Đi đầu trong hỗ trợ phát triển “Tam nông”
Những năm qua, Agribank Quảng Ngãi luôn chú trọng đến việc ưu tiên vốn để đầu tư cho người dân vay đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhất là cho vay theo Nghị định 55 của Thủ tướng Chính phủ.
Đơn vị đã có những chính sách vay với lãi suất linh hoạt, ưu đãi, bên cạnh đó luôn đổi mới hồ sơ thủ tục vay vốn nhanh gọn hơn, đặc biệt là đưa ra những sản phẩm vay vốn để phục vụ bà con nông dân trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đa dạng, hiệu quả và tiện lợi hơn như: Sản Phẩm cho vay hạn mức quy mô nhỏ đối với cá nhân, thấu chi cho địa bàn nông thôn...
Những chính sách này đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn đầu tư với lãi suất ưu đãi để phát triển nông nghiệp thuận lợi hơn, góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, nổi trội nhất là phát triển nông nghiệp tại địa phương.
Ngoài ra, Agribank Quảng Ngãi cũng thường xuyên kết hợp cùng với Hội nông dân, Hội Phụ nữ và Tỉnh đoàn Quảng Ngãi ký thỏa thuận hợp tác. Từ đó thành lập các tổ vay vốn do Hội Nông dân, Hội Phụ nữ ở tại địa bàn thôn quản lý đến các địa bàn vùng sâu vùng xa của tỉnh Quảng Ngãi. Nhờ vậy, nguồn vốn đến tay người nông dân một cách hiệu quả hơn.
Đặc biệt, trong 3 năm gần đây, Agribank Quảng Ngãi triển khai tốt việc cho vay Điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng. Cách làm này không những tiết kiệm được chi phí đi lại cho người dân khi đi vay vốn mà còn tăng hiệu quả trong hoạt động cho vay của Agribank.
Một điểm cần nói đến, Agribank Quảng Ngãi đã triển khai nhanh và hiệu quả “Chương trình tín dụng tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình” để bà con nông dân được tiếp cận chính sánh một cách hiệu quả nhất.
Điều này giúp cho nạn tín dụng đen đang là vấn đề nhức nhối ở nông thôn hiện nay được hạn chế đáng kể. Không những vậy, còn tạo điều kiện cho người người nông dân tiếp cận dần với công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt cùng các tiện ích công nghệ khác của Agribank.
Vượt lên khó khăn, khắc phục hạn chế
Theo ông Nguyễn Tùng Thiện, Trưởng phòng Khách hàng cá nhân Agribank Quảng Ngãi, trong năm vừa qua, đơn vị gặp phải những khó khăn không hề nhỏ. Trong đó, dịch bệnh Covid-19, Dịch tả lợn Châu Phi và bảo lụt xảy ra liên tục trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân.
Mặc dù vậy, Agribank Quảng Ngãi vẫn luôn thể hiện được vai trò tiên phong và tích cực với những hành động cụ thể, kịp thời cùng cộng đồng chung tay phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
“Chia sẻ với những khó khăn của bà con, chúng tôi đã triển khai những chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng. Song song với đó, đơn vị dùng những biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả, gia hạn nợ, miễn giảm tiền lãi, giảm lãi suất, cho vay mới để tiếp tục ổn định phát triển kinh doanh sản xuất”, ông Thiện cho biết.
Cũng theo ông Thiện, bên cạnh những gì đã đạt được, Agribank Quảng Ngãi vẫn còn 1 số tồn tại, hạn chế nhất định. Theo đó, tại cơ sở, một số Chi nhánh sự gắn kết giữa cán bộ tín dụng với các Hội đoàn thể ở xã, tổ trưởng không thường xuyên nên việc cho vay thông qua Tổ liên kết ngày càng ít được chú trọng.
Điều này thể hiện qua số tổ vay vốn không hoạt động năm sau giảm so với năm trước, thành lập mới không phát sinh. Dư nợ cho vay 3 năm gần đây không tăng mặc dù số tiền cho vay không có bảo đảm được nâng cao hơn nhiều (200 triệu đồng) so với những chính sách tín dụng trước đây.
Bên cạnh đó, vì địa bàn ở các huyện miền núi, số lượng khách hàng của một cán bộ quản lý khoản vay phụ trách quá nhiều, dẫn đến một số thời điểm công tác thẩm định, tư vấn và giải quyết cho vay còn nhiều hạn chế và một số khách hàng phàn nàn cán bộ quản lý khoản vay giải quyết chậm.
“Ở các huyện miền núi, vùng sâu thông thường người dân ít sử dụng điện thoại cho nên việc thông báo nợ đến hạn và nhắc nợ rất khó và lâu. Ngoài ra, có rất nhiều người dân đi làm ăn ngoài tỉnh nên việc nhắc nợ càng khó hơn. Từ đó dẫn đến nợ quá hạn, nợ xấu tăng”, ông Thiện nói thêm.
Trước thực trạng này, lãnh đạo Agribank Quảng Ngãi đã chỉ đạo các Chi nhánh loại II làm tốt công tác quan hệ với cấp ủy chính quyền địa phương để triển khai việc cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55. Quan tâm chú trọng đến trách nhiệm, sự phối hợp trong công việc của cán bộ quản lý khoản vay và tổ trưởng, nhất là việc phát triển mới tổ vay vốn.
Đồng thời, tăng cường cán bộ quản lý khoản vay tại vùng sâu vùng xa để giảm áp lực công việc và tạo điều kiện giải quyết nhanh cho khách hàng. Rà soát lại toàn bộ nợ xấu thông qua tổ vay vốn, cho kiểm tra, phân tích nguyên nhân dẫn đến nợ xấu, khả năng trả nợ của tổ viên, tình hình sản xuất, kinh doanh của tổ viên có nợ xấu để đưa ra cách giải quyết phù hợp nhằm giảm nợ xấu cho vay thông qua Tổ.
Điểm nữa là tăng cường kiểm tra sau khi cho vay và kết hợp với tổ trưởng Tổ vay vốn trong việc đôn đốc nhắc nợ và kiểm tra hoạt động sử dụng vốn vay, nắm bắt thông tin của khách hàng vay vốn một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Theo thống kê đến ngày 30/4/2021 của Agribank Quảng Ngãi, tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt: 10.368 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn là 3.803 tỷ đồng, trung dài hạn là 6.565 tỷ đồng . Số lượng khách hàng còn dư nợ là 53.675 khách hàng.