Agribank đang phát huy vai trò trợ lực giúp phát triển kinh tế tập thể, hỗ trợ nông dân mở rộng, phát triển SXKD, góp phần tháo gỡ điểm nghẽn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Tạo động lực phát triển HTXNN
Phát triển kinh tế tập thể, trong đó lấy nòng cốt là HTX đã được đề cập một cách khá rõ tại Luật Hợp tác xã, cho thấy việc thể chế hóa chủ trương phát triển kinh tế tập thể, hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách hỗ trợ HTX ngày càng được quan tâm, hoàn thiện, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển. Tuy nhiên, với những khó khăn nội tại đeo đẳng trong suốt nhiều năm qua khiến cho việc tiếp cận nguồn vốn phục vụ cho sản xuất của HTX đã khó lại càng thêm khó.
Ký kết hợp tác cung cấp tín dụng giữa Agribank và Liên minh HTX Việt Nam, các tập đoàn kinh tế |
Để giải quyết vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Ðề án Phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTXNN hoạt động có hiệu quả đến năm 2020. Đây được xem là một đề án quan trọng và hết sức cần thiết trong bối cảnh các HTX, nhất là HTXNN gặp nhiều khó khăn về vốn cũng như việc tiếp cận nguồn vốn vay, mở ra nhiều hy vọng vào việc tạo bước đột phá trong phát triển, góp phần thực hiện thành công chương trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng NTM.
Theo tính toán sơ bộ, để phát triển 15.000 HTX hiệu quả cần khoảng 21.700 tỷ đồng. Nhưng ngoài các hạng mục thuộc ngân sách nhà nước, thì các nguồn vốn khác từ các quỹ hỗ trợ và hệ thống ngân hàng thương mại là rất thấp. Toàn quốc hiện có khoảng 20.000 HTX nhưng chỉ khoảng 2% số HTX tiếp cận được vốn vay, còn phần lớn tự xoay xở.
Những năm qua, Agribank luôn góp sức cùng các thành phần kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Riêng đối với cho vay HTX, dư nợ của Agribank tăng dần qua các năm từ 1.377 tỷ đồng (năm 2017) tăng lên 1.483 tỷ đồng (năm 2018). Đến 31/03/2019, tổng dư nợ cho vay HTX của Agribank là 1.505 tỷ đồng. Bình quân dư nợ cho vay 1 HTX là 3,5 tỷ đồng.
Đứng đầu cả nước về sản lượng gạo, tôm nuôi, cá tra và trái cây, ĐBSCL là khu vực đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế của cả nước, cùng với những thành tựu đạt được, khu vực này cũng đang đứng trước nhiều thách thức của cơ chế thị trường và biến đổi khí hậu.
Hiện nay, tại ĐBSCL, các mô hình HTX thích ứng với biến đổi khí hậu đã dần hình thành nhưng còn tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, chưa có cơ sở về KHKT và thị trường cũng như động lực và hỗ trợ đủ mạnh để nhân rộng, năng lực cán bộ quản lý còn hạn chế. Agribank mong muốn góp sức cùng các Bộ, ban, ngành triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao hoạt động các HTX nông nghiệp ở ĐBSCL thích ứng với thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu.
Tạo lập khung pháp lý thuận lợi cho HTX
Từ thực tế triển khai thực hiện cho vay HTX, Agribank nhận thấy còn những tồn tại, vướng mắc. Cụ thể, các HTX quy mô nhỏ, phát triển chưa đồng đều, năng lực tài chính, tài sản có giá trị thấp, mặt bằng chủ yếu đi thuê, máy móc công nghệ lạc hậu.
Việc các HTX thực hiện chế độ thống kê, kế toán còn nhiều hạn chế, ngần ngại trong việc minh bạch tình hình kinh doanh tài chính với ngân hàng, mua bán hàng hóa thiếu hóa đơn tài chính, không đảm bảo chế độ phát hành hóa đơn của nhà nước, do đó ngân hàng không đủ cơ sở để đánh giá, thẩm định cho vay.
Bên cạnh đó, hoạt động của nhiều HTX chưa vững chắc; vốn tự có thấp; số lượng và chất lượng lao động chưa cao, trình độ quản lý của cán bộ quản lý HTX vẫn còn hạn chế, nhất là kinh nghiệm và trình độ xây dựng kế hoạch kinh doanh nên các dự án, phương án đưa ra không đủ sức thuyết phục. Các HTX kinh doanh theo thương vụ mà ít có chiến lược lâu dài nên tính ổn định thấp, khó tạo được niềm tin với ngân hàng.
Khách hàng ghi nhận phong thái làm việc uy tín, nhanh nhạy tại các phòng giao dịch của Agribank |
Agribank cam kết cung ứng đầy đủ các dịch vụ tài chính, ngân hàng cho hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, đảm bảo đủ điều kiện để triển khai các mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; mô hình HTX phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Theo đó, hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam ưu tiên mở tài khoản, gửi tiền, thanh toán, sử dụng dịch vụ thẻ của Agribank. |
Do đó đa phần các HTX vẫn chủ yếu hoạt động bằng vốn của các thành viên, khó mở rộng phát triển để thực hiện vay vốn ngân hàng. Năng lực người đứng đầu điều hành HTX chưa đáp ứng; phương án/dự án thiếu tính khả thi; đặc biệt khả năng tài chính của HTX và vốn góp của thành viên chưa đáp ứng yêu cầu, vì vậy phần lớn số HTX không đủ điều kiện để tiếp cận vốn. Các đơn vị HTX còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận với thị trường đầu ra.
Trong bối cảnh như vậy, để vực dậy và tạo nên luồng sinh khí mới cho các HTX nông nghiệp, cần tận dụng mọi nguồn lực để hút vốn cho các HTX nông nghiệp với nhiều giải pháp, trong đó, trước hết phải nâng cao năng lực các HTX tiếp cận vốn vay, đẩy mạnh xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương và của vùng miền.
Mặt khác, cần tranh thủ các nguồn lực tài chính từ hệ thống các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX ở Trung ương và hệ thống các quỹ này ở các địa phương, một kênh vốn rất quan trọng cung cấp nguồn vốn ưu đãi cho HTX, cũng như tranh thủ vốn giá rẻ từ hệ thống ngân hàng thương mại. Để có thể vay vốn ngân hàng, các HTX nông nghiệp phải tham gia chuỗi giá trị để được hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ, phân bón, con giống và đầu ra.
Tại Diễn đàn “Tạo lập khung khổ pháp lý và chính sách thuận lợi để thúc đẩy phát triển bền vững khu vực HTX trong thế kỷ 21” diễn ra ngày 17/4/2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Việc giải thể các HTX kiểu cũ theo quy định của pháp luật để chuyển sang hoạt động theo mô hình mới; việc bảo đảm mối liên kết 4 nhà (nhà nông - Nhà nước - nhà doanh nghiệp và nhà khoa học) gắn với vai trò của HTX còn lỏng lẻo; quy trình, trình tự thủ tục thành lập doanh nghiệp trong HTX và mối quan hệ của doanh nghiệp này với HTX; chưa có tiêu chí kiểm toán HTX rõ ràng...
Theo Phó Thủ tướng, đây là những vướng mắc pháp lý lớn mà Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm cần tham khảo các ý kiến của các quốc gia trong khu vực để bảo đảm HTX đóng góp quan trọng cho sự phát triển nhanh, bền vững của kinh tế, gắn với cơ cấu lại SXNN và xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, Diễn đàn này, Agribank đã thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với chính quyền địa phương và Agribank để triển khai các mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm; triển khai các sản phẩm dịch vụ của Agribank đến các HTX. Liên minh HTX Việt Nam sẽ ưu tiên lựa chọn Agribank là ngân hàng phục vụ một số dự án có nguồn vốn từ nước ngoài, quỹ đầu tư trong tài trợ qua Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Thỏa thuận hợp tác giữa Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Agribank đi vào thực hiện, hai bên sẽ cùng phối hợp tư vấn, hỗ trợ HTX lập dự án vay vốn; triển khai các sản phẩm bảo an tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp trên toàn quốc tới các HTX, thành viên và hộ gia đình; hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực của cán bộ quản lý và thành viên HTX để nâng cao năng lực trong tình hình mới.
Agribank chủ trương tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khu vực HTX như điều hành chủ động, linh hoạt các mức lãi suất của NHNN để kiểm soát và điều tiết lãi suất thị trường phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ. Tiếp tục chỉ đạo tập trung vốn tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, triển khai các chương trình tín dụng đặc thù đối với một số mặt hàng nông sản có thế mạnh như lúa, gạo, cà phê, thủy sản,... cho vay theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, có giá trị thương mại cao, tác động lan tỏa tới nền kinh tế và số đông hộ nông dân. |