| Hotline: 0983.970.780

Tăng cường khả năng thoát lũ hạ du hồ Kẻ Gỗ

Thứ Ba 23/08/2022 , 15:00 (GMT+7)

Sau trận lũ lịch sử nhấn chìm 2 huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên và TP Hà Tĩnh vào năm 2020 việc tăng cường khả năng thoát lũ hạ du hồ Kẻ Gỗ là cấp bách...

TP Hà Tĩnh được bảo vệ với tần suất lũ 2%

Việc triển khai dự án “Tăng cường khả năng thoát lũ hạ du hồ Kẻ Gỗ”  sẽ đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược quốc gia về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, phù hợp với quy hoạch phát triển tổng thể hệ thống thủy lợi tỉnh Hà Tĩnh.

Empty

Ban 4 đang đẩy nhanh tiến độ lập báo cáo nghiên cứu khả thi để trình Bộ NN-PTNT thực hiện dự án "Tăng cường khả năng thoát lũ hạ du hồ Kẻ Gỗ".

Đặc biệt, dự án góp phần đảm bảo tiêu thoát nước, chống ngập úng, bảo vệ môi trường sinh thái, chủ động phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại do nước gây ra; thích ứng với biển đổi khí hậu, nước biển dâng.

Ông Hoàng Xuân Thịnh, Giám đốc Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 4 (Ban 4) - Bộ NN-PTNT cho hay, sau khi Bộ thống nhất cho chủ trương đầu tư dự án “Tăng cường khả năng thoát lũ hạ du hồ Kẻ Gỗ”, Ban đã thực hiện các bước cần thiết, lựa chọn liên danh Viện Thủy công - Viện Khoa học thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên - Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về Động lực học Sông Biển - Công ty CP tư vấn và xây dựng công trình Miền Trung lập báo cáo nghiên cứu khả thi.

“Đến nay, chúng tôi đã thực hiện được 80% khối lượng báo cáo nghiên cứu khả thi. Sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của các đơn vị trực thuộc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh; các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh, đơn vị tư vấn sẽ tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ, phấn đấu trình Bộ NN-PTNT xem xét trong tháng 8 năm 2022”, ông Thịnh nói.

Dự án “Hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu TP Hà Tĩnh" dự kiến có tổng mức đầu tư hơn 142 triệu USD.

Trong đó, nguồn vốn vay ODA của ADB là hơn 100 triệu USD (chiếm 70,61%), còn lại là nguồn đối ứng từ ngân sách tỉnh.

Hồ Kẻ Gỗ được xây dựng từ năm 1976, đưa vào vận hành năm 1983 với dung tích gần 350 triệu m3, vốn được xem như “quả bom nước” treo trên đầu hàng vạn hộ dân các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên và TP Hà Tĩnh. Sau trận lũ lịch sử năm 2020, người dân nơi đây càng kỳ vọng dự án tiêu thoát lũ hồ Kẻ Gỗ sớm được triển khai thi công.

Theo ông Hoàng Xuân Thịnh, mục tiêu của dự án là nâng cao khả năng phòng lũ của hồ, đảm bảo tiêu thoát lũ cho vùng hạ du (khoảng 24.500ha) thuộc các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên với tần suất 10% và TP phố Hà Tĩnh tần suất 2%.

“Ngoài dự án chúng tôi đang làm, TP Hà Tĩnh cũng triển khai đồng thời dự án “Hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Hà Tĩnh”, nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Phần dự án do Ban 4 làm chủ đầu tư sẽ khép kín các tuyến đê hở bao quanh thành phố. Còn phần đê đang yếu, chưa đủ cao độ phòng lũ tần suất 2% thì tỉnh Hà Tĩnh và TP Hà Tĩnh sẽ làm”, Giám đốc Ban 4 thông tin thêm.

Đề xuất 6 giải pháp nâng dung tích phòng lũ cho hồ Kẻ Gỗ

Theo tính toán, nghiên cứu của đơn vị tư vấn, sẽ có 2 phần được đầu tư là nâng cao năng lực phòng lũ cho hồ Kẻ Gỗ và xây dựng công trình tăng cường khả năng thoát lũ, giảm ngập cho vùng hạ du.

Trong nhóm nâng cao năng lực phòng lũ cho hồ có 6 giải pháp được đưa ra, gồm: Nâng cao đỉnh đập lên 2m nhằm tăng dung tích phòng lũ lên khoảng 25 triệu m3 nước so với quy trình vận hành năm 2011; giảm nhu cầu dùng nước hạ lưu; mở rộng tràn xả lũ Dốc Miếu, đóng hoàn toàn tràn trong cống lấy nước; xây dựng hồ chứa ở thượng lưu để cắt tần suất lũ về hồ Kẻ Gỗ; điều chỉnh quy trình vận hành và hoàn thiện thiết bị quan trắc, khí tượng thủy văn, hệ thống giám sát vận hành.

Empty

Mùa mưa lũ năm 2022 đã cận kề, việc nhanh chóng phê duyệt, triển khai thi công dự án là rất cấp bách.

“Để giải quyết được bài toán tăng dung tích phòng lũ cho hồ Kẻ Gỗ cần kết hợp nhiều giải pháp công trình và phi công trình. Tuy nhiên, trong 6 giải pháp đưa ra, việc nâng cao đập và xây dựng hồ chứa mới ở thượng lưu đòi hỏi chi phí đầu tư xây dựng lớn.

Hơn nữa, giải pháp nâng cao đập sẽ ảnh hưởng đến quy mô đập chính hiện nay, nhiều vấn đề mất an toàn đập cũng có thể phát sinh nếu không đánh giá đúng hiện trạng thân đập cũ cũng như xây dựng biện pháp thi công công trình hợp lý.

Còn xây dựng hồ chứa mới, đồng nghĩa quy trình vận hành cũng phức tạp hơn, thậm chí nếu đập thượng lưu có sự cố thì nguy cơ vỡ đập chính hiện nay là rất lớn. Vì vậy, chúng tôi đề xuất lựa chọn giải pháp giảm nhu cầu dùng nước hạ lưu; mở rộng tràn xả lũ kết hợp điều chỉnh quy trình vận hành và hoàn thiện thiết bị quan trắc, khí tượng thủy văn, hệ thống giám sát vận hành”, đại diện đơn vị tư vấn nhấn mạnh.

Đối với nhóm tăng cường khả năng thoát lũ, giảm ngập cho hạ du, trong khuôn khổ dự án sẽ đầu tư 2 tuyến đê: Cầu Đông 1 – 2 và tuyến Cầu Nủi – cầu Phụ Lão.

Nâng cao toàn bộ đê Đồng Môn hiện tại và đường tránh TP Hà Tĩnh để đáp ứng cao độ chống lũ tần suất 2% cho TP. Đồng thời, tổ chức nạo vét các đoạn co thắt dòng chảy trên các sông chính Rào Cái, sông Cày; nạo vét một số đoạn của các tuyết sông chính và sông nhánh.

Ước tính nguồn lực cần cho dự án này khoảng 1.000 tỷ đồng; trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 42 tỷ; chi phí xây dựng hơn 623 tỷ; chi phí dự phòng hơn 106 tỷ đồng…

Empty

Điều chỉnh quy trình vận hành, mở rộng tràn xả lũ Dốc Miếu là một trong những giải pháp được đề xuất để nâng cao dung tích phòng lũ cho hồ, hạn chế gây ngập lụt vùng hạ du.

Đến bây giờ, hồ Kẻ Gỗ đã được khai thác hơn 4 thập kỷ, mặc dù có cải tạo, nâng cấp nhưng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, các trận mưa lớn với tần suất 2%, 1%, thậm chí lớn hơn có thể diễn ra thường xuyên, tác động lớn đến an toàn công trình Kẻ Gỗ. Trong khi đó, khả năng cắt lũ của các hồ chứa có giới hạn, tỷ lệ diện tích khống chế của các hồ chứa là quá nhỏ so với diện tích lưu vực của toàn vùng hạ du nên hồ chứa chỉ có vai trò một phần trong việc giảm ngập lụt cho hạ du.

Việc đầu tư dự án “Tăng cường khả năng thoát lũ hạ du hồ Kẻ Gỗ” dù không giải quyết được triệt để tình trạng ngập lụt nhưng chắc chắn sẽ tăng khả năng thoát lũ; ngăn được tình trạng ngập sâu, dài ngày cho vùng hạ du; nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo lũ, kịp thời triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, cơ sở hạ tầng cho Nhân dân.

Ngoài việc giải quyết trước mắt là đảm bảo tiêu thoát lũ hạ du hồ Kẻ Gỗ, về lâu dài tỉnh Hà Tĩnh cần xem xét tích hợp các nhu cầu dùng nước, phát triển đô thị, đề xuất Chính phủ các giải pháp mang tính tổng thể nhằm hoàn thiện mở rộng toàn bộ các tuyến thoát lũ trên sông Rào Cái, Gia Hội và sông Cày; mở rộng các hồ điều hòa nhằm chậm lũ, cải tạo cảnh quan đô thị; mở nút Bến Mồ chuyển một phần lưu lượng từ sông Rào Cái sang sông Gia Hội; đầu tư công trình kiểm soát triển ở Cửa Sót (huyện Lộc Hà) và Cửa Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) để ngăn mặn, giữa ngọt.

Xem xét đầu tư các tuyến đường cứu hộ, cứu nạn cho cụm công trình đầu mối hồ Kẻ Gỗ, Bộc Nguyên; đồng thời, bổ sung, nâng cấp các cống qua tuyến QL1A, bao gồm cả các tuyến đường tránh…

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.