| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 15/01/2019 , 06:31 (GMT+7)

06:31 - 15/01/2019

Ai giúp Facebook trốn thuế?

Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử thuộc Bộ TT-TT vừa đưa ra khuyến cáo rất đáng quan tâm: Facebook đang có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở 3 lĩnh vực là quản lý nội dung thông tin, quảng cáo online, thuế và thanh toán xuyên biên giới.

Như vậy, Facebook không còn đơn giản là một mạng xã hội mang tính kết nối vui vẻ giữa con người với con người, mà Facebook đã thực sự trở thành một thế lực có khả năng chi phối cộng đồng và kiếm lợi từ cộng đồng.

Năm 2018, Facebook và Google chiếm lĩnh thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam. Trong đó, quảng cáo chi cho Facebook là 235 triệu USD và quảng cáo cho cho Google là 152,1 triệu USD. Nếu như Google có văn phòng đại diện tại Việt Nam để có thể hợp tác với cơ quan thuế khi cần thiết, thì Facebook đặt văn phòng ở Singapore và gần như không chịu bất kỳ sự ràng buộc nào về luật pháp Việt Nam. Cho nên, việc sai phạm của Facebook từ quản lý thông tin đến quảng cáo online và thuế là một chuỗi hành vi quan hệ chặt chẽ với nhau. Những nội dung độc hại trên Facebook vì sao vẫn tồn tại và được phát tán theo cấp số nhân? Vì những thông tin không thể kiểm chứng vẫn có thể giúp Facebook có được nguồn thu nhập. Không có một hình ảnh hoặc một dòng trạng thái nào trên Facebook nằm ngoài thuật toán khống chế của họ, nhưng chỉ cần trả tiền quảng cáo thì Facebook cho hiển thị một cách vô tư. Facebook công khai rao giá quảng cáo đến từng khách hàng riêng lẻ, như “chỉ với 700 ngàn đồng thì bài viết của bạn được tiếp cận tối đa 4.500 người”. Và giao dịch ấy được thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ American Express, Mastercard, Visa hoặc ví PayPal. Cứ thế, dòng tiền chảy vào túi Facebook tăng vọt mỗi năm, mà cơ quan thuế đành ngậm ngùi vì chưa có biện pháp xử lý. Người dùng Facebook đã tiếp tay cho Facebook trốn thuế, nhưng trách nhiệm của các ngân hàng ở đâu?

Trong quá trình hốt bạc tại Việt Nam, Facebook không chỉ cho phép quảng cáo các sản phẩm bất hợp pháp như tiền giả, hàng giả, vũ khí, pháo... mà còn kích hoạt một thuật ngữ mới là “quảng cáo chính trị”. Nghĩa là, những thông tin đơm đặt hoặc bóp méo nhắm vào những chính khách hoặc những chính sách, cũng được Facebook bỏ qua vòng kiểm duyệt nếu chi ra một lượng tiền quảng cáo đúng yêu cầu của Facebook. Để chấn chỉnh thực trạng này khi Luật An ninh mạng đã có hiệu lực, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đề nghị bổ sung các cam kết tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam trong Thỏa thuận giữa các Nhà cung cấp dịch vụ và Facebook. Ngoài ra, Facebook phải phối hợp với các cơ quan có liên quan để quản lý các hoạt động thanh toán, thuế đối với các giao dịch thương mại, quảng cáo tại Việt Nam. Nếu Facebook không có những động thái tích cực, các cơ quan quản lý Việt Nam sẽ áp dụng các biện pháp kinh tế - kỹ thuật cần thiết nhằm đảo bảo một môi trường mạng trong sạch, lành mạnh.