7)

QUẢNG NAM Trồng đủ các loại cây trái có giá trị, kinh tế vườn giúp cho hơn 80% hộ dân ở làng Đại Bình thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ra ngõ là "hái tiền"

Nằm nép mình bên thượng nguồn dòng sông Thu Bồn, lưng tựa vào dãy Trường Sơn, làng Đại Bình (thị trấn Trung Phước, huyện Nông Sơn, Quảng Nam) như một ốc đảo bình yên, bốn mùa rợp màu xanh cây lá. Trải qua bao cuộc bể dâu, chiến tranh loạn lạc, suốt hơn 300 năm qua, 13 dòng họ từ các làng quê phía Bắc vào đây khai đất, lập làng vẫn sống chan hòa, cùng nhau chung tay xây dựng nên vùng đất trù phú hết đời này qua đời khác.

Làng Đại Bình nằm nép mình bên dòng sông Thu Bồn thơ mộng, dòng sông đã chứng kiến nhiều thăng trầm lịch sử của đất nước. Ảnh: L.K.

Làng Đại Bình nằm nép mình bên dòng sông Thu Bồn thơ mộng, dòng sông đã chứng kiến nhiều thăng trầm lịch sử của đất nước. Ảnh: L.K.

Có một điểm lạ là khi nhắc đến cái tên Đại Bình, hầu như người dân xứ Quảng ai cũng gắn với cái tên ”vườn Nam bộ” bởi nơi đây có đa dạng các loại cây trái mang đặc trưng ở miền Nam như bưởi, sầu riêng, chôm chôm, cam, quýt, măng cụt… Theo các bậc cao niên trong làng, trước đây, Đại Bình cũng như những vùng đất khác ở Quảng Nam, chỉ có những loài cây bản địa. Những giống cây miền Nam du nhập rồi sau đó phát triển xanh tốt ở vùng đất này sau một sự kiện rất thương đau.

Đó là trận lũ lịch sử vào năm 1964, nước sông Thu Bồn dâng cao khiến cho làng Đại Bình bị tàn phá nặng nề. Xót xa hơn, trận đại hồng thủy năm đó cũng đã cướp đi sinh mạng của gần 100 người. Từ đó, những năm sau, cứ đến ngày 16 tháng giêng, bà con trong vùng lại tổ chức một ngày giỗ chung để tưởng nhớ những người dân xấu số.

Ông Phạm Văn Bằng, cán bộ văn hóa thị trấn Trung Phước cũng là người dân ở làng Đại Bình cho biết, sau trận lũ đó, một lượng lớn phù sa đã bồi đắp cho vùng đất này. Để rồi vài năm sau, con em trong làng đi học, làm việc ở miền Nam mang một vài giống cây ăn quả về quê trồng thử. Nhờ đất đai màu mỡ và những giọt phù sa chắt chiu qua từng mùa lũ, từng tháng năm, những mầm cây ươm xuống cứ thế vươn lên, đơm hoa kết trái sum suê, hương vị ngọt lành.

Làng Đại Bình mang một nét đẹp một mạc, dân dã. Ảnh: HNS.

Làng Đại Bình mang một nét đẹp một mạc, dân dã. Ảnh: HNS.

Ngày nay đến Đại Bình, từ con đường chính cho đến từng ngõ ngách quanh co uốn lượn, đâu đâu cũng thấy những vườn cây trái. Màu xanh của lá, đa dạng sắc màu từ hoa cùng các loại trái cây đã tạo nên một khung cảnh làng quê yên bình, mát mẻ giữa cái nắng cháy da cháy thịt đầu hè ở dải đất miền Trung. Lợi thế được thiên nhiên ưu đãi, người dân Đại Bình cũng đã biết phát huy để tạo nguồn thu nhập đáng kể từ những vườn cây trái quanh nhà.

Tại làng Đại Bình hiện nay có đến trên 80% hộ dân sống nhờ kinh tế vườn. Bà Phạm Thị Hỷ tự hào chia sẻ, chỉ cần nguồn thu nhập từ cây lá trong vườn, gia đình bà cũng có cuộc sống đủ đầy. Ngay cả loại cây sen mà dân làng trồng để làm hàng rào cũng là đặc sản mà không nơi nào có. Du khách đến với Đại Bình không thể không thưởng thức những món ăn được nấu từ loại lá cây này.

“Lá sen có hương vị rất đặc biệt, thơm, ngọt dịu. Kỳ lạ là khi đem đi nơi khác trồng thì không còn mùi vị này nữa. Nhiều người đến đây đều tìm mua cho bằng được để đem về nhà, vậy nên giá trị rất cao, hiện nay 1kg lá tươi bán khoảng 40 – 50 ngàn đồng. Bởi thế mà chúng tôi hay nói với nhau là chỉ cần ra ngõ tranh thủ hái một lúc cũng có cả trăm ngàn”, bà Hỷ cười nói.

Cây sen, loài cây người dân trồng làm bờ rào cũng là một món ăn đặc sản ở làng Đại Bình. Ảnh: L.K.

Cây sen, loài cây người dân trồng làm bờ rào cũng là một món ăn đặc sản ở làng Đại Bình. Ảnh: L.K.

Gia đình bà Hỷ đang có 5.000m2 đất vườn trồng đủ loại cây ăn quả như bưởi, mít, măng cụt, sầu riêng... Mùa nào thức nấy, hầu như thời điểm nào cũng có sản phẩm để bán, mang lại nguồn thu đều đặn. Trung bình mỗi năm, bà Hỷ thu khoảng vài chục đến cả trăm triệu đồng. Vậy nên mấy năm qua, 2 sào ruộng trồng lúa của gia đình bà cũng cho người khác làm để tập trung chăm sóc vườn cây.

Theo ông Phạm Văn Bằng, cán bộ văn hóa thị trấn Trung Phước, mức thu nhập vài chục triệu đến cả trăm triệu mỗi năm/hộ từ cây ăn quả ở làng Đại Bình bây giờ là chuyện bình thường. So với những nơi khác, hầu hết các loại trái cây ở Đại Bình đều có vị chua nhẹ đặc biệt mà người tiêu dùng ưa thích. Chính vậy nên mặc dù giá trái cây ở đây đều cao hơn thị trường khoảng 20% nhưng khách hàng vẫn tranh nhau mua, thậm chí nhiều lúc không có hàng để bán, nhờ đó làm gia tăng hiệu quả kinh tế vườn ở địa phương.

Chuyển mình làm du lịch

Đại Bình không chỉ có những vườn cây rặt Nam bộ mà ngôi làng cổ này từ lâu cũng đã nổi tiếng khắp vùng với nghề trồng dâu nuôi tằm, nghề mộc, trầm hương, nghề làm giá, nấu rượu, làm bánh… Cùng những nét văn hóa truyền thống đặc trưng của cây đa, giếng nước, sân đình, vài năm trở lại đây, chính quyền huyện Nông Sơn đã vận động người dân phát huy tiềm năng, ưu thế này để xây dựng thành làng du lịch sinh thái cộng đồng.

Từ định hướng đó, huyện đã tạo điều kiện để một số hộ dân tham gia những chuyến tham quan học tập mô hình du lịch cộng đồng rất thành công ở nhiều địa phương. Đồng thời hỗ trợ nguồn lực để các hộ gia đình cải tạo vườn cây, hàng rào, cổng ngõ, chỉnh trang lại từng con đường xanh đẹp nhằm tạo ấn tượng cho du khách khi đến tham quan Đại Bình.

Những khu vườn, cổng ngõ rợp bóng cây xanh ở làng Đại Bình. Ảnh: L.K.

Những khu vườn, cổng ngõ rợp bóng cây xanh ở làng Đại Bình. Ảnh: L.K.

Hưởng ứng cuộc vận động, thời gian qua, bà Nguyễn Thị Kim Thủy cũng đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để tái thiết lại vườn cây, khoan giếng nước, lắp đặt hoàn thiện hệ thống tưới tiết kiệm trong khu vườn rộng 5.000m2 của gia đình. Giới thiệu mảnh vườn rộng rãi, gọn gàng, bà Thủy cho biết, khu vườn nhà trước đây có những cây ăn quả tuổi đời hàng chục năm như cam, sầu riêng, bưởi... Mỗi năm vườn cây ăn quả này cho gia đình bà thu nhập đến hàng trăm triệu đồng.

“Qua thời gian dài, lứa cây này đã già cỗi, không còn năng suất như trước nên tôi phá bỏ để trồng lứa cây mới. Cây mới chỉ trồng vài năm, chưa có quả nên nguồn thu cũng thấp hơn trước. Hi vọng rằng vài năm nữa vườn cây này sẽ cho hiệu quả cao khi những cách thức canh tác truyền thống được thay thế bằng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như bây giờ”, bà Thủy chia sẻ.

Dẫn chúng tôi đi dạo quanh làng, anh Nguyễn Thanh Tuyền, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Bình cho biết, bắt đầu từ năm 2019, được sự hỗ trợ của huyện và xã, làng Đại Bình đã ần đầu tiên tổ chức sự kiện văn hóa du lịch. Ở đó, người dân đem các sản phẩm nông nghiệp, món ăn dân gian ra bán cho du khách đến tham quan và mang lại thu nhập rất lớn. Cũng từ đây, phong trào người dân làm du lịch ngày càng phát triển tại địa phương.

Mùa nào thức nấy, các loại trái cây được người dân bày bán ngay tại vườn. Ảnh: L.K.

Mùa nào thức nấy, các loại trái cây được người dân bày bán ngay tại vườn. Ảnh: L.K.

“Ngoài việc cải tạo vườn xanh, sạch đẹp, trong làng cũng đã hình thành được 5 homestay để phục vụ cho những khách du lịch muốn ở lại trải nghiệm. Cứ mỗi cuối tuần, lượng khách đến với Đại Bình rất đông, lên đến hàng ngàn người. Bây giờ, người dân ở đây thậm chí không cần đưa trái cây, sản vật ra ngoài để bán nữa mà khách đến tận vườn tham quan, tự hái mua đem về làm quà”, anh Tuyền nói.

Cuộc sống xô bồ, hối hả nhưng ở Đại Bình vẫn thế, vẫn yên ả, tỉnh lặng như chính cái tên đã gắn từ bao đời. Thiên nhiên ưu đãi, cảnh sắc hiền hòa, lòng người dân quê chân thật, mến khách đã tô điểm thêm cho nét đẹp vùng đất này. Để rồi những khách đường xa ngược nguồn tìm đến khi trở về vẫn còn lưu luyến mãi không quên…

Ông Phạm Văn Bằng, cán bộ văn hóa thị trấn Trung Phước (huyện Nông Sơn, Quảng Nam) cho biết: “Những năm qua, chính quyền các cấp từ tỉnh, huyện, xã đã đầu tư nhiều nguồn lực để phát triển làng du lịch Đại Bình. Qua đó, người dân ở đây được hưởng lợi từ nguồn ngân sách rất lớn.

Riêng trong 2 năm 2022 và 2023, đã có trên 60 hộ dân được hỗ trợ đầu tư về giống cây, kinh phí khoan giếng, hệ thống tưới tiết kiệm, xây dựng hàng rào cổng ngõ, di dời chuồng trại. Bình quân mỗi vườn cây được hỗ trợ kinh phí từ 60 – 70 triệu đồng. Sự quan tâm này giúp người dân có thêm động lực để phát triển, nâng cao thu nhập từ kinh tế vườn”.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.