| Hotline: 0983.970.780

Ấm áp tình người giữa cao điểm dịch Covid-19

Thứ Sáu 04/06/2021 , 11:19 (GMT+7)

Hàng nghìn tỷ đồng được các doanh nghiệp, cá nhân tại TPHCM đăng ký ủng hộ Quỹ phóng chống dịch Covid-19. Nhiều ATM gạo, gian hàng 0 đồng, tiệm cơm miễn phí cũng xuất hiện...

Chỉ sau một thời gian ngắn Ban Vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM phát động đăng ký ủng hộ kinh phí mua vaccine phòng dịch Covid-19, đã có 61 đơn vị, cá nhân đăng ký ủng hộ số tiền hơn 2.197 tỷ đồng.

Tính đến chiều ngày 3/6/2021, Ban Thường trực UBMTTQVN - Ban Vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ Phòng, chống dịch Covid -19 TPHCM đã tiếp nhận hơn 269 tỷ đồng ủng hộ từ các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trên địa bàn Thành phố. 

Ban Vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đã kịp thời phân bổ số hàng hóa, thiết bị và tiền mặt trị giá hơn 190 tỷ đồng đến các lực lượng trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các bệnh viện, trung tâm y tế, khu cách ly và các đơn vị thực hiện nhiệm vụ phòng dịch nơi biên giới, hỗ trợ những người nghèo, gặp khó khăn, ảnh hưởng do dịch. Trong đó, chi tiền mặt là 100 tỷ đồng và hàng hóa, trang thiết bị trị giá hơn 90 tỷ đồng.

Theo Ban Vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố, trong thời gian tới, Quỹ dự chi hơn 20 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch cho các bệnh viện, trung tâm cấp cứu trên địa bàn Thành phố.

Người dân nhận gạo tại ATM ở Q.12. Ảnh: Pha Lê.

Người dân nhận gạo tại ATM ở Q.12. Ảnh: Pha Lê.

Ngày 3/6, mô hình “Gian hàng 0 đồng chia sẻ cùng khu cách ly” triển khai ở phường Tân Quý (quận Tân Phú) nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân.

Theo lãnh đạo UBND phường Tân Quý, đây là mô hình được UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện với sự đồng hành của các mạnh thường quân đã ba ngày nay.

Theo đó, gian hàng 0 đồng gồm hơn 100 kg 12 loại rau củ, hàng trăm gói mì, 500 quả trứng, 160 kg thịt heo, 40 chai dầu ăn, 100 hộp đồ hộp các loại được sắp đặt ngăn nắp ở các kệ ở khu vực thuận tiện cho người dân có thể tiếp cận.

Mỗi ngày, gian hàng sẽ phục vụ cho hơn 300 nhân khẩu của 73 hộ gia đình nằm trong điểm cách ly ở hẻm 17 đường Gò Dầu (P.Tân Quý, Q.Tân Phú). Các tình nguyện viên mà phần lớn là đoàn viên, hội viên và cán bộ MTTQ Việt Nam tại địa phương có mặt từ sáng sớm mỗi ngày để mang hàng hóa tới, sắp đặt và hướng dẫn người dân tới nhận.

Phát cơm miễn phí cho người nghèo khó khăn. Ảnh: Pha Lê.

Phát cơm miễn phí cho người nghèo khó khăn. Ảnh: Pha Lê.

Trước đó 1 ngày, tại Trường mầm non Bông Sen (số 2/2 đường Thạnh Lộc 29, P.Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM), một ATM gạo đã chính thức đi vào hoạt động. Những lao động tự do, có hoàn cảnh khó khăn rất vui mừng, xúc động khi được nhận những bao gạo đầu tiên giữa lúc khu vực này bị phong tỏa.

Theo Quận đoàn Quận 12, máy hoạt động từ 7 giờ 30 đến 17 giờ hàng ngày. Ngoài ra cũng có khu vực gian hàng 0 đồng, phục vụ người dân với các loại: rau, củ, quả, trứng, mì gói... Đây vừa thể hiện tinh thần một miếng khi đói bằng một gói khi no, lá lành đùm lá rách của dân tộc Việt Nam cũng như thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương đến đời sống của bà con khu vực cách ly, phong tỏa.

Ngoài ATM gạo, cũng xuất hiện những quán ăn, những nhóm bạn chung tay nấu và phát hàng trăm suất cơm chay miễn phí cho người lao động khó khăn. Tại quán cơm Mỹ Hương Trai trên đường Nguyễn Chí Thanh, Q.10, TP.HCM, mỗi ngày tặng từ 300-500 suất ăn hỗ trợ người lao động khó khăn.

Tương tự, quán cơm chay Mãn Tự (đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1) cũng chung tay nấu hàng trăm suất cơm, phát miễn phí cho người nghèo.

“Chúng tôi phát cơm chay miễn phí 2 lần mỗi ngày, từ 11 đến 12 giờ và 17 đến 19 giờ, đến khi nào TP.HCM hết giãn cách xã hội thì thôi. Mỗi hộp cơm chay sẽ kèm theo nước suối, sữa, hay bánh hoặc trái cây. Tuy không nhiều nhưng tôi hy vọng san sẻ được những khó khăn với bà con trong bối cảnh hiện nay”, chị Phượng, chủ quán cơm chay Mãn Tự.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng bộ hệ thống thủy lợi là 'chìa khóa' bảo vệ ĐBSCL

ĐBSCL Các công trình thủy lợi ở ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát, ngăn mặn và đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.