| Hotline: 0983.970.780

Ấn tượng mô hình VAC ở Quốc Oai

Thứ Tư 20/11/2013 , 10:09 (GMT+7)

Về xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai (Hà Nội) hỏi về tình hình chăn nuôi sẽ được biết đến một khu chăn nuôi tập trung quy mô lớn của anh Nguyễn Văn Lâm (SN 1971).

Về xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai (Hà Nội) hỏi về tình hình chăn nuôi sẽ được biết đến một khu chăn nuôi tập trung quy mô lớn của anh Nguyễn Văn Lâm (SN 1971).

Tâm sự với chúng tôi về những ngày đầu lập nghiệp, anh Lâm bộc bạch nỗi khó khăn, vất vả như đào ao vật hàng ngàn m3 đất lên để xây dựng chuồng trại, chọn và nhập con giống về nuôi...

Khởi sự từ năm 2005, anh vay vốn từ các tổ chức tín dụng, quỹ khuyến nông, cộng với dồn hết vốn liếng, tài sản của gia đình được vài trăm triệu. Bắt đầu nuôi cá, tiếp đến nuôi lợn rồi gà. Chăn nuôi cả 3 con tuy vất vả song thấy có hiệu quả vì tận dụng được thức ăn, chất thải từ nuôi lợn, gà làm luôn thức ăn cho cá.

Sau 6 năm gắn bó, vật lộn với nghề, giờ đây anh đã có trang trại khá lớn ở trong khu chăn nuôi tập trung của xã Cấn Hữu với một quy trình gần như khép kín, hình thành rõ nét một mô hình vườn - ao - chuồng mà người ta quen gọi là VAC.


Anh Nguyễn Văn Lâm chăm sóc đàn lợn

So với một số nơi, diện tích 13.000 m2 tuy không lớn nhưng ở anh đã tính toán, cân nhắc hợp lý để đảm bảo tính tiện lợi và hiệu quả. Diện tích dành cho vườn cây cảnh, cây ăn quả với gần 4.000 m2 chủ yếu anh trồng cau Tứ thời và bưởi Diễn (năm qua đã cho thu nhập trên 40 triệu đồng).

Diện tích 2 ao dành cho nuôi cá với gần 7.000 m2 chủ yếu nuôi cá chép lai cho thu hoạch 2 lứa/năm, mỗi lứa từ 4 - 5 tấn (cho thu nhập từ 200 - 250 triệu đ/năm). Với chăn nuôi gà anh dành khoảng 1.000 m2 chủ yếu nuôi gà chuyên trứng Isa Brawn cho năng suất cao.

Diện tích nuôi lợn trên 700 m2 chủ yếu nuôi thương phẩm với gần 500 con, đồng thời nuôi 50 lợn nái, 2 lợn đực giống để SX lợn thịt thương phẩm tại chỗ (chăn nuôi lợn, gia cầm có thu nhập từ 200 - 300 triệu đ/năm). Diện tích còn lại là văn phòng giao dịch, nhà kho chứa thức ăn, vật dụng chuồng nuôi.

Điều đáng nói là anh luôn tìm tòi chịu khó áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Với quy mô như vậy song chỉ thuê 4 - 5 lao động thường xuyên, khi thời vụ có thể huy động thêm lao động tại chỗ để tiết kiệm nhân công, giảm chi phí.

Anh đã đưa hệ thống máng ăn, máng uống tự động vào chuồng nuôi, từ hệ thống biogas, cống rãnh, nuôi chuồng kín được thiết kế tính toán một cách khoa học, đảm bảo các quy trình kỹ thuật nhưng chi phí giảm đầu vào giảm đáng kể.

Nói về thu nhập, anh Lâm cho biết doanh thu hàng tháng từ cá, lợn, gia cầm và một số cây ăn quả trong trang trại anh thời điểm hiện tại đạt 700 - 800 triệu đ/tháng, trừ chi phí lãi khoảng 50 - 60 triệu đ/tháng. Quả thật đây là một con số ấn tượng với nhiều người lao động, nhất là những người gắn bó với chăn nuôi.

Nguồn thu trên một phần dành cho sinh hoạt, nuôi con ăn học phần lớn lại tiếp tục đầu tư vào trang trại, từng bước tăng quy mô, nâng cao chất lượng giống để nâng cao năng suất.

Anh Lâm cũng chia sẻ, thuận lợi khi được chăn nuôi ở khu tập trung này là hạn chế được dịch bệnh. Được chủ động đầu tư và rất thuận lợi cho việc đi lại giao dịch vận chuyển thức ăn, vật tư ra vào khu mà không ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân như trước đây.

Hơn nữa chăn nuôi ngoài khu dân cư giảm thiểu được ô nhiễm môi trường, có nhiều điều kiện để nâng chất lượng giống, áp dụng điều kiện kỹ thuật tiên tiến, hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả.

Chăn nuôi ở một khu sẽ tạo điều kiện cho các hộ xung quanh thành lập chi hội, tổ chăn nuôi để cùng hợp tác phát triển. Do có nhiều đóng góp, chăm lo cho phong trào chung nên anh Lâm được bà con trong khu bầu là chi hội trưởng chăn nuôi.

Anh cũng có nhiều đóng góp để xây dựng chi hội ngày càng vững mạnh, đặc biệt trong việt giao dịch với các doanh nghiệp, các cơ sở giết mổ để đảm bảo việc tiêu thụ sản phẩm cho bà con cùng chi hội.

Những năm qua anh cũng tranh thủ được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chuyên môn của huyện, của thành phố để tiếp tục xây dựng khu chăn nuôi tập trung xã Cấn Hữu ngày càng phát triển. Đến nay khu chăn nuôi tập trung đã có trên 60 hộ chăn nuôi ra khu tập trung, tổng đàn lợn 3.260 con, đàn gia cầm 338.300 con, đàn vịt ngay đạt 20.150 con.

Định hướng phát triển trang trại của anh Lâm trong thời gian tới chủ yếu là nâng cao chất lượng giống, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, phân đấu năm 2015 trang trại đạt trên 1.000 lợn, trên 3.000 gia cầm.

Bên cạnh cái được, trong quá trình SX anh Lâm cũng gặp không ít khó khăn như việc tiêu thụ sản phẩm vẫn chưa ổn định, giá đầu vào như con giống, thức ăn, chi phí vận chuyển cao. Trang trại của anh và bà con trong chi hội chưa xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nên chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, giá sản phẩm còn thấp so với giá đầu vào.

Bên cạnh đó thời tiết khí hậu thời gian qua diễn biến phức tạp khó lường, dịch bệnh xảy ra ở một số nơi làm ảnh hưởng không nhỏ đến SX, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm.

Anh Lâm cũng rất mừng là TP có chủ trương phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm SX quy mô lớn ngoài khu dân cư, điều này sẽ rất thuận lợi. Đặc biệt ngành NN-PTNT Hà Nội rất chú trọng đến việc xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, giúp các cơ sở xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm và chuyển giao TBKT giúp người chăn nuôi nâng cao hiệu quả.

Là người dân gắn bó với nghề chăn nuôi anh Lâm mong muốn các cơ quan Nhà nước tăng cường quản lý, xử lý nghiêm những sản phẩm chăn nuôi, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, sản phẩm nhập lậu để từ đó nâng cao sức tiêu thụ cho sản phẩm chăn nuôi trong nước. Có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho bà con về vốn kể cả việc cho vay tín chấp để giúp họ mạnh dạn đầu tư chăn nuôi quy mô lớn.

Về thăm mô hình VAC của anh Nguyễn Văn Lâm một lần hẳn sẽ khó quên bởi một con người có chất nông dân thực thụ. Mới ngoài bốn mươi tuổi đời, song anh đã có cách làm hay, mạnh dạn và hiệu quả.

Ở anh, chúng tôi còn thấy sự nhiệt tình, cởi mở, luôn mong có bà con đến cùng chia sẻ, nhân rộng để chăn nuôi hiệu quả, bền vững.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.