| Hotline: 0983.970.780

Hỗ trợ giống rau dự trữ quốc gia: Quá ngán ngẩm!

Thứ Ba 27/12/2011 , 09:43 (GMT+7)

Khi biết TƯ có chính sách hỗ trợ, dù toàn là các loại giống rau “hạ đẳng”, rẻ tiền nhưng tỉnh nào cũng cố xin TƯ thật nhiều, càng nhiều càng tốt!

* Lãng phí cả trăm tỷ mỗi năm?! 

Nhiều ý kiến cho rằng, với ảnh hưởng bão lụt không đáng kể như năm nay, không cần thiết phải hỗ trợ giống rau DTQG

Trở lại với vấn đề hỗ trợ giống rau dự trữ quốc gia (DTQG) mà NNVN vừa phản ánh trong số báo ngày 23/12/2011. Có một điều khó hiểu là mặc dù mùa mưa bão năm nay chẳng gây thiệt hại gì đáng kể tới SX rau màu ở các tỉnh ĐBSH, thế nhưng khi biết TƯ có chính sách hỗ trợ, dù toàn là các loại giống rau “hạ đẳng”, rẻ tiền nhưng tỉnh nào cũng cố xin TƯ thật nhiều, càng nhiều càng tốt! Điều này khiến tiền bạc của nhà nước đang bị sử dụng một cách vung vãi, vô tội vạ. 

>> Hỗ trợ giống rau dự trữ quốc gia: Của cho thành… của lo!

Nhắc lại câu chuyện hỗ trợ giống rau DTQG ở tỉnh Vĩnh Phúc. Có một điều nực cười là cho tới lúc này, khi mà 6 tấn hạt giống rau TƯ hỗ trợ cho tỉnh này “khắc phục hậu quả cơn bão số 5” vẫn chưa tới tay người dân hạt nào, thì nông dân thậm chí gần như chẳng ai còn nhớ cơn bão số 5 xảy ra từ lúc nào nữa. Sở dĩ họ không còn lưu “ấn tượng” gì về chuyện bão gió là bởi trên thực tế, cơn bão số 5 (xảy ra hồi cuối tháng 9/2011) gần như chẳng gây thiệt gì đáng kể tới SX nông nghiệp. 

Bằng chứng là một báo cáo hồi đầu tháng 10/2011 của Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc về mức độ ảnh hưởng của bão số 5 trên địa bàn tỉnh này đã nêu rõ: Bão số 5 và hoàn lưu của bão tác động đến tỉnh Vĩnh Phúc chỉ với sức gió mạnh cấp 4, cấp 5, gây mưa vừa với lượng mưa phổ biến chỉ từ 30 - 70 mm. Ảnh hưởng của bão chỉ khiến một số diện tích lúa, màu bị rạp đổ, không có diện tích bị ngập úng… Với mức độ ảnh hưởng như thế, có thể nói là việc mưa gió chẳng gây thiệt hại gì tới SX rau màu, thậm chí còn tạo điều kiện thuận lợi về nguồn nước cho việc SX cây vụ đông.

Thực tế là thế, nhưng khi làm công văn xin TƯ hỗ trợ giống rau “khắc phục hậu quả mưa bão”, không hiểu căn cứ vào đâu mà Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc làm công văn xin TƯ tới… 10 tấn hạt giống rau. Nếu đem gieo vãi hết thì tương đương khoảng 10 nghìn hecta! Về sau, mặc dù Bộ NN-PTNT chỉ đồng ý phân cho Vĩnh Phúc 6 tấn hạt giống, nhưng chừng đó cũng đã là một con số khổng lồ, dù toàn là loại giống rau rẻ tiền thì chí ít cũng tương đương với 14 – 15 tỉ đồng!

Không có diện tích bị thiệt hại, trong khi lượng giống hỗ trợ lại quá lớn, đặc biệt chủng loại giống quá đơn điệu và lại toàn là giống “hạ đẳng”, không thích hợp cho SX hàng hóa… Những điều này đã kéo theo hệ lụy là nông dân không mặn mà gì với giống được hỗ trợ, và hiệu quả sử dụng rất thấp.  

Tại hầu hết các tỉnh nhận được hỗ trợ giống rau DTQG vừa qua, khi được hỏi, với một năm mà gần như mưa lụt không gây thiệt hại gì đáng kể như năm nay, việc phân chia giống rau hỗ trợ tới tay người dân sẽ phải căn cứ vào đâu? Hầu hết những cơ quan chịu trách nhiệm trong việc phân phối giống cho nông dân đều nêu cách làm đó là căn cứ vào bản đồ SX rau màu của từng địa phương. Địa phương nào càng có vùng SX rau lớn thì càng được nhận nhiều giống. 

Nghịch lí xảy ra ở chỗ, những vùng SX rau lớn, hộ dân nào đã trồng rau thì hiện nay đều là SX rau hàng hóa. Và trong điều kiện thuận lợi như năm nay, thì chẳng ai có nhu cầu sử dụng tới những giống rau - theo cách nói của họ là… “chỉ xứng đáng gieo dọc bờ ruộng” lúc thị trường giống khan hiếm, đắt đỏ. 

Nhắc tới chuyện giống rau hỗ trợ, ông Phan Văn Ca, chủ nhiệm HTX tại vùng rau Vân Hội (Tam Dương, Vĩnh Phúc) chạy vào góc tủ mốc meo ở trụ sở HTX lôi ra một bó giống hạt rau Cải củ Hà Nội mà ông còn giữ lại từ năm 2008 kể: Sau trận lụt lịch sử năm 2008, Vân Hội cũng được hỗ trợ đâu như 20 kg giống rau. Sau lũ, vùng rau Vân Hội gần như bị quét sạch, thị trường giống cũng khan hiếm nên lúc đó nhà nào được hỗ trợ một gói hạt giống cũng quý. Thế nhưng mấy thứ giống rau đó đều kém chất lượng. Giống su hào thì quá dài ngày, 3 tháng mới có củ, mà củ lại dài, ăn rất xơ cứng chứ không như giống su hào bánh xe vẫn thường trồng ở địa phương. Mấy thứ rau cải củ, cải lá vàng, cải bẹ cũng vừa dài ngày, ăn rất nhạt, cải củ thì củ quá bé và xơ.  

“Dân chúng tôi SX rau bây giờ theo thị trường. Rau cải thì ít ra cũng là giống cải bẹ Hồng Kông, su hào bánh xe hay cải củ địa phương củ to…, thế mà ra thương lái còn chê ỏng chê eo. Năm nay không có lụt lội gì, nếu thời điểm này nhà nước cho mấy thứ giống rau như năm 2008 thì tôi chắc là dân họ chẳng lấy. Hoặc có lấy thì họ cũng về vứt đấy, bởi mấy thứ rau đó trồng bây giờ chỉ có vứt đi, mà thực ra giờ cũng chả có đất mà trồng nữa. Ngay như năm 2008, tôi đánh giá cũng chỉ có 60% số hộ dân nhận rau hỗ trợ về là có gieo vãi. Còn đâu thì nhận về vứt đó, hoặc để dùng dần, lâu rồi giống cũng hỏng hết” – ông Ca thú thật.

Khi được hỏi vì sao lại xin nhiều giống rau như thế, khi mà thực tế địa phương chẳng bị thiệt hại gì, một vị lãnh đạo Phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc) bảo: “Giống DTQG của TƯ hỗ trợ, chẳng phải mất tiền, lại được chuyển về tận nơi tận chốn nên chẳng tỉnh nào dại gì mà không xin nhiều, càng nhiều thì càng tốt!”.

Có lẽ cũng như nông dân Vĩnh Phúc, năm nay TP Hà Nội chẳng bị ảnh hưởng gì đáng kể do mưa lụt, nên có vẻ như càng ngán với giống rau hỗ trợ. Một vị lãnh đạo Phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT Hà Nội) tiết lộ, ngay sau khi cơn bão số 5 kết thúc, khi biết tin TƯ có hỗ trợ giống DTQG, thay vì xin giống rau, Sở NN-PTNT Hà Nội đã có công văn xin Bộ NN-PTNT 10 tấn giống khoai tây. Vị này lí giải: Sở dĩ Hà Nội xin khoai tây giống bởi biết rõ năm nay rau vụ đông rất dồi dào. Cũng là giống hỗ trợ, nhưng giống khoai tây thì dân cần hơn, bởi giá cao, tiêu thụ dễ và bảo quản được lâu, chẳng sợ bị dồn ứ, phải đổ đi như rau hồi cuối năm 2008. Thế nhưng sau đó, có lẽ do TƯ không có giống khoai tây nên lại cho Hà Nội tới 10 tấn giống rau cải các loại. 

“Mặc dù chúng tôi phải chia giống cho dân theo 2 đợt, nhưng chắc chắn với 10 tấn giống rau được tung ra ở Hà Nội như vừa qua, tôi đoán từ nay đến cuối năm giá rau lại rẻ bèo. Có huyện như Từ Liêm, mặc dù chỉ được chia có 240 kg, nhưng có vẻ do không trúng sở thích của họ hay sao mà lại kêu… nhiều quá!” – vị Phó phòng thổ lộ.

Theo lời vị cán bộ kia, tôi tìm về vùng rau xã Minh Khai (huyện Từ Liêm, Hà Nội). Nhắc tới chuyện giống rau, anh Nguyễn Văn Quyền, chủ nhiệm HTX Văn Trì (xã Minh Khai) phân tích: “Vừa rồi HTX chỗ tôi có nhận được 15kg giống rau hỗ trợ, nhưng tôi xem thì chắc chỉ có 40% lượng giống đó là dân đưa ra gieo vãi, còn đâu thì họ nhận về rồi để đó. Dân trồng rau ở đây có câu “tháng chín mưa rỉ, nhỉ ra rau”, ý nói năm nào tháng chín có mưa vừa và rải đều thì thời tiết năm đó thuận lợi, kiểu gì cuối năm rau cũng được mùa. Thời tiết năm nay đúng kiểu như thế, vì vậy giống nhà nước cho không thì chúng tôi cứ phải nhận để phát cho dân theo đúng nguyên tắc, nhưng theo tôi thì như năm nay, nhà nước chẳng cần phải hỗ trợ giống rau làm gì, chỉ tổ lãng phí”.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Mùa vàng trên cánh đồng sạ cụm

QUẢNG BÌNH Mô hình gieo sạ lúa bằng máy tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hàm Hòa trong vụ đông xuân 2023 - 2024 với diện tích trên 10ha cho hiệu quả lớn…

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm