Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề nghị giảm 50% thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở đối với những căn hộ dưới 70 m² sàn sử dụng và giá bán dưới 15 triệu đồng/m² sàn sử dụng.
Cứu ngân hàng, cứu BĐS, cứu tập đoàn kinh tế… Vậy ai cứu nông dân?
(Ảnh minh họa)
Đó là một trong những nội dung quan trọng mà Bộ Xây dựng vừa gửi Bộ Tài chính kiến nghị bổ sung nội dung ưu đãi trong Luật thuế GTGT và Luật thuế thu nhập DN thuộc lĩnh vực nhà ở. Để đưa ra hàng loạt ưu đãi, Bộ Xây dựng nói rằng điều đó là cần thiết nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Tương tự, Bộ Tài chính đang “ém” một loạt giải pháp về tài khóa, nới đầu tư công nhằm “cứu” bất động sản. Cạnh đó Ngân hàng Nhà nước cũng âm thầm cân đo mức nợ xấu để có giải pháp giúp cho các dự án bất động sản (BĐS) được “hà hơi” thổi ngạt…
Thực tế những nỗ lực nói trên có “cứu” được BĐS không chẳng chuyên gia kinh tế nào dám chắc, khi có đến 7 vạn căn hộ đang ế thừa, hàng trăm dự án BĐS “cao cấp” đang đóng băng và nhất là túi tiền và lòng tin của hàng triệu hộ gia đình đã sút giảm nghiêm trọng. Chính vì “cơn sốt” đầu tư nhà đất đã chấm dứt thì cả chục ngàn tỷ đồng dự kiến tung ra hay ưu đãi giảm thuế gỡ khó cho DN chỉ như “muối bỏ biển” so với quy mô tồn kho ngày một dâng cao!
Nhưng vấn đề ở chỗ, khó khăn đối với nền kinh tế là khó khăn chung, mà thiệt thòi nhất là nông dân chẳng thấy ai “kêu cứu” giùm. Bên cạnh việc giá nông sản đang giảm thì nông dân hiện đang phải đối mặt với hàng loạt nguy cơ, mà nguy cơ nhãn tiền là tình trạng “nhập khẩu ngược” nông sản kém chất lượng với giá cực rẻ từ phía Bắc; tình trạng giả mạo xuất xứ Việt; tình trạng vật tư nông nghiệp kém chất lượng gây hại cho nông sản và việc để cho những tin đồn vô căn cứ phá hoại sản xuất của nông dân tồn tại…
Thêm vào đó là việc các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu (như điện, xăng dầu, y tế, giáo dục, cước phí…) liên tục tăng, trong khi giá nông sản không tăng. Người dân phải chi ra nhiều tiền hơn để mua về những thứ không thể không mua, nên khó khăn lại càng khó khăn.
Còn nhớ ở các giai đoạn khủng hoảng kinh tế trước trong khi các ngành kinh tế “chủ lực” đều bất động thì vẫn có một khu vực tăng trưởng, trở thành trụ cột cho nền kinh tế đất nước, đó chính là nông nghiệp. Đến nay không ai không công nhận và ghi ơn “đứa con” côi cút này, song cứ mỗi khi khó khăn thì chỉ thấy những “con cưng” khác gào thét và được chăm bẵm, cho bú, cho dù con nào thì cũng như con nào!
Cứu ngân hàng, cứu BĐS, cứu tập đoàn kinh tế… Vậy ai cứu nông dân?