Chia sẻ tại Diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa” ngày 13/12 tại Bến Tre do Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Phong Phú, Giám đốc Kỹ thuật của Vina T&T Group nhấn mạnh, vai trò tiên phong của doanh nghiệp trong việc khai thác tiềm năng của thị trường dừa và đề xuất những giải pháp thiết thực để thúc đẩy xuất khẩu.
Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T (Vina T&T Group) hiện là đơn vị dẫn đầu trong xuất khẩu dừa với các mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói đạt tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng cho thị trường Trung Quốc.
Ông Nguyễn Phong Phú cho biết, lợi thế lớn của ngành dừa Việt Nam là vị trí địa lý gần Trung Quốc, nhu cầu tiêu dùng dừa cao và các hiệp định thương mại ASEAN - Trung Quốc giúp giảm thuế nhập khẩu. Việt Nam, đặc biệt khu vực ĐBSCL như Bến Tre, có nguồn cung dồi dào, đáp ứng được các yêu cầu lớn từ các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Úc, Canada và Trung Quốc.
Riêng với thị trường Trung Quốc, mỗi năm quốc gia tỷ dân này tiêu thụ khoảng 4 tỷ quả dừa, trong đó có 2,6 tỷ quả dừa tươi, nhưng năng lực sản xuất nội địa còn hạn chế. Điều này mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam, đặc biệt khi Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư cho phép xuất khẩu chính ngạch dừa tươi. Sự kiện này được đánh giá là bước ngoặt quan trọng trong việc khẳng định vị thế dừa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, ông Phú cũng chỉ ra những thách thức lớn mà ngành phải đối mặt. Khi Trung Quốc ngày càng nâng cao tiêu chuẩn nhập khẩu, đặc biệt về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật và tem nhãn. Tình trạng gian lận mã số vùng trồng, thu mua dừa không đúng nguồn gốc, và sự cạnh tranh từ các nước như Thái Lan, Indonesia đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín ngành hàng.
Bên cạnh đó, chi phí logistics và sự biến động chính sách từ thị trường Trung Quốc cũng là những yếu tố rủi ro.
Để giải quyết những vấn đề trên, đại diện Vina T&T Group đã đưa ra một vài giải pháp cụ thể. Đó là tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của thị trường. Đa dạng hóa các sản phẩm từ dừa như sữa dừa, kẹo dừa và mỹ phẩm nhằm gia tăng giá trị.
Bên cạnh đó là phát triển thêm các thị trường mới để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Đầu tư mạnh vào hoạt động marketing và xây dựng thương hiệu để khẳng định vị thế của dừa Việt Nam trên trường quốc tế.
Ngoài ra, Vina T&T Group cũng kiến nghị các cơ quan quản lý rà soát, quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, tránh tình trạng gian lận thương mại làm suy giảm uy tín quốc gia.
Hiện nay, với gần 200.000ha diện tích trồng dừa, ngành dừa Việt Nam đã đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 900 triệu USD năm 2023 và kỳ vọng vượt mốc 1 tỷ USD năm 2024. Những định hướng chiến lược như chuyển đổi cơ cấu sản xuất, áp dụng quy trình GAP, kết hợp phát triển du lịch và OCOP đã góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành.
Với những đóng góp tích cực tại Diễn đàn, Vina T&T Group đã khẳng định vai trò tiên phong trong việc kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa, góp phần nâng cao giá trị và vị thế của ngành dừa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Những nỗ lực này không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững cho toàn ngành nông sản Việt Nam.