Cuba đề nghị Việt Nam giúp đỡ sản xuất lúa gạo để tự chủ lương thực. Tổng cục Phòng chống thiên tai 5 năm 'sáng chắn bão giông chiều ngăn nắng lửa'. Ưu tiên nguồn vốn cho nông nghiệp công nghệ cao vùng ĐBSCL. Trên 9.800 tỷ đồng thực hiện phòng chống sạt lở bờ sông.
CUBA MUỐN VIỆT NAM GIÚP ĐỠ ĐỂ CÓ THỂ TỰ CHỦ ĐƯỢC LƯƠNG THỰC
Trong buổi làm việc với Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan, Đại sứ Cuba tại Việt Nam Nicolas Hernandez Guillen bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ để ngành nông nghiệp đặc biệt là sản xuất lúa gạo tiếp tục phát triển, hướng tới mục tiêu tự chủ được lương thực.Trong khi đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất hỗ trợ cho phía Cuba một số vấn đề về chăn nuôi, thủy sản hay hỗ trợ về quy trình sản xuất, hay kinh nghiệm quản lý.Ngoài ra, người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng, ngoài hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, trong thời gian tới hai bên có thể hợp tác hình thành các chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận với các vùng nguyên liệu của Cuba.
TỔNG CỤC PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI 5 NĂM "SÁNG CHẮN BÃO GIÔNG CHIỀU NGĂN NẮNG LỬA"
Chào mừng kỷ niệm 5 năm thành lập, chiều 17/8, Tổng cục phòng, chống thiên tai, Bộ NN-PTNT tổ chức chương trình “Dấu ấn vinh quang 5 năm một chặng đường”
5 năm trôi qua là một chặng đường không dài, nhất là với lịch sử truyền thống công tác phòng chống thiên tai của một đất nước “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”. Thế nhưng trong 5 năm ấy, Tổng cục đã đạt được nhiều thành quả, đặc biệt đã khơi dậy ý chí, cống hiến của cả hệ thống phòng chống thiên tai xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương cũng như của toàn xã hội.Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, với truyền thống 70 năm công tác phòng, chống thiên tai và 5 năm của Tổng cục Phòng, chống thiên tai, thời gian tới, những người làm công tác phòng chống thiên tai sẽ tiếp tục là tập thể đoàn kết, không run sợ và sẵn sàng lao vào mưa lũ, bão tố.
ƯU TIÊN NGUỒN VỐN CHO NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO VÙNG ĐBSCL
Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL về việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng ĐBSCL, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các tổ chức tín dụng, Ngân hàng chi nhánh tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, chủ động cân đối nguồn vốn, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế vùng ĐBSCL tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt là các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản; nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, sinh thái, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, theo mô hình liên kết, chuỗi giá trị.
TRÊN 9.800 TỶ ĐỒNG THỰC HIỆN PHÒNG CHỐNG SẠT LỞ BỜ SÔNG
UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành kế hoạch thực hiện đề án phòng, chống sạt lở bờ sông đến năm 2030 trên địa bàn với nguồn vốn trên 9.800 tỷ đồng. Theo UBND tỉnh Bình Dương, toàn tỉnh hiện có 60 điểm sạt lở cũ từ các năm trước ảnh hưởng đến đất sản xuất nông nghiệp, đường giao thông và nhà ở của người dân. Năm 2021, không phát sinh các điểm sạt lở mới, tuy nhiên ven sông Đồng Nai còn 16 điểm vẫn tiếp tục sạt lở thuộc thị xã Tân Uyên với tổng chiều dài hơn 4.000m.Để thực hiện đề án, Bình Dương đã đưa ra kế hoạch cụ thể cấp bách và lâu dài nhằm quản lý các hoạt động tại khu vực bờ sông, chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại tài sản của nhân dân và Nhà nước; Xây dựng cơ sở dữ liệu về sạt lở, dân cư và công trình phòng, chống sạt lở; Tổ chức cắm biển cảnh báo tại những khu vực bị sạt lở và có nguy cơ cao xảy ra sạt lở; Quy hoạch sắp xếp lại dân cư đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội và chủ động ứng phó với sạt lở bờ sông.