Đóng góp vào sự phát triển của địa phương
Huyện trung du Hoài Ân hiện là điểm sáng trong phát triển nông nghiệp của tỉnh Bình Định. Điểm nổi bật nhất của huyện Hoài Ân trong những năm qua là phong trào cải tạo vườn tạp, phát triển trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như bưởi da xanh, dừa xiêm, mít Thái, sầu riêng, cam, quýt, hồ tiêu… và đặc biệt là chăn nuôi heo, hiện Hoài Ân còn đang phát triển mạnh nuôi bò vỗ béo.
Theo ông Võ Duy Tín, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, hằng năm huyện luôn duy trì đàn heo trên 280.000 con, đàn trâu bò trên 25.900 con và đàn gia cầm trên 1,1 triệu con. Đặc biệt, diện tích các loại cây ăn quả có thế mạnh của địa phương này phát triển mạnh với hơn 3.900 ha. Hoài Ân cũng đồng thời từng bước hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung tại các xã Ân Tường Đông, Ân Tường Tây, Ân Hữu, Ân Hảo Tây….
Nông dân Hoài Ân tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển trồng cây ăn quả hoặc chăn nuôi heo, bò đều cần vốn đầu tư, theo đó hoạt động của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Hoài Ân (Agribank Hoài Ân) chính là “bà đỡ” của nông dân trong phát triển nông nghiệp.
Theo ông Phan Lê Thân, Giám đốc Agribank Hoài Ân, trong chiến lược phát triển của ngành, những mục tiêu lớn được Agribank xác định ưu tiên đó là tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, chủ lực trên thị trường tài chính nông thôn, luôn là người bạn đồng hành thủy chung, tin cậy của nông dân, nông thôn. Trong quá trình hơn 35 năm phát triển, Agribank là ngân hàng tiên phong, dẫn đầu trong các chương trình tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn và nông dân, cải thiện đời sống của nhân dân ở khu vực nông thôn, vươn lên làm giàu chính đáng.
Agribank Hoài Ân đứng chân trên địa bàn huyện trung du miền núi phía Bắc tỉnh Bình Định. Huyện Hoài Ân có diện tích tự nhiên 744,1 km2, phần lớn là đồi núi với dân số: 108.600 người. Huyện Hoài Ân có 15 xã, thị trấn, trong đó có 3 xã miền núi. Giao thông không có quốc lộ chạy qua; cơ cấu kinh tế địa phương gồm nông lâm thủy sản chiếm 50%; công nghiệp-xây dựng chiếm 22%; thương mại-dịch vụ chiếm 28%; tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm xấp xỉ 10%. Đóng góp vào sự phát triển của huyện Hoài Ân, không thể thiếu sự đồng hành của Agribank Hoài Ân với vai trò dẫn vốn đầu tư phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
“Bà đỡ” của nông dân
Trong những năm qua, Agribank Hoài Ân luôn là đơn vị dẫn đầu các tổ chức tín dụng trong huyện về thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi đối với cho vay nông nghiệp, nông thôn. Tín dụng tăng trưởng hàng năm xấp xỉ 10%, tỷ lệ nợ xấu không đáng kể, tỷ lệ cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm 96%. Cho vay phục vụ chăn nuôi chiếm tỷ trọng chủ yếu, chiếm 52% trong tổng dư nợ; trong đó chăn nuôi heo chiếm 29%, chăn nuôi bò chiếm 23% tổng dư nợ.
Nhằm thúc đẩy việc đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, Agribank Hoài Ân đã triển khai ký kết chương trình phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hoài Ân. Các hội, đoàn thể huyện hoài Ân đồng hành cùng Agribank Hoài Ân trong tổ chức thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Ngoài là “bà đỡ” cho nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, Agribank Hoài Ân còn kịp thời ngăn chặn một vụ lừa đảo chuyển tiền qua số tài khoản lạ mao danh người thân của khách hàng. Đơn cử, vào trưa ngày 21/10/2022, khách hàng T.T.Y. ở xã Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân) đến Agirbank Hoài Ân để chuyển 10 triệu đồng cho con đang sinh sống, học tập ở nước ngoài.
Trong quá trình giao dịch, nhân viên Agribank Hoài Ân trao đổi, hỏi thăm và được biết khách hàng chuyển tiền cho con trai tên H.V.N., nhưng người nhận tiền lại là N.V.H và có tài khoản tại VietBank. Nghi ngờ đây là một chiêu thức mạo danh người thân của khách hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, nhân viên ngân hàng đã thuyết phục bà Y. ngừng chuyển tiền. Nhờ đó, bà Y. đã không chuyển tiền và bảo toàn được tài sản của mình.
“Thông qua Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hoài Ân, Agribank Hoài Ân đã thành lập nhiều tổ vay vốn nhằm chuyển tải vốn nhanh nhất, thuận lợi và hiệu quả nhất đến bà con nông dân có nhu cầu vay vốn để chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống, hạn chế tín dụng đen ở nông thôn. Tính đến nay, toàn huyện có 36 tổ vay vốn, với trên 900 thành viên đang vay vốn và tổng dư nợ trên 130 tỷ đồng”, ông Phan Lê Thân, Giám đốc Agribank Hoài Ân chia sẻ.