| Hotline: 0983.970.780

Mùa vàng trên cánh đồng sạ cụm

Chủ Nhật 28/04/2024 , 17:44 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Mô hình gieo sạ lúa bằng máy tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hàm Hòa trong vụ đông xuân 2023 - 2024 với diện tích trên 10ha cho hiệu quả lớn…

Vào vụ đông xuân năm nay, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hàm Hòa (HTX Hàm Hòa, xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) triển khai mô hình gieo sạ lúa bằng máy trên diện tích hơn 10ha. Ông Nguyễn Hải Bằng, Giám đốc tại HTX Hàm Hòa hồ hởi cho hay: “Ban đầu lo mất ăn, mất ngủ bởi mô hình. Nhưng bây giờ thì lúa đã bán xong, tiền cất vào tủ, bà con nông dân đã thấy cái lợi nhiều đường. Hi vọng vụ tới diện tích áp dụng khoa học công nghệ trên cánh đồng được mở rộng để bà con tăng thu nhập”.

Máy gieo sạ cụm trên cánh đồng xã Hàm Ninh đầu vụ đông xuân 2023 - 2024. Ảnh: T. Phùng.

Máy gieo sạ cụm trên cánh đồng xã Hàm Ninh đầu vụ đông xuân 2023 - 2024. Ảnh: T. Phùng.

Khóc vì… lúa thưa trên ruộng

Đó là câu chuyện liên kết “3 nhà” giữa Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình cùng Tổng Công ty Sông Gianh liên kết triển khai mô hình gieo sạ lúa bằng máy tại HTX Hàm Hòa. Đây là mô hình đưa công nghệ xuống đồng ruộng đầu tiên tại huyện Quảng Ninh và của cả tỉnh Quảng Trị nên sự lo lắng là điều dễ hiểu.

Ông Nguyễn Văn Giới, một nông dân luôn “đứng mũi chịu sào” trong việc áp dụng giống mới, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất ở địa phương cho hay: “Nói gì thì cũng lâu, nhưng bà con nghĩ suy thì nhanh lắm. Xưa nay gieo tay quen rồi, nay gieo sạ bằng máy liệu có chắc chắn không. Lại nữa, lỡ lúa thưa phải tăng thêm nhân lực đi dặm, ai chịu cho bà con”.

Khi thóc giống được đổ vào máng của máy gieo sạ với mức chỉ 3,5kg/sào (500m2) thì bà con cũng hoảng. “Nhiều bà con cứ đến hỏi nhỏ tôi, xưa nay gieo bằng tay phải 6 - 7kg giống/sào, Bây giờ, ông đưa máy về chỉ còn phân nửa lượng giống liệu ruộng có chừa lại cho cỏ nó mọc không đó”, ông Giới kể.

Một tháng sau gieo sạ, ra thăm ruộng, nhiều người nghi ngờ lắm. Bên ruộng gieo thủ công thì mặt ruộng phơn phớt xanh, riêng những trà gieo sạ cụm bằng máy thì loang lổ màu đất chứ chưa thấy tý màu xanh nào cả. Bà Nguyễn Thị Thảo (thôn Hàm Hòa) có 7 sào ruộng đều gieo sạ cụm bằng máy kể lại cảm xúc khi đó: “Buổi sáng ra thăm ruộng, không thấy mầm xanh đâu cả. Nhìn sang ruộng nhà người ta thấy mọc đều, xanh đè lên màu đất mà tôi khóc thiệt luôn. Khóc vì lo ruộng thưa rồi mất công tỉa dặm, rồi thất bát mùa màng… chớ có phải chuyện chơi đâu”.

Năng suất lúa gieo sạ cụm, canh tác hữu cơ tại mô hình cao hơn hẳn so với sản xuất truyền thống. Ảnh: T. Phùng.

Năng suất lúa gieo sạ cụm, canh tác hữu cơ tại mô hình cao hơn hẳn so với sản xuất truyền thống. Ảnh: T. Phùng.

Cho đến khi cây lúa trên đồng được hai tháng thì nỗi lo của bà con cũng vơi bớt dần đi. Lúa được bón phân hữu cơ vi sinh Sông Gianh nên phát triển tốt trên đồng. Cứ khoảng hai hôm ông Giới lại ra thăm đồng. Thấy cây lúa phát triển tốt và đang vào thời kỳ đẻ nhánh, ông mừng lắm. “Trung bình mỗi cụm lúa có từ 12 - 15 nhánh, phát tiển tốt và không có dấu hiệu bị sâu bệnh”, ông Giới cho biết.

Ông Giới tính toán, lúa gieo sạ cụm bắng máy chỉ sử dụng từ 3 - 3,5kg giống mỗi sào. Trong khi gieo truyền thống phải sử dụng ít nhất 6kg mỗi sào. Gieo sạ cụm bằng máy bà con nông dân không phải tỉa dặm lúa như gieo truyền thống. Trung bình mỗi sào nông dân tiết kiệm được 2 công lao động gieo và tỉa dặm lúa.

Ông Đặng Vũ Thái, Giám đốc Nhà máy Sản xuất Giống cây trồng (Tổng Công ty Sông Gianh) cho biết, quá trình thực hiện liên kết đã cử cán bộ bám sát để hỗ trợ cho bà con. “Quá trình sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ cho thấy cây lúa sinh trưởng và phát triển rất tốt. Ghi nhận trong vụ đông xuân năm nay chưa phát hiện sâu bệnh hại lúa trên đồng”, ông Thái nói thêm.

Cho nông dân tư duy mới

Ngày được Tổng Công ty Sông Gianh thông báo thu hoạch và triển khai thu mua lúa cho bà con, gia đình bà Thảo ra vùng đồng sớm nhất. Vùng lúa nhà bà cũng được ưu tiên đưa máy gặt xuống trước. Ông Nguyễn Viết Hữu (người nhà bà Thảo) năm nay đã trên tuổi 80 nhưng còn khỏe mạnh lắm, cũng ra đồng để phụ giúp con cháu.

Ông Hữu bảo: "Tôi phải ra xem lúa được mùa ra sao và cái chuyện máy thay người gieo hạt giống trên đồng đỡ bao công sức. Tôi cũng còn đọc được báo, xem tivi, thấy nhiều nơi bà con làm ruộng từ cày bừa, gieo, phun rải phân bón, gặt… đều đã dùng máy móc hết cả. Vậy là nông dân cũng đỡ oằn lưng rồi đó”.

Bà Nguyễn Thị Thảo: 'Gieo sạ cụm bằng máy được mùa nên bà con mừng lắm'. Ảnh: T. Phùng.

Bà Nguyễn Thị Thảo: “Gieo sạ cụm bằng máy được mùa nên bà con mừng lắm”. Ảnh: T. Phùng.

Bà Thảo còn vui hơn. Bà đứng bên mấy bao lúa căng tròn chưa kịp chuyển lên xe công nông để vận chuyển ra điểm tập kết mua lúa của Tổng Công ty Sông Gianh. Bà bụm lên vun hạt lúa mới gặt trên hai tay rồi nói vui: "Trước thì khóc, bây giờ là cười. Vụ này lúa đạt năng suất trên 65 tạ/ha. Bên Công ty mua tại ruộng với giá cao, kịp thời nên bà con ra xem máy gặt rồi lại về nhưng túi đã có tiền. Nhà tôi chỉ để dành đủ lúa ăn đến vụ hè thu thôi. Còn bao nhiêu thì bán cho bên Công ty hết.Thóc thật, tiền tươi thì có gì vui hơn nữa”.

Sát ruộng nhà bà Thảo là ruộng của ông Nguyễn Thanh. Ông cho hay, nhà có 10 sào ruộng, nhưng ông cũng chỉ mạnh dạn áp dụng gieo sạ cụm 5 sào, còn 5 sào vẫn canh tác theo lối truyền thống.

“Do người điều khiển máy gieo sạ lần đầu tiên nên cũng có trục trặc khiến ruộng nhà tôi gieo bị thưa. Sau đó, bên phía Công ty cũng có hỗ trợ thêm về công để phụ gia đình tỉa dặm lúa trên ruộng”, ông Thanh nói.

Đi kiểm tra những vạt ruộng đã chín vàng ươm, chờ máy gặt, ông Thanh cho hay, mấy sào ruộng gieo truyền thống năng suất không bằng lúa bên vùng ruộng bón phân hữu cơ và gieo bằng máy sạ cụm. “Vụ sau tôi đưa hết diện tích ruộng vào trồng hữu cơ và gieo sạ cụm bằng máy. Có làm như vậy thì hiệu quả sản xuất trên đồng ruộng mới tăng cao và cái quan trọng nữa là tiết kiệm được sức lao động, giảm chi phí trên đồng ruộng”, ông Thanh hồ hởi.

Tại điểm tập kết thu mua lúa cho bà con, cán bộ bên Tổng Công ty Sông Gianh đang hỗ trợ bà con cân lúa và dùng xe cẩu nhỏ bốc lúa đóng bao lên ô tô tải lớn.

Ông Đặng Vũ Thái, Giám đốc Nhà máy Sản xuất Giống cây trồng (Tổng Công ty Sông Gianh) cho biết, phía Công ty đã hỗ trợ thêm cho bà con bao bì đựng lúa, hỗ trợ vận chuyển và bốc xếp lên ô tô tải để vận chuyển đi.

“Hiện phía Công ty đang thu mua với giá 6,9 triệu đồng/tấn lúa tươi. Giá này cũng đã cao hơn giá thu mua của thương lái trên thị trường”, ông Thái nói thêm. Theo nhiều nông dân, với giá thu mua tại ruộng này, bà con có lãi từ 20 - 25 triệu đồng/ha.

Tổng Công ty Sông Gianh mua lúa tươi tại ruộng với giá cao, nông dân có lãi 20 - 25 triệu đồng/ha. Ảnh: T. Phùng.

Tổng Công ty Sông Gianh mua lúa tươi tại ruộng với giá cao, nông dân có lãi 20 - 25 triệu đồng/ha. Ảnh: T. Phùng.

Hiện, HTX Hàm Hòa có diện tích trồng lúa 2 vụ gần 100ha. Ông Nguyễn Hải Bằng, Giám đốc HTX thông tin: Vụ hè thu tới, HTX sẽ ký liên kết sản xuất với Tổng Công ty Sông Gianh với diện tích hơn 10ha.

Về phía doanh nghiệp, sẽ hỗ trợ bà con gieo sạ và bón phân bằng thiết bị bay trên mô hình khoảng 3ha. Diện tích còn lại áp dụng công nghệ gieo sạ cụm bằng máy. “Chúng tôi cũng xây dựng lộ trình liên kết sản xuất cả hai vụ trong năm. Diện tích năm sau sẽ tăng dần lên dựa trên sự đồng tình, ủng hộ của bà con nông dân. Giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho bà con bằng giải pháp áp dụng công nghệ sẽ được chúng tôi đưa lên hàng đầu”, ông Bằng nói thêm.

"Công ty sẽ dần đưa khoa học công nghệ về trên đồng ruộng để hỗ trợ bà con nông dân. Công ty cũng định hướng liên kết sản xuất lúa hướng hữu cơ với nông dân trên cả hai vụ lúa, đồng thời đưa máy gieo sạ, thiết bị bay vào gieo, phun rải phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

Ngoài những mô hình ở huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, trong vụ hè thu này, chúng tôi cũng liên kết với nông dân thị xã Ba Đồn làm mô hình khoảng 50ha áp dụng thiết bị bay trong giai đoạn gieo sạ, rải phân… Đó cũng là cơ sở để doanh nghiệp hỗ trợ cho nông dân sản xuất hữu cơ trên nền tảng công nghệ”, ông Đặng Vũ Thái, Giám đốc Nhà máy Sản xuất Giống cây trồng (Tổng Công ty Sông Gianh) cho biết.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.