| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam, Hoa Kỳ cùng nỗ lực cho mục tiêu an ninh lương thực toàn cầu

Thứ Ba 18/04/2023 , 17:58 (GMT+7)

Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ Thomas Vilsack nhấn mạnh vấn đề an ninh lương thực và thích ứng biến đổi khí hậu khi trao đổi với truyền thông Việt Nam chiều 19/4.

Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ Tom Vilsack gặp gỡ báo chí chiều 19/4. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ Tom Vilsack gặp gỡ báo chí chiều 19/4. Ảnh: Tùng Đinh.

Trong các ngày từ 17 - 19/4, Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ Tom Vilsack tới Việt Nam với nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ và nêu bật mối quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa 2 nước trong việc thúc đẩy các ưu tiên chung về an ninh, thịnh vượng trong khu vực, chống biến đổi khí hậu và tăng cường giao lưu nhân dân.

Chiều 19/4, ông có buổi trao đổi với một số tờ báo của Việt Nam. Ông Thomas Vilsack cho biết, khi Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ đối tác toàn diện cách đây 10 năm, trọng tâm là nhằm giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, trước những biến động trên toàn cầu thời gian qua như đại dịch Covid-19 hay xung đột Nga - Ukraine, tạo ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng lương thực, do đó, trọng tâm trong hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ hiện nay tập trung vào đảm bảo an ninh lương thực trên thế giới.

Vai trò của Việt Nam với an ninh lương thực

Chia sẻ về vấn đề an ninh lương thực toàn cầu, Bộ trưởng Thomas Vilsack khẳng định, Việt Nam có vai trò quan trọng vì là quốc gia sản xuất lúa gạo hàng đầu trên thế giới.

Do đó, Hoa Kỳ luôn tăng cường các nỗ lực hợp tác, hỗ trợ Việt Nam để giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất lúa gạo để có thể đóng góp nhiều hơn vào hệ thống lương thực toàn cầu.

“Trên bình diện thế giới, mỗi quốc gia đều có vai trò và trách nhiệm của mình. Trước những sức ép về gia tăng dân số hiện nay, chúng ta đang ngày càng nỗ lực để có thể sản xuất được nhiều hơn nhưng lại tiêu tốn nguyên liệu đầu vào ít hơn”, ông Thomas Vilsack chia sẻ và cho rằng, giải pháp cho vấn đề này chính là đổi mới sáng tạo và công nghệ được thực hiện một cách bền vững.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Vilsack đề cập đến việc sở hữu một hệ thống thương mại hiệu quả cũng giúp Việt Nam đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu một cách bền vững hơn.

Liên quan đến biến đổi khí hậu, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho rằng, tất cả các quốc gia trên thế giới đều trang trong giai đoạn thích ứng và học hỏi.

Hiện nay, Hoa Kỳ đã khởi động chương trình hợp tác về nông nghiệp và lâm nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Chương trình này được thiết kế để áp dụng các phương pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất.

Một số dự án trong số đó rất thích hợp với Việt Nam, ví dụ như các dự án ứng dụng công nghệ để giảm phát thải mê tan trong sản xuất lúa gạo. Trong nỗ lực thực hiện chương trình này, phía Hoa Kỳ cũng sẵn sàng chia sẻ các bài học thu được với nông dân trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam là thành viên của liên minh gia tăng năng suất lao động do Hoa Kỳ khởi xướng vào năm 2021. Trong liên minh này, sẽ có hoạt động trao đổi thông tin, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm hữu ích cho Việt Nam để giảm nguyên liệu đầu vào trong sản xuất lương thực.

Canh tác lúa theo biện pháp SRI tại Hà Nội, giúp giảm chi phí đầu vào, giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: Tùng Đinh.

Canh tác lúa theo biện pháp SRI tại Hà Nội, giúp giảm chi phí đầu vào, giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: Tùng Đinh.

Cơ hội rộng mở

Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ 3 của ông Thomas Vilsack và mỗi lần thì ông lại có ấn tượng mới rất mạnh mẽ về sự vươn lên của kinh tế Việt Nam.

Trong chuyến thăm này, Bộ trưởng Thomas Vilsack đánh giá cao tiềm năng mở rộng cơ hội thương mại giữa 2 nước, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Việc mở cửa thị trường cho quả bưởi chùm của Hoa Kỳ vào Việt Nam vừa qua nằm trong chuỗi sự kiện mở cửa thị trường để trái cây của 2 nước có thể xuất khẩu sang nhau.

“Hiện nay, chúng tôi đang hoàn thiện các thủ tục để mở cửa thị trường cho quả chanh leo và dừa nguyên vỏ của Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi cũng rất cảm kích trước việc Việt Nam chuẩn bị mở cửa thị trường cho một số loại quả của Hoa Kỳ như đào, xuân đào, quýt vàng”, Bộ trưởng Thomas Vilsack nói với báo giới.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ còn đề cập đến hợp tác trong lĩnh vực đào tạo và nâng cao năng lực cho phía Việt Nam, cụ thể là việc ra mắt Trung tâm Giám định gỗ Việt Nam với sự hỗ trợ của Cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ, giúp giám định gỗ nhanh chóng và chính xác hơn.

Ông Thomas Vilsack cho biết, Hoa Kỳ sẽ có thêm những hỗ trợ kỹ thuật khác để giúp Việt Nam hiện đại hóa hệ thống thương mại, không chỉ cho Việt Nam mà còn đóng góp vào sự phát triển chung toàn cầu.

Trong khuôn khổ cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Việt Nam, 2 nước đã có một số hợp tác trong các chương trình, sáng kiến liên quan.

Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ Vilsack hoan nghênh các cam kết của Việt Nam và đặc biệt nhấn mạnh vào việc giảm phát thải khí mê tan từ nông nghiệp. Theo quan điểm của ông, hành động quốc tế chung là chìa khóa để đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu đồng thời tăng cường khả năng phục hồi của nông nghiệp và giảm tác động khí hậu.

Hiện nay, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã có những hoạt động mạnh mẽ để thực hiện cam kết đưa phát thải ròng về 0 và ông Thomas Vilsack cho biết đó cũng là mục tiêu mà Hoa Kỳ đã cam kết.

“Khoảng cách từ cam kết đến hiện thực đòi hỏi chúng ta phải có sự nỗ lực rất nhiều. Để làm được điều đó, chúng ta cần hợp tác, cùng nhau chia sẻ thông tin, cùng nhau đổi mới dựa trên nền tảng công nghệ cũng như khuyến khích nông dân cởi mở hơn với cách làm mới, thay đổi nhận thức trong nông nghiệp”, người đứng đầu ngành nông nghiệp Hoa Kỳ cho biết.

Chia sẻ về thời gian tới, Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ nói hợp tác giữa hai quốc gia sẽ còn tiếp tục được mở rộng, dựa trên những tầm nhìn chung mà hai Chính phủ cùng chia sẻ liên quan đến an ninh lương thực toàn cầu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gỗ Việt Nam sang Hoa Kỳ có thể khởi sắc sau khi kinh tế nước này ổn định hơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gỗ Việt Nam sang Hoa Kỳ có thể khởi sắc sau khi kinh tế nước này ổn định hơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Mạng lưới thích ứng biến đổi khí hậu

Qua chuyến thăm Việt Nam lần này, Bộ trưởng Thomas Vilsack đã gửi lời mời đến Chính phủ và Bộ NN-PTNT Việt Nam về việc tham gia Hội nghị Bộ trưởng trong Sáng kiến "Sứ mệnh đổi mới nông nghiệp" vì khí hậu (AIM for Climate hay AIM4C) tại Washington DC trong tháng 5 tới.

Đây là sáng kiến của Hoa Kỳ, đến nay đã có 450 thành viên tham gia, trong đó có Việt Nam. Sáng kiến này giúp đẩy nhanh tiến độ thích ứng với biến đổi khí hậu của các thành viên tham gia.

“Chúng tôi mong rằng với sáng kiến này, Hoa Kỳ và Việt Nam thúc đẩy nỗ lực giảm phát thải mê tan trong lĩnh vực nông nghiệp. Tại hội nghị sắp tới, chúng tôi cũng kỳ vọng sẽ ra mắt được Mạng lưới thích ứng với biến đổi khí hậu quốc tế”, Bộ trưởng Thomas Vilsack chia sẻ thêm.

Trong chuyến thăm, ông Thomas Vilsack đã thảo luận về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) như một cơ hội để giảm bớt các hàng rào phi thuế quan nhằm tạo thuận lợi cho thương mại, đặc biệt là đối với các sản phẩm bền vững, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Xuất khẩu gỗ sẽ khởi sắc trở lại

Chia sẻ về kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Hoa Kỳ có dấu hiệu giảm thời gian vừa qua, Bộ trưởng Thomas Vilsack cho rằng vấn đề này gắn liền với tính chất của nền kinh tế Hoa Kỳ.

Cụ thể, do việc lạm phát gia tăng nên việc xây dựng và bán các ngôi nhà ở Hoa Kỳ bị chậm lại. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng hiện nay Hoa Kỳ đã kiểm soát được lạm phát, nền kinh tế được giữ vững nên trong tương lai gần, kim ngạch nhập khẩu đồ gỗ và các sản phẩm gỗ từ Việt Nam sẽ hồi phục.

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự nhiều hội nghị cấp cao tại Trung Quốc

Sáng 5/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao đã tới thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, bắt đầu chuyến công tác dự nhiều hội nghị cấp cao.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Cấp cứu 2 trẻ mầm non nghi ngộ độc thuốc diệt chuột

Sáng 5/11, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu đã tiếp nhận 20 trẻ mầm non, trong đó 2 cháu bé có biểu hiện ngộ độc.