| Hotline: 0983.970.780

Ấn tượng chương trình giảm nghèo ở Bình Phước

Thứ Sáu 28/06/2024 , 15:16 (GMT+7)

Sau 5 năm thực hiện chương trình mỗi năm giảm 1.000 hộ nghèo, toàn tỉnh Bình Phước đã có gần 6.600 hộ nghèo đồng bào thiểu số thoát nghèo, đạt 130% kế hoạch đề ra.

Đây là thông tin tại hội nghị tổng kết, đánh giá 5 năm thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Bình Phước, giai đoạn 2019-2023.

Bình Phước vốn là tỉnh nghèo khu vực miền Đông Nam bộ, dân số toàn tỉnh trên 1 triệu người, và có đến hơn 40 thành phần dân tộc sinh sống, trong đó, đồng bào DTTS chiếm gần 20% dân số toàn tỉnh, sống đan xen trên địa bàn 111 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thị xã, thành phố. Phần lớn đồng bào DTTS là hộ nghèo.

Giai đoạn 2016-2018, tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào DTTS hằng năm thấp, mỗi năm giảm 1,15%, đạt 57% so với kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS có xu hướng tăng. Đầu năm 2019, toàn tỉnh có gần 9.000 hộ nghèo là dồng bào DTTS, trước thực trạng đó, tỉnh Bình Phước xác định phải bố trí, huy động nguồn vốn nguồn lực, nhằm tạo động lực cho bà con thoát nghèo. 

Hỗ trợ máy bơm cho bà con nông dân huyện Bù Đăng trong khuôn khổ chương trình giảm 1.000 hộ nghèo/năm của tỉnh Bình Phước. Ảnh: HT.

Hỗ trợ máy bơm cho bà con nông dân huyện Bù Đăng trong khuôn khổ chương trình giảm 1.000 hộ nghèo/năm của tỉnh Bình Phước. Ảnh: HT.

Vì vậy, từ đầu năm 2019, Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Phước được ban hành, nhằm hỗ trợ chính sách giảm nghèo cho hộ nghèo DTTS như: nhà ở, xây dựng nhà vệ sinh, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ con giống, xây trồng… nhằm tăng thu nhập cho hộ nghèo DTTS.

Để chương trình được triển khai hiệu quả, 5 năm qua, tỉnh đã bố trí trên 675 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh bố trí trên 284 tỷ đồng, vốn ngân sách cấp huyện bố trí gần 5,4 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ chương trình mục tiêu quốc gia trên 51 tỷ đồng, nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội trên 147 tỷ đồng, vốn vận động gần 173 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn lồng ghép khác để thực hiện chương trình.

Từ nguồn vốn được bố trí, cơ quan chức năng các địa phương đã hỗ trợ người dân xây, sửa chữa nhà ở, đất ở; hỗ trợ chăn nuôi, trồng trọt; đào tạo, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm… Việc hỗ trợ cho người dân được thực hiện công tâm, sát với thực tế và phù hợp với nhu cầu thực tiễn của người dân.

Là cơ quan chủ quản thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS của tỉnh, ông Mai Xuân Tuân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Phước cho biết, Sở căn cứ vào chỉ tiêu giảm nghèo của từng địa phương, riêng với hộ nghèo DTTS trên tinh thần danh sách đăng ký thoát nghèo, các địa phương phải khảo sát nhu cầu cần hỗ trợ của từng hộ để lập kế hoạch đề nghị bổ sung các chỉ tiêu còn thiếu hụt, cụ thể như nhà ở, nước sạch, sinh kế, điện thắp sáng… Đồng thời giảm dần hình thức hỗ trợ 100% cho người nghèo DTTS để hạn chế tình trạng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước của một bộ phận đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Tại hội nghị tổng kết, ông Nguyễn Văn Lưu, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng cho biết, toàn huyện có hơn 143 ngàn người, trong đó gần 58 ngàn người là đồng bào DTTS. Năm 2019, toàn huyện có 1.488 hộ nghèo, trong đó 959 hộ nghèo là người DTTS. Sau 5 năm triển khai chương trình, toàn huyện đã giảm được 1.430 hộ nghèo DTTS. Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS hết sức ý nghĩa, phù hợp với nguyện vọng của người dân, tạo động lực để đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững. “Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo rà soát, xác định đối tượng thụ hưởng đảm bảo “đúng người, đúng hoàn cảnh, đúng chính sách cần hỗ trợ” đảm bảo chương trình được triển khai đạt hiệu quả cao nhất”, ông Lưu nói.

Từ mấy năm qua, nhờ được tư vấn, hỗ trợ, đồng bào S'tiêng ở Sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng lập các tổ sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ bán cho du khách, tăng thu nhập, cuộc sống ngày càng ổn định. Ảnh: HT.

Từ mấy năm qua, nhờ được tư vấn, hỗ trợ, đồng bào S'tiêng ở Sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng lập các tổ sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ bán cho du khách, tăng thu nhập, cuộc sống ngày càng ổn định. Ảnh: HT.

Qua 5 năm triển khai, chương trình này đã nhận được không chỉ sự chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền mà còn có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự chung tay, góp sức của cộng đồng, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giúp cho 6.598 hộ nghèo DTTS thoát nghèo. Qua đó góp phần giúp cho tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ngày càng phát triển. Từ đó, hộ nghèo DTTS ngày càng nâng cao nhận thức, chủ động đăng ký thoát nghèo bền vững dựa vào sự hỗ trợ của các nguồn lực từ Nhà nước.

Các địa phương luôn xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong hỗ trợ hộ nghèo về vốn, khuyến nông, dạy nghề, kinh nghiệm sản xuất,... thực hiện hiệu quả mô hình mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ hộ nghèo cụ thể. Bình Phước giảm dần hình thức hỗ trợ 100% kinh phí hỗ trợ giảm nghèo, tăng cường sự tham gia đóng góp của hộ nghèo đồng bào DTTS để hạn chế việc trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; thường xuyên thông tin, tuyên truyền, tạo sự thống nhất về nhận thức, quan điểm, cách làm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách cho hộ nghèo đồng bào DTTS.

Kết quả giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS đã trở thành bước đệm để công tác giảm nghèo của tỉnh chuyển biến theo hướng nhanh, bền vững; giúp đồng bào DTTS được tiếp cận các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, cũng như các dịch vụ xã hội một cách đầy đủ và chất lượng hơn.

“Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS của tỉnh là chương trình đặc thù, đột phát, thực chất, phù hợp với thực tiễn của tỉnh. Đặc thù vì đây là chương trình riêng, sáng tạo, được thực hiện bằng ngân sách của tỉnh cùng với các nguồn lực vận động từ bên ngoài để phục vụ cho công tác giảm nghèo. Chương trình hết sức ý nghĩa và nhân văn, góp phần làm thay đổi đời sống gần 6.600 hộ dân đồng bào DTTS. Đây là kết quả to lớn - ấn tượng - ngoạn mục, được nhân dân nhiệt tình ủng hộ”, bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Có gì ở 'Lễ hội nông sản'?

TP.HCM 60 gian hàng nông sản, sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao của các tỉnh thành trên cả nước quy tụ tại sự kiện 'Kết nối sản phẩm OCOP thường kỳ tại TP.HCM'.