Theo báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 202, thiên tai trên địa bàn không xẩy ra dồn dập và khốc liệt như năm 2020.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho người dân, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, lực lượng chức năng đã di dời sơ tán tại chỗ trên 1,8 nghìn hộ dân với trên 6,4 nghìn nhân khẩu; cứu hộ cứu nạn thành công 8 tàu, thuyền gặp sự cố trên biển và 1 phương tiện thủy gặp sự cố trên sông; phân bổ các phương tiện phục vụ công tác PCTT&TKCN.
Thiên tai trong năm 2021 đã làm 2 người chết; 1 người mất tích và 2 người bị thương; tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 362 tỷ đồng. Ngân sách hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai năm 2021 tại Quảng Trị trên 118 tỷ đồng.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, trong năm 2021 tỉnh đã tăng cường chỉ đạo nâng cao năng lực trong tổ chức, bộ máy các cơ quan quản lý về PCTT và TKCN, kiện toàn bộ máy Ban chỉ huy các cấp. Hệ thống Ban Chỉ huy PCTT và TKCN được thành lập và hoạt động xuyên suốt từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã.
Thông qua các nguồn vốn, Quảng Trị từng bước đầu tư, trang cấp đảm bảo cơ sở vật chất đối với Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, đặc biệt là trụ sở làm việc và hệ thống thiết bị thiết yếu; nâng cấp hệ thống các trạm khí tượng thủy văn phục vụ công tác cảnh báo, dự báo thiên tai nhằm đảm bảo chất lượng thông tin. Hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu phục vụ công tác phòng chống thiên tai cũng bước đầu dần hình thành.
Quảng Trị đã gắn phương châm “4 tại chỗ” với xây dựng cộng đồng an toàn với thực hiện tiêu chí an toàn về PCTT trong xây dựng nông thôn mới; củng cố nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của đội xung kích PCTT thiên tai cấp xã.
Công tác PCTT và TKCN của tỉnh Quảng Trị đã được Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đánh giá cao. Thông qua Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh, năm 2021, Quảng Trị xếp 22/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Ông Hà Sỹ Đồng cho biết thêm, hiện nay, các chương trình, dự án PCTT trên địa bàn tỉnh đã được ưu tiên đầu tư phát triển. Tuy nhiên, ngân sách địa phương vẫn còn hạn hẹp và nguồn vốn phân bổ từ Trung ương hàng năm vẫn còn hạn chế, dàn trải, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế tại địa phương, nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ PCTT chưa được đầu tư đồng bộ.
Hệ thống đường giao thông và các công trình cơ sở hạ tầng khi đầu tư xây dựng chưa tính toán đầy đủ yếu tố thủy lực, thủy văn để bố trí hệ thống thoát lũ hợp lý dẫn đến việc ngập lụt cục bộ tại nhiều khu vực khi có mưa lớn xảy ra, tình trạng lấn chiếm lòng sông gây cản trở thoát lũ vẫn còn xảy ra, ...
Công tác tuyên truyền, triển khai phòng, chống các hình thế thiên tai xảy ra đột xuất trong thời gian ngắn (lũ ống, lũ quét, lốc xoáy, giông sét, mưa đá,...) ở cấp cơ sở chưa được chú trọng, có biểu hiện chủ quan. Nhận thức cộng đồng dân cư đặc biệt là vùng sâu vùng xa, người dân tộc thiểu số về biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai còn hạn chế nên công tác tuyên truyền gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, công tác PCTT tại tỉnh Quảng Trị vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách.
Ông Đồng đề nghị: “Khắc phục những khó khăn, đề nghị các địa phương, các ngành chức năng nâng cao vai trò, triển khai hiệu quả các phương án phòng chống thiên tai. Phải coi sự an toàn của người dân là thước đo trong công tác phòng chống thiên tai”.
Phòng chống thiên tai, khắc phục hậu quả, động viên nhân dân yên tâm sản xuất
Sau mưa lũ lịch sử năm 2020, thông qua các nguồn hỗ trợ, Quảng Trị phân bổ, trang cấp và triển khai xây dựng, bàn giao 2 nhà cộng đồng, 106 nhà ở cho các gia đình. Đầu năm 2022, thời tiết diễn biến bất thường, trái quy luật với đợt mưa lũ lịch sử bất thường vào đầu mùa khô từ ngày 31/3 đến ngày 2/4. Đây là trận mưa lũ cực đoan, chưa từng xảy ra kể từ năm 1975; gây thiệt hại gần 800 tỷ đồng. Sau mưa lũ, Quảng Trị đã triển khai công tác hỗ trợ, động viên nhân dân khắc phục hậu quả và bước vào sản xuất vụ hè thu thắng lợi lớn.